REVIEW SÁCH “ĐỜI NHẸ KHÔN KHAM” – Milan Kundera

REVIEW SÁCH “ĐỜI NHẸ KHÔN KHAM” – Milan Kundera

Mình thích tên cuốn sách này, cái tên được Trịnh Y Thư dịch và cả tên gốc – The unbearable lightness of being – Cái nhẹ bẫng không thể chịu nổi của kiếp người. Nếu những câu chuyện kiểu thế giới chỉ riêng đôi ta, tình yêu đốt cháy cmn cả , có thể thổi bùng cảm xúc (mà cũng chóng tàn), thì cuốn sách này sẽ là dòng nước ngầm chảy mãi. Tình yêu va vào những giới hạn của đời sống và mắc kẹt trong những mong muốn ích kỷ cá nhân của mỗi con người, tình yêu dành cho người khác không tách rời khỏi nỗi cô đơn cần được ôm ấp của bản thân chủ thể.

Trong Đời nhẹ khôn kham, những câu chuyện không phải là không phổ biến. Một nam chính mang vẻ lạnh lùng hấp dẫn, suy nghĩ đơn giản, chỉ biết đến nhu cầu của mình. Một cô gái yếu đuối ngơ ngác cần chỗ dựa, làm khơi gợi lên mong muốn chở che; cô đau khổ trong nỗi hờn ghen không thể nói ra rồi tìm lại niềm vui cho mình trong sở thích và sự ghi nhận từ đó. Một cô gái xinh đẹp, độc lập và tự do đến mức sợ những mối quan hệ ràng buộc, mối tâm giao cũng chỉ để sẻ chia chốc lát trước khi ai về nhà nấy. À, và còn một chàng trai si tình đến mức làm cô gái tự do bỏ trốn khỏi mối quan hệ, dù biết chàng ta yêu mình rất rất nhiều, và sau đó cả hai dành nhiều thời gian để nhớ đến nhau. (Hình như mình tóm tắt sai lè, bởi vì Milan Kundera đâu có viết một câu chuyện tình cảm tầm thường thế này, hầy…)

Khi chỉ nhìn vào cốt truyện và hình mẫu nhân vật, mình thấy chẳng có gì thú vị, nhưng đây lại là một trong những cuốn sách mình thích. Có lẽ vì giọng kể nhẹ như không của Milan Kundera, hay vì những cảm xúc được quan sát, bóc tách lớp lang thành một cái gì đó dễ hiểu và thông cảm. Không tô vẽ, không thể hiện, chính sự khách quan khiến mọi thứ bộc lộ chân thực. Góc nhìn của Milan Kundera biến một tiểu thuyết diễm tình thành tiểu thuyết , diễn đạt nhẹ nhàng mà sức nặng thì đáng kể.

Milan Kundera xây dựng nhân vật sắc nét với những đặc trưng không thể nhầm lẫn, chỉ bằng vài nét phác nhanh, từ những nếp nghĩ hằn sâu, những thói quen nho nhỏ. của ông mềm mỏng, có phần rành rọt lý tính, như muốn bảo rằng vâng dòng đời thì cứ trôi, còn chúng ta thì ở đó mà vật lộn. Những nhân vật có yếu đuối, có tổn thương, có những thiên kiến lệch lạc, nhưng dù là gì thì họ cũng hiểu – ủa không phải – là tác giả khiến người đọc hiểu: đó là vấn đề của họ, không phải thế giới này tạo ra bi kịch. Đời nhẹ, mà khôn kham, là bởi người ta không kham nổi.

Trong câu chuyện ấy, mình thương Tereza, nữ chính yếu đuối điển hình. Thương cả Sabina, vì tưởng rằng luôn tự tin, tự do, biết mình muốn gì, mà hóa ra không phải. Có một cảnh mình ấn tượng mãi, là lúc Tereza đến gặp Sabina để chụp ảnh khỏa thân. Hai cô gái rất khác nhau, một là vợ và một là nhân tình – cũng là bạn thân của Tomas. Tereza từ chỗ e dè bước vào đến lúc cất tiếng cười cùng với Sabina, khoảnh khắc ấy gần như là một sự cảm thông và thấu hiểu. Vượt khỏi những ghen tuông và thương tổn, họ nhìn nhau không phải như tình địch mà như hai người phụ nữ, dù không nhất thiết phải tỏ bày những lời gan ruột.

Cuốn sách này có một cái kết khép hờ, để lại đằng sau những câu hỏi. Cuộc sống tất nhiên là không có phép nghịch đảo, nhưng có cái gọi là điểm lùi hay điểm dừng không? Chẳng lẽ những quyết định đều phải trả giá bằng cuộc đời và không còn cơ hội vãn hồi khi người ta giật mình tỉnh giấc? Tereza và Sabina có những lựa chọn dường như trái ngược, nhưng thực ra cả hai đều theo dòng suy nghĩ cố định của mình, không thay đổi. Những người đàn ông cũng vậy, họ lấp đầy khoảng trống cô đơn và chống chọi với cuộc đời bằng cách riêng của họ, điều mình không hiểu và không thể phán xét. Lựa chọn khác có mang đến kết quả tốt đẹp hơn chăng, không ai biết. Có lẽ dù với lựa chọn nào thì cũng không thể thoát khỏi the unbearable lightness of being.

Chấm điểm: 4,5/5* (chỉ vì mình thích Sự bất tử hơn, nhưng mà chưa viết được)

Review của độc giả Nguyễn Quỳnh Mai – Nhã Nam reading club

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *