REVIEW “MÙA THU CỦA CÂY DƯƠNG” (Kazumi Yumoto) – Cái chết dưới lăng kính trẻ thơ

REVIEW “MÙA THU CỦA CÂY DƯƠNG” (Kazumi Yumoto) – Cái chết dưới lăng kính trẻ thơ

Một cô gái có thói quen thật lạ: cứ mỗi khi trái tim chao nghiêng vì những cơn gió mà đời làm cho xô dạt, cô lại lóc cóc đạp xe tới một thư viện giữa chốn phố xá đông người. Cũng như biết bao con người nặng nợ với văn chương, cô gái ấy coi nơi này là một chốn để thuộc về, để lắng lại sóng lòng đang gợn lên từng đợt. Đó là tôi, sách- chính là cách tôi bước vào bình yên, bên ly cà phê mười ngàn, cuốn sách mở ra, đẹp đẽ, an toàn. “Mùa thu của cây dương” là một cuốn sách như vậy, với màu vàng của nắng và lá cây đan quyện từng thanh âm xào xạc của miền cổ tích.

Chỉ là một câu chuyện bình thường, với những con người bình thường, nhưng trong đôi mắt trong veo của cô bé Chiaki, đó là cả một cuộc phiêu lưu với những suy ngẫm quẩn quanh về cha, về cái chết, và tất cả những gì xảy ra thường ngày, cô Sasaki, bà lão chủ nhà, mẹ hay bác Nishioka. Nhân sinh quan trong mắt trẻ luôn dung dị, thanh thuần như thế, nhưng lại khác vô cùng với cách nhìn của chúng ta về thế giới bên ngoài, vì lẽ đó, những câu chuyện khai thác góc nhìn của con trẻ luôn đem tới một cảm giác thật lạ lùng, có chút bí ẩn pha lẫn những suy nghĩ nhỏ nhắn đầy thú vị chờ mong độc giả bóc ra những lớp vỏ bên ngoài, hé lộ chút ẩn dụ nho nhỏ. Đi vào thế giới của con trẻ, đặc biệt con đường khai phá cuốn sách này, tôi luôn có cảm giác thế giới được gói trọn lại trong một bức mành nhẹ dịu, chỉ khép kín trong một không gian xinh xắn.

Kazumi Yumoto đem tới cho độc giả không phải một cuốn sách về chuyến phiêu lưu đầy kịch tính, hay những câu chuyện đau thương bi đát, chỉ mở ra một thế giới đầy quen thuộc, mà lại mong manh, tựa hồ chỉ một biến cố nhỏ thôi cũng có thể làm cái không gian ấy vỡ vụn. Bởi lẽ từ đầu đến cuối, “Mùa thu của cây dương” không có một nút thắt nào. Là một câu chuyện, nhưng như một bài thơ dài bất tận, cái buồn tiêu tao cũng như những mảnh ghép nho nhỏ của cuộc đời thường nhật lại được nhặt nhạnh và gửi trọn vào tác phẩm, khiến “Mùa thu của cây dương” cũng giống như một lát cắt rất mỏng giữa dòng đời trôi chảy. “Lát cắt” ấy mong manh, nhưng chan chứa tình người và có một tầm vóc bé xinh lắm khiến người ta chỉ muốn nâng niu trân quý

Trong sự đan xen những sợi tơ quá khứ và hiện tại, có thể xem “Mùa thu của cây dương” là một chuỗi những suy nghĩ và hồi tưởng miên man, và pha trộn giữa giấc mơ và hiện thực. Xét trên luân lý của S.Freud và phân tâm học, nghệ thuật là ẩn ức, suy nghĩ của con người kết tụ lại để phản ánh giấc mơ của xã hội. Như vậy, giữa cái xa mờ của sự đối thoại mà cô bé Chiaki đặt ra để chất vấn chính mình, phải chăng có một nghệ thuật ẩn dụ nho nhỏ về ma lực của cái chết? Những giấc mơ đầy những lỗ cống ở đầu truyện, phải chăng chỉ do sự yếu bóng vía của trẻ con mà thành? Cái chết là điều mà con người dù dành trọn một đời cũng không thể lý giải được, khi đặt một người còn thơ dại cạnh sức ảnh hưởng của sự chết, Kazumi đã làm nên một mảng màu giao thoa, tưởng như đối lập hoàn toàn, nhưng thực chất lại đẹp biết mấy, sắc hương đầy mị lực của cái chết thông qua lăng kính ngây thơ của con trẻ đã gây được một cái đẹp rất lạ, rất cuốn hút mà ít tác phẩm tạo ra được. Một loại hương liệu kỳ lạ mà tác giả đã bí mật thêm vào khiến một cuốn sách vốn dĩ hướng về cái chết lại đầy chất thơ, nó cũng và đầy ám ảnh như “Bi ca của một linh hồn tuyệt vọng”:

> “Cái chết trong mắt tôi

> Như mùi hoa bách hợp

> Ở bên bờ nước, ta say rồi

> Cái chết trong mắt tôi

> Như người tù xa xứ

> Khao khát cuộc quy hồi”

Nhưng độc giả cũng nhận thấy, âm hưởng của cái chết trong “Mùa thu của cây dương” dần mờ nhòe đi trong nhịp sống thường ngày, họa chăng chỉ còn những lá thư bỏ ngỏ, những lá thư là sợi chỉ liên kết giữa hai bờ vực phân thành hai thế giới tách đôi tồn tại và không tồn tại, bà cụ như bước ra từ thần thoại, có xảo trá và lạ lùng như một bà phù thủy, nhưng cũng gần gũi vô cùng. Bà chính là người đang đứng trước tấm màng mỏng ngăn cách điểm giao nhau lạ kì ấy, và làm một công việc tưởng chừng như điên khùng. Nhưng kìa, những bức thư đầy chật cả tủ là minh chứng cho con người luôn muốn níu giữ lấy những gì đã mất, những bức thư có đến được tay người thân của họ hay không, chẳng ai hay, chỉ biết rằng, cái triết lý rất giản đơn về bản chất con người đã được lý giải rất thuyết phục.

Điều khiến tôi đánh giá cao nhất ở cuốn sách chính là ở sự dung dị và gần gũi. Những chi tiết thật nhỏ trong đời sống hằng ngày, dù xấu, dù đẹp, quan trọng hay tầm thường đều được phác ra bằng những tông màu nhẹ nhàng thân thuộc. Từ nội thất, đến quần áo, ngoại hình con người hay những hành động cử chỉ nho nhỏ đều được ghi chép lại rất tỉ mỉ, bởi thế, “Mùa thu của cây dương” chính là một cuốn nhật ký dài đong đầy những hoài niệm, mà ở đó sự vật hiện lên rõ tới từng chi tiết nhỏ, rất chân thực, lại rất thơ.

Với tôi, “Mùa thu của cây dương” là một tác phẩm lãng mạn, có kẻ nói hoàng hôn là giờ tàn của một ngày , mùa thu là mùa tàn của một năm và hoài niệm là suy tàn của hiện thời, nhưng vì lẽ gì trải qua bốn mùa xuân hạ thu đông, tên tác phẩm vẫn đọng lại ở mùa thu? Mùa thu ấy không buồn, không hiu hắt vì ly biệt, mà chỉ dừng trong cái man mác và từng dòng hồi ức mênh mông. Cây dương vẫn còn ở đó, chứng kiến bà cụ ra đi, chứng kiến cô bé Chiaki ngày nào đang dần trưởng thành, chứng kiến tình yêu thầm lặng của bác Nishioka dành cho cô hàng xóm đầy nhiệt huyết Sasaki. Họ như một gia đình nhỏ, yêu thương, quan tâm lẫn nhau, họ là tiêu biểu cho những người sống chậm, sống yên ả, thời gian cứ trôi, cứ trôi, nhưng khoảnh khắc tưởng như cũng chỉ ngừng ở khoảng thời gian mùa thu, cái ngày mà người mẹ đau khổ của Chiaki ngước nhìn cây dương. Dù “năm năm tháng tháng hoa còn đó”, “tháng tháng năm năm khách đổi dời”, cây dương vẫn ở lại và là minh chứng cho một tình yêu bất diệt, tình yêu của bà cụ, mà nó cũng khắc ghi biết bao nhiêu mến yêu, người sống, kẻ chết, thì tình yêu vẫn trường tồn, bất tử. Từ câu chuyện và góc nhìn về cái chết, suy nghĩ về công việc và nghĩa vụ của bản thân đến những biểu hiện hết sức bình thường nhưng đầy cảm xúc trong đời, câu chuyện mãi ghi dấu trong lòng tôi về một không gian ấm áp mà bình yên, quen thuộc…

Phải chăng là Kazumi quá nhạy cảm với đời, hay cả một đời bà nặng nợ với văn chương? Cái chết đáng sợ lắm sao, hay rốt cuộc chết mới thực là trở về? Dù thế nào, “Mùa thu của cây dương” vẫn sẽ là lựa chọn số một để đọc vào mỗi một chiều bạn muốn tìm về bình an.

Review của độc giả Đan Linh – Nhã Nam reading club

Bạn có thể tìm mua sách tại:

TÊN SÁCH NHÃ NAM TIKI FAHASA SHOPEE
Mùa thu của cây dương http://bit.ly/muathucuacayduongNhaNam shorturl.at/bhZ56 https://shopee.vn/S%C3%A1ch-M%C3%B9a-thu-c%E1%BB%A7a-c%C3%A2y-d%C6%B0%C6%A1ng-(TB-2021)-i.400034360.9083127577

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *