REVIEW SÁCH “VÀO TRONG HOANG DÔ – Jon Krakauer

REVIEW SÁCH “VÀO TRONG HOANG DÔ – Jon Krakauer

Không biết liệu sách xuất bản lâu lắm lắm rồi còn cho đăng không nhưng khá nhiều người mới xem phim mà chưa đọc. Dù sao đi nữa bài viết chủ yếu về cảm nhận của mình và liên hệ bản thân, có spoil nhưng không đáng kể. Rất đáng để đọc.

Một cuốn sách vừa mang tính báo chí, thời sự lại đậm chất , tác giả sử dụng miêu tả đặc sắc cùng ngôn ngữ so sánh đầy tính sáng tạo đôi lúc khiến mình đắm chìm trong thế giới con chữ của riêng mình, đôi lúc có những khoảnh khắc hình ảnh hóa đã chạm tới mình, đôi lúc mình phải dừng lại một lúc vì bị xúc động mạnh bởi những lá thư, những dòng nhật ký không chỉ của Christopher Johnson mà còn là của những người có cùng tư tưởng với anh mà tác giả đã đem vào. Mình dành một tấm lòng ngưỡng mộ sâu sắc dành cho McCandless, Jon Krakauer, và dịch giả Lê Hồng Vân đã cho mình những cảm xúc này.

Tóm tắt sơ lược, cuốn sách mở đầu với cái chết của Christopher McCandless hay Alexander Supertramp như anh tự gọi mình – chàng trai trẻ với khát khao dấn thân vào miền hoang dã, dưới cái nhìn của một nhà báo với kinh nghiệm chinh phục Alaska thành công, ông đã đi lại đúng con đường mà Chris đã đi qua để tìm hiểu về cuộc hành trình cũng như con người anh, gom nhặt tất cả những thứ mà giờ đây chỉ là những mảnh ghép của sự thật để độc giả được biết đến câu chuyện này mặc dù nó đã gây tranh cãi rất nhiều. Chuyện người ta bỏ mạng ở vùng rừng rậm Alaska là một chuyện thường ngày với dân bản địa, nhưng tại sao cái chết của Chris lại được nhiều người quan tâm tới vậy?

Điều mình hối tiếc nhất khi đọc cuốn này là mình đã không biết đến nó sớm hơn, nhưng mình tin nó đã đến với mình đúng thời điểm dù sao đi nữa, vì cuốn sách đến với mình một cách vô tình chứ mình không hề chủ ý đi tìm nó. Giống như Thầy Minh Niệm có nói rằng mỗi cuốn sách đều có số phận của nó, mặc dù tính đến nay Chris đã chết được 3 thập kỷ, câu chuyện về anh vẫn sống mãi cho tới nay và làm ảnh hưởng sâu sắc đến khá nhiều người, không chỉ người thân, những người anh quen biết trên chuyến đi bị ảnh hưởng sâu sắc, mà còn những độc giả hay những người có cùng lý tưởng sống với anh, những người đam mê dấn thân vào thiên nhiên hoang dã.

Mình tự cho đây là cuốn sách ám ảnh mình nhất kể từ sau cuốn Cậu bé mang Pyjama sọc. Và thêm nữa, có một vài suy nghĩ mình giống Chris đến lạ và đó cũng là lý do mình đồng cảm cũng như hiểu về những lý tưởng mà anh theo đuổi. Đầu tiên đó là chúng tôi hay nhồi nhét mọi thứ vào đầu và ra sức lý giải mọi chuyện, chuyện tại sao con người lại hay đối xử tàn tệ với nhau đến vậy. Không chỉ ngày nay, con người thản nhiên phán xét nhau trên mạng xã hội, đầu độc nhau bằng ngôn từ, xâm hại nhau bằng con chữ, mà ngay cả ngoài đời, người này đâm chém người kia, người này đánh đập người kia, người này lừa dối người kia. Ngoài ra, chúng tôi sinh ra với trái tim nhiều phức cảm, chúng tôi vùng vẫy giữa vũng lầy của những khuôn mẫu được đặt ra ở thế giới văn minh, chúng tôi thèm khát được tự do đúng nghĩa.

Bên cạnh đó, có một vài quan điểm mình không thể đồng tình với Chris, có thể nói rằng từ việc anh bị ám ảnh bởi lối sống khổ hạnh của Lev Tolstoy, những tác phẩm được thêu dệt từ trí tưởng tượng của Jack London về vùng Alaska – một trong những nơi có thiên nhiên hoang dã khắc nghiệt, đặc biệt vào mùa đông bạn không thể tìm ra nổi một thực vật sống nào mọc lên dưới lớp tuyết dày gần nửa mét, đồng thời cũng từ những bí mật anh vô tình biết được về cha mẹ mình và cách anh nhìn nhận sự việc này có đôi chút cực đoan. Tất cả những chuyện này cùng với một vài sai lầm ngớ ngẩn của Chris tưởng chừng như chẳng hề chi đã dẫn đến một thảm kịch không thể nào cứu vãn.

Điều mình không thể phủ nhận là Chris đã kéo tất cả những người yêu thương cậu xuống vũng lầy của sự đau đớn. Đau vì Chris đã cho cha mẹ cậu ra khỏi cuộc đời họ âm thầm, lặng lẽ không một manh mối, khi cuối cùng thứ họ nhận được chỉ là những hình ảnh và những dòng nhật ký từ hành trình của anh, đau vì đây là một cái chết không được báo trước, cú sốc đến từ việc bỗng một ngày ta nhận được tin người mình yêu thương không còn trên đời. Nguyên nhân ban đầu được cho là anh chết do bị thương rất nặng dựa theo lá thư cầu cứu của anh nhưng sau khi khám nghiệm tử thi nguyên nhân được cho là có khả năng nhất là chết đói. Nhiều người đã cho rằng hành động quyên toàn bộ tiền trong quỹ vào tổ chức từ thiện và đốt hết còn lại số tiền mặt còn lại của anh là hành động khó hiểu, với mình, đứng trên lập trường của Chris mà suy nghĩ rất dễ để có thể hiểu rằng đó chẳng phải là thành quả của lao động vinh quang gì, nên nếu coi hành động này của anh là coi thường vật chất là sai bởi vì sau đó anh đã làm một số công việc để kiếm tiền. Thực sự mà nói anh cũng đã có chuẩn bị cho chuyến đi vào vùng Alaska hoang dã nhưng chưa đủ từ những kinh nghiệm non nớt của anh, không giống như Krakauer đã có sự chuẩn bị kỹ hơn Chris cùng một chút may mắn. Cái chết của Chris đồng thời là một minh chứng cho việc thiên nhiên hoang dã công bằng đối với mọi cá thể, không bao giờ biết nhân nhượng dù có là kẻ giàu, người nghèo, bằng cấp, hay địa vị xã hội. Khi chúng ta muốn dấn thân vào thiên nhiên hoang dã, chúng ta chính là một bản thể chân thật nhất của chính mình. Cũng giống như cảm giác của Krakauer sau chuyến hành trình của ông, cuộc sống của ông vẫn là một mớ bòng bòng, những tưởng sau chuyến đi mọi chuyện sẽ đâu vào đấy nhưng tất cả giống như cuộc chạy trốn hơn. Chuyện hòa mình vào thiên nhiên có thể chữa lành tâm hồn nghe chẳng đáng tin chút nào, nhưng mình tin chắc rằng hòa mình vào thiên nhiên hoang dã có thể giúp ta đối mặt với cái tôi giả dối nhất để ta có thể gạt bỏ chúng sống chân thật hơn với chính mình. Giống như những điều Chris học được chủ yếu đến từ thư viện nhỏ anh vác theo, giúp anh trưởng thành hơn trong hơn 100 ngày sống trong rừng.

Chris đã thể hiện là một người mê xê dịch và chinh phục những ngọn núi ngay từ khi còn nhỏ, nhưng cha mẹ anh chưa từng tôn trọng những điều mang nhiều ý nghĩa với anh. Cha mẹ anh đã vẽ ra một con đường thành công dựa theo khuôn mẫu của họ, điều đó làm Chris tổn thương cộng với những tổn thương khi anh phát hiện ra cuộc hôn nhân trước của cha anh chẳng phải là một sự kết thúc êm đẹp và dứt khoát.

Việc quá tin vào những điều mình nói là đúng cộng thêm việc không biết những điều mình không biết tạo thành một thiên kiến, như việc người ta dựa vào lời những tay thợ săn lành nghề nói về việc anh không phân biệt được đâu là nai đâu là tuần lộc để phán xét anh là một kẻ ngu xuẩn, giống như những nhà báo tin rằng Chris không phân biệt được đâu là cây khoai dại đâu là cây hoa đậu dại là một kẻ liều lĩnh và không biết quý trọng mạng sống.

Để giải thích thêm vì sao mình nói những gì chúng ta biết đến ngày nay chỉ là những mảnh vỡ của sự thật. bởi vì ta chỉ có thể dự đoán về cảm nhận của anh về thiên nhiên hoang dã, về suy nghĩ của anh về cha mẹ mình, về những cách giải thích về tâm lý của anh, về tất cả ý định của anh sau khi anh rời nơi này và liệu anh có tự thương hại chính bản thân mình trong khoảnh khắc cuối cuộc đời; tất cả chỉ là phỏng đoán, không có gì mình chứng cho những điều này.

Mình không ca ngợi anh như một đấng anh hùng, không phán xét anh như một kẻ liều mình ngạo mạn và ngu xuẩn, trên hành trình qua từng trang sách của Krakauer mình đã hình thành quan điểm của riêng mình cùng với những sự thật dần được tác giả khám phá ra. Giống như Roman và những kẻ chỉ trích Chris “chắc chắn cậu ta rất ngạo mạn” nhưng những điều anh đã làm được cũng rất đáng ngưỡng mộ tương tự như cái cách người ta coi trọng những gì Roman đã làm được chỉ là anh không may bỏ mạng. Có lẽ lý do vì sao họ khắc nghiệt đến thế với anh là chuyện này gợi cho họ về chính bản thân họ, những điều Chris trải qua và chịu đựng là những điều họ không dám thú nhận về tuổi trẻ của mình.

Khi mình đọc những dòng được tin là những lời cuối cùng của Chris lời nhạc bài Some Nights của Taeyeon đang vang lên da diết bên tai đem lại một cảm giác khó lột tả. Cuối cùng mình đã chừa lại 2 trang cuối cùng của cuốn sách vì cổ họng mình nghẹn lại…nó quá khó khăn cho mình để kết thúc..

Nếu được mời mọi người thảo luận và thoải mái biện luận về quan điểm của mình.

Review của độc giả Huyen Le – Nhã Nam reading club

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *