REVIEW “TRAO EM MẶT TRỜI” – Nelson Jandy

REVIEW “TRAO EM MẶT TRỜI” – Nelson Jandy

5/5 ⭐

Nhân tháng tự hào LGBT+, nhân ngày gia đình, xin được gửi đến các bạn review một cuốn sách mình vô cùng tâm đắc về tình cảm gia đình, tình yêu đồng giới mà ẻm bị flop quá.

Giữa những người thân trong gia đình sẽ có lúc có những mâu thuẫn, hiểu lầm. Đôi khi chúng ta ghét bỏ nhau, thậm chí là không muốn cả nhìn mặt nhau. Nhưng sau tất cả, chúng ta vẫn là một gia đình, mà đã là gia đình thì chẳng bao giờ bỏ rơi nhau cả. Gia đình của Noah và Jude cũng vậy. Noah và Jude là cặp song sinh gắn bó với nhau từ những tế bào đầu tiên trong bụng mẹ. Nhưng lại chẳng ai nghĩ vậy cả! Noah là một cậu bé rụt rè, kì quặc với mái tóc đen giống mẹ, lúc nào cũng vẽ vời mọi thứ trong đầu. Còn Jude thì xinh đẹp, nổi bật, được nhiều người theo đuổi với mái tóc vàng tỏa sáng như một nữ thần Mặt Trời giống bố. Họ giống như hai phiên bản đối hoàn toàn đối lập của một con người hơn là một cặp song sinh. Nhưng chỉ có hai chị em mới biết họ giống nhau đến dường nào: chỉ có thể chơi piano với bốn bàn tay trên những phím đàn; không thể chơi oản tù tì vì lúc nào cũng ra giống hệt nhau. Họ chia sẻ với nhau từng nhịp thở, từng cung bậc cảm xúc và hơn cả, là niềm say mê bất tận dành cho nghệ thuật. Noah có năng khiếu thiên bẩm về . Trong cậu luôn trực chờ bùng nổ những dải màu sắc độc nhất vô nhị. Jude thì lại sở hữu những bức phù điêu cát lộng lẫy, “đẹp đến rợn người”, được vẽ lên cát chỉ để bị sóng cuốn đi.

Tài năng là vậy, gắn bó là vậy, nhưng cũng giống như những gia đình, những cặp anh chị em khác, tuổi trưởng thành với biết bao biến cố, đổ vỡ cứ từng chút từng chút một đẩy hai người họ ra xa nhau. Hai đứa trẻ từng chia sẻ với nhau cả thế giới, vậy mà giờ đây lại phải tự mình chống chọi với hành trình đi tìm bản ngã mà ai cũng phải trải qua. Với Noah, đó là nỗi hoang mang, hoảng sợ trước những rung động đầu đời lạ lẫm, là cuộc chiến không hồi kết giữa “chọn ♥ hay là nghe lí trí”… Với Jude, đó là hành trình tìm lại linh hồn đã mất của đứa em trai, là sự đấu tranh trong việc chối bỏ đam mê, quyền được hạnh phúc vì mặc cảm tội lỗi… Và trong suốt những năm tháng bồng bột ấy, dù vô tình hay cố ý, hai chị em cứ liên tục làm tổn thương nhau hết lần này đến lần khác. Bằng lời nói, bằng hành động hay chỉ đơn giản là bằng việc không-làm-gì-cả…

Xuyên suốt gần 500 trang sách là hành trình trưởng thành tàn khốc mà cũng ngập tràn yêu thương của Noah và Jude. Ở đó có những xúc cảm mà hẳn chàng trai cô gái nào cũng từng ít nhất một lần trải qua. Cảm giác ngại ngùng, xao xuyến khi được ở bên cạnh “mối tình đầu”. Dư vị ngọt ngào, nồng nàn đến run rẩy của nụ hôn đầu tiên. Nỗi bất lực đến tuyệt vọng khi chứng kiến người mình yêu thương cứ dần dần rời xa mà không sao níu kéo được. Sự sợ hãi trước miệng lưỡi người đời mà không dám sống thật với chính mình. Rồi cả sự ích kỷ, nhỏ nhen, ghen tị với tài năng của người khác… Những xúc cảm ấy, qua ngòi bút của tác giả hiện lên sinh động, cuồn cuộn như muốn nhấn chìm người đọc vào dòng lũ cảm xúc vậy.

Khép cuốn sách lại, kết thúc câu chuyện của hai chị em cũng là khi mình thấm thía, rằng: “Trên đời này quan trọng nhất là gia đình, những cái khác có hay không không quan trọng”. Noah và Jude có thể ích kỉ, nhỏ nhen, thích chiếm hữu, hay chơi xấu nhau, nhưng sau cùng vẫn không thể sống thiếu nhau dù chỉ một giây một khắc. Từ Noah và Jude, họ lại trở về là JudevàNoah, là một, là duy nhất! Phải trải qua bao vấp ngã, tan vỡ, tổn thương họ mới hiểu được sợi dây gắn kết máu thịt từ thuở còn trong bụng mẹ ấy nó thiêng liêng kì diệu đến dường nào. Suy cho cùng thì cũng chỉ có gia đình mới yêu thương, bảo vệ nhau vô điều kiện mà thôi! Giống như cái cách Jude coi việc bảo vệ, chăm sóc cho em trai là bản năng. Hay Noah thì coi việc một mình chịu đựng nỗi dày vò để chị và bố được hạnh phúc là một lẽ đương nhiên vậy. Cũng nhờ cuốn sách này mà tự nhiên mình hiểu thấu ai cũng có quyền được hưởng hạnh phúc, dù đôi khi hạnh phúc của người này lại khởi nguồn cho nỗi bất hạnh của người khác. Nghe thì có vẻ ích kỉ nhưng kì thực, sống thật với trái tim chẳng nhẽ lại là sai trái hay sao?

Trao em mặt trời” thực sự là một bức tranh đẹp rực rỡ, ngập tràn ánh sáng và màu sắc của tình yêu, tuổi trẻ. Trong bức tranh ấy là sự tương phản giữa hai gam màu nóng và lạnh, tượng trưng cho hai con người mà nếu thiếu mất một thì bức tranh chẳng thể trọn vẹn được. Hành trình tìm lại kết nối yêu thương giữa Noad và Jude là hành trình của tan vỡ, đau thương, hàn gắn…Nhưng chẳng hề gì bởi đó chính là TUỔI TRẺ, mà tuổi trẻ thì đâu thể êm ái, sóng yên biển lặng! Và hành trình tuổi trẻ ấy lại càng cuốn hút hơn khi được đặt trong một không gian nghệ thuật đầy ắp những cảm xúc, sáng tạo. Đây là một cuốn sách liên quan mật thiết đến hội họa nên tác giả áp dụng triệt để cách nói hình tượng, nhân hóa ẩn dụ… Chỉ riêng việc “đu” theo cách miêu tả những suy nghĩ, hình ảnh siêu thực trong đầu Noah và Jude, ngụp lặn trong đống từ ngữ phong phú của tác giả là đã đủ khiến mình choáng ngợp rồi. Đặc biệt phải cảm ơn dịch giả vì cuốn sách được dịch rất mượt, không hề gượng ép, ngôn từ trau chuốt, rất có sức biểu cảm. Nhờ vậy mà người đọc có thể thẩm thấu được gần như trọn vẹn tinh thần nghệ thuật của tác phẩm.

Với mình, “Trao em mặt trời ” là một cuốn sách tuyệt vời viết về người trẻ, viết cho người trẻ. Nó vừa rực rỡ, vừa u ám; vừa rộn ràng, vừa trầm lắng; vừa tuyệt vọng mà cũng lấp lánh hi vọng… Nó đem đến cho người đọc cái nhìn đa chiều hơn về lứa tuổi thanh thiếu niên – những người đang loay hoay giữa đúng và sai, tốt và xấu, những người đang mò mẫm tìm kiếm chính mình giữa vô vàn cám dỗ, cạm bẫy. Nếu bạn thuộc lứa tuổi Young Adult, nếu bạn yêu thích những câu chuyện về tình cảm học trò, tình yêu gia đình; và nếu bạn là một tín đồ của hội họa, điêu khắc thì chắc chắn không thể bỏ qua cuốn sách này đâu nhé! Cực kì ấn tượng luôn ấy.

Instagram: @skythienbinh

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *