Trong suốt 2 tháng vừa rồi, tôi vừa “cày” hết cuốn tiểu thuyết kinh điển nghìn trang “anh em nhà Karamazov” của Fyodor Dostoyevsky.
Là một người ít khi đọc tiểu thuyết, lại đặc biệt kinh hãi những cuốn sách dày, việc đọc xong cuốn này là một thành tựu lớn đối với bản thân tôi, vì quá trình ấy đã đòi hỏi tôi phải cam kết và kiên nhẫn với nó vô cùng. Vì lẽ đó, tôi quyết định chia sẻ chút cảm nghĩ để ai quan tâm có thể tìm đọc.
BỐI CẢNH
Sau khi đã nghe rất nhiều lời ngợi khen về cuốn kinh điển này (rằng nó là một trong những tiểu thuyết khai thác rất sâu về nội tâm mà mọi sinh viên ngành tâm lý đều nên đọc), tôi có lẽ đã tiếp cận nó với một sự kỳ vọng tương đối cao, và đã ngay lập tức gặp khó khăn trong việc đặt được mình vào bối cảnh của câu chuyện.
Bối cảnh ấy là ở nước Nga vào cuối thế kỷ 19, chỉ vài thập niên trước cách mạng, thời điểm đế quốc Nga đang dần lung lay trong sự hỗn loạn của nhiều luồng tư tưởng mới. Không những vậy, Dostoyevsky còn đã khéo léo lột tả được tâm tư, nỗi niềm, và khát vọng của người dân Nga ờ nhiều tầng lớp: từ quý tộc cho đến tôi tớ, từ cao sang cho tới nghèo hèn, như để vạch trần hiện thực của một xã hội bất bình đẳng, ẩm ương, méo mó, xộc xệch.
Khỏi phải nói, bối cảnh ấy xa lạ và khó gần với một đứa con của thời hiện đại như tôi. Nhưng có lý do để những cuốn văn học cổ điển như vậy trở nên trường tồn: là vì những thông điệp và tư tưởng được gài cắm trong ấy mang tính vĩnh cửu, vượt thời gian. Nói theo lời cụ Nguyễn Duy Cần thì là: “chân lý của người và việc là chân lý của thiên thu”.
Những giá trị thật sự của nó vượt lên trên giới hạn về lịch sử và địa lý nơi tác phẩm được ra đời, và “anh em nhà Karamazov” không phải là ngoại lệ.
Câu chuyện khai thác những mâu thuẫn gia đình giữa ba anh em nhà quý tộc Karamazov (Dmitri, Ivan, và Alyosha) cùng với người cha Fyodor tệ bạc của họ. Hiềm khích giữa người con trai cả Dmitri và cha bị đẩy lên đến đỉnh điểm, khi giữa họ xảy ra sự tranh chấp và thù địch cả về tình lẫn về tiền. Mâu thuẫn hằn sâu không thể hòa giải đẩy họ vào những sự giằng xé nội tâm sâu sắc.
NHÂN VẬT
Khi dần vào được “guồng” của câu chuyện, tôi mới nhận ra: các nhân vật trong truyện không chỉ được Dostoyevsky khắc họa một cách đa chiều và sống động, mà họ còn tượng trưng cho những kiểu hình nhân cách của thời thế:
Người anh cả Dmitri là một người nóng nảy, thô bạo, ghen tuông, trác táng, ham mê dục thú và đôi khi trở nên cuồng loạn. Tuy là một “hedonist” (người theo chủ nghĩa khoái lạc), nhưng về bản chất, Dmitri không phải kẻ ác: chôn sâu trong anh là một tâm hồn hướng thiện với những chuẩn mực riêng, một trái tim biết yêu trong sáng, nhưng gặp khó khăn trong việc tự kiểm soát được chính mình. Cuộc sống của Dmitri như một sự tranh đấu với bản thân: anh vừa là hiện thân của phần thú tính bản năng không chịu nổi xiềng xích, vừa là hiện thân của phần lương tâm cao quý biết đúng sai nhưng ngột ngạt đầy phán xét.
Người anh thứ Ivan là một người vô thần duy lý, sở hữu tri thức hàn lâm uyên bác với những biện luận triết học cao siêu. Thế nhưng khối óc thiên tài ấy không mang lại cho Ivan hạnh phúc, vì trái tim anh tràn ngập sự ngờ vực, thù hận, tự đắc, thủ đoạn và cay nghiệt đến buốt lạnh. Ivan là hiện thân của một kiểu người mới của thời đại: anh không tin vào thượng đế, hay nói đúng hơn: anh căm phẫn trước thế giới của thượng đế, một thế giới ngập tràn ác độc và khổ đau, nơi những đứa trẻ vô tội cũng không được buông tha. Nỗi khổ của Ivan, là cuộc giao tranh giữa những tư duy lý tính kiêu ngạo và niềm tin tâm linh mù quáng.
Người em út Alyosha, có lẽ là chấm sáng hiếm hoi làm điểm nhấn trong một bức tranh xám xịt và tăm tối. Anh là một vị tu sĩ trẻ với tâm hồn cao đẹp. Alyosha tuy không có những đam mê cuồng nhiệt như Dmitri hay kho trí tuệ uyên thâm như Ivan, nhưng anh có đức tin, có phẩm hạnh, có lương tri, có sự bao dung chân thành đầy khiêm nhường và ấm áp. Thử thách khắc nghiệt nhất dành cho Alyosha, là làm sao giữ mãi được ánh sáng thiện lành ấy trong thâm tâm mà không bị hiện thực cuộc sống làm vẩn đục, làm sao để mãi dịu dàng trong một thế giới chẳng hề dịu dàng với anh.
Những mảnh đời chắp vá bị trói buộc lẫn nhau trong sợi chỉ của số phận, nhưng rồi sợi chỉ ấy bị rối nhằng nhịt trong những chất vấn giằng co giữa cái thiện và cái ác, giữa dục tính và lương tâm, giữa ngay thẳng và dối trá, giữa tình yêu và thù hận, giữa hạnh phúc và khổ đau.
Tác phẩm là một khúc trường ca đầy bi kịch, xoáy sâu vào tâm tư của nhiều nhân vật, nơi mỗi người bị mắc kẹt trong một cuộc giày xéo nội tâm ngang trái giữa những thái cực đối nghịch, và phải học cách chấp nhận lấy cả ánh thiên thần lẫn bóng ác quỷ trong con người họ.
Trong ấy, không ai thật sự là phản diện, và cũng không ai chính diện. Họ đều là con người, với tất cả những sự cao quý và đê hèn đầy trái ngược mà con người vốn có.
VỀ TÁC PHẨM
Có quan điểm cho rằng “anh em nhà Karamazov” là một cuốn triết học, nhưng lại ẩn mình trong hình hài của một tiểu thuyết trinh thám. Tôi hoàn toàn đồng ý. Những luồng quan điểm trái ngược lẫn nhau giữa các nhân vật, hầu như đều là hiện thân cho những hệ thống tư tưởng và niềm tin đang thống trị xã hội thời kỳ đó. Việc này tuy phản ánh kho kiến thức và kinh nghiệm trù phú của tác giả, nhưng có thể gây khó khăn cho những người chưa được làm quen từ trước với những góc nhìn ấy.
“Anh em nhà Karamazov” tuy bàn đến những chủ đề sâu nặng, nhưng đây hoàn toàn không phải là một cuốn sách tiêu cực. Le lói đằng sau những tấn bi kịch đẫm máu và nước mắt, là những thông điệp đầy ý nghĩa của việc làm người. Tình yêu, lẽ phải, sự dung thứ, và lòng vị tha, là những ngọn nến của hy vọng mà Dostoyevsky đã thắp lên giữa chốn bùn lầy tăm tối, chữa lành cho những đau thương ở nơi sâu kín nhất của tâm hồn.
Nửa đầu câu chuyện cũng có thể gây khó dễ cho người đọc vì những tình tiết có diễn biến chậm, và có quá nhiều nhân vật được nhắc đến như một ma trận của những cái tên Nga. Thế nhưng, trong nửa sau của câu chuyện, tình tiết được đẩy lên nhanh hơn với cốt truyện trinh thám hấp dẫn và ly kỳ, cuốn người đọc vào những diễn biến kịch tính, thúc đẩy họ bởi nỗi khát khao muốn thấy cao trào nơi những bí ẩn được hé lộ.
Một điểm nhấn ấn tượng trong “anh em nhà Karamazov” là văn phong của Fyodor Dostoyevsky. Chương nối tiếp chương là những trang giấy ngùn ngụt chữ, đôi khi dông dài, lê thê, và thử thách lòng kiên nhẫn của người đọc. Thế nhưng, ở những trường đoạn quan trọng nhất, lối hành văn ấy lại khiến cho những diễn biến nội tâm của nhân vật được lột tả một cách chân thực đến trần trụi, lay động được trái tim người đọc và làm nó thổn thức với những câu từ vần điệu tuôn chảy như xoáy thẳng vào tâm can. Đó là một thứ ngôn ngữ của tâm hồn, đôi khi phức tạp, mơ hồ, và thần bí, nhưng lại có thể chạm được vào những gì sâu thẳm nhất.
Ở điểm này, Dostoyevsky không chỉ xuất chúng về văn chương, mà còn là một nhà tâm lý và một triết gia xuất sắc. Văn phong của Dostoyevsky gợi tôi nhớ đến triết gia hiện sinh Kierkegaard, với những tiếng lòng sâu sắc đến chơi vơi, mộng mơ đến quằn quại, nhưng vẫn luôn hướng về sự thiêng liêng. Bên cạnh đó, bản chuyển ngữ của Phạm Mạnh Hùng tự nó cũng đã là một kiệt phẩm dịch thuật.
LỜI KẾT
“Anh em nhà Karamazov” là một tuyệt tác, nhưng tôi sẽ không khuyên mọi người tìm đọc nếu như cảm thấy những chủ đề này quá đỗi nặng nề, không có nhiều thời gian, hay không có đủ kiên nhẫn để “nghiền” được hết gần một nghìn trang của nó.
Thế nhưng, với những ai sẵn sàng thử thách bản thân với một kinh điển như “anh em nhà Karamazov”, hẳn rồi cũng sẽ thỏa mãn khi thấy những câu hỏi quan trọng và cốt yếu về bản chất của đời người được Dostoyevsky khám phá từ nhiều góc độ, và rồi sẽ hiểu vì sao một cuốn tiểu thuyết mang đậm tính giáo lý như vậy lại được một người vô thần chủ nghĩa như Stephen Fry công nhận là “một tác phẩm của thiên tài mà bất kỳ ai cũng nên đọc”.
Với bản thân tôi, “anh em nhà Karamazov” là một chuyến hành trình dài. Ngòi bút của Dostoyevky đã đưa tôi đi qua những ga bến đầy thăng trầm của cảm xúc: từ những vũng lầy nhơ nhuốc của sự tuyệt vọng, ngọn lửa đam mê cuồng loạn của tình yêu, hay sự nồng hậu chan chứa của lòng vị tha, cho tới cán cân chênh vênh của thiện ác, và lời phán xét tối cao của tòa án lương tâm.
Hành trình ấy đã có lúc khiến tôi phải đối diện với tâm hồn mình, thách thức ở bản thân tôi những thiên kiến đúng sai, và rồi để lại nhiều ấn tượng sâu cay khó nhòa.
Rating: 9.25/10
Review của độc giả Hà Minh – Nhã Nam reading club
Bạn có thể tìm mua sách tại:
TÊN SÁCH | NHÃ NAM | TIKI | FAHASA |
ANH EM NHÀ KARAMAZOV | http://bit.ly/anhemkaramazovNhaNam | http://bit.ly/anhemkaramazovTiki | http://bit.ly/anhemkaramazovFHS |