Review Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian – Ocean Vuong

Review Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian – Ocean Vuong

NGÔN NGỮ – LÀ KHOẢNG CÁCH HAY LÀ YÊU THƯƠNG?

“On earth we’re briefly gorgeous” – Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian là một lá thư người con trai gửi đến mẹ mình, một người không biết chữ. Cuốn tiểu thuyết là những ký ức, khi mờ khi tỏ, của một chàng trai gốc Việt. Anh kể về tuổi mình, kể về những câu chuyện của bà, kể về mẹ, kể về mối tình của mình, nhưng hơn hết, anh kể về – thứ tồn tại như một bức tường ngăn giữa anh và mẹ, cũng là thứ định nghĩa bản thân anh – một nhà thơ. 

“Let me begin again.

Dear Ma, 

I am writing to reach you – even if each word i put down is one word further from where you are.”

“Để con bắt đầu lại nhé. 

Mẹ ơi, 

Con viết thư này để đến gần thêm mẹ – dù mỗi chữ con đặt xuống đây là thêm một chữ rời mẹ xa hơn…”

Ocean Vuong bắt đầu cuốn tiểu thuyết của mình bằng một nỗi lòng, rằng cứ đặt thêm một chữ xuống trang giấy là anh lại xa mẹ anh hơn. Dù rằng lá thư anh viết để ngỏ thật nhiều tâm sự với mẹ, mẹ anh đã và sẽ chẳng thể đọc được. Mẹ anh không biết chữ. 

Người ta nói tiếng mẹ đẻ là một kho báu đối với một nhà văn. Thế nhưng khi tiếng mẹ đẻ của một người lại chẳng nhiều nhặn gì, liệu người ấy có thể là nhà văn không? “Tiếng Việt con là tiếng Việt mẹ cho con, là tiếng Việt mà từ vựng và cú chỉ đi đến lớp hai.” Người mẹ của nhân vật Cún Con phải dừng sự nghiệp học hành của mình ở tuổi lên năm, sau khi ngôi trường của bà sụp đổ sau một trận rải bom. “Thế nên, tiếng mẹ đẻ của mình không thể che chở cho mình – vì cả nó cũng mồ côi. Nói tiếng mẹ đẻ đối với mình là nói thứ tiếng Việt dở dang, nhưng là nói tiếng hoàn thiện”.

Trong số những từ ít ỏi tiếng mẹ đẻ mà chàng trai ấy có chính là cái tên. Trong rất nhiều cái tên, cậu được gọi nhiều nhất bằng “Little dog” (Cún con). “Điều gì khiến một phụ nữ đặt tên con mình và con gái theo tên loài hoa lại đi gọi cháu ngoại mình là chó?”. Đó là ngôn ngữ của sự bao bọc. Rằng ở làng của cậu bé, trẻ con, thường là những đứa yếu nhất và nhỏ nhất sẽ được đặt một cái tên thật xấu với niềm tin rằng những linh hồn ác sẽ bỏ qua chúng vì những cái tên ấy. Cái tên xấu xí ấy chính là ngôn ngữ của yêu thương, “một cái tên, mong manh như không khí cũng có thể là khiên chắn”.

Đôi khi ngôn ngữ cũng có biên giới. Ngôn ngữ cũng có thể là khoảng cách đẩy những khác biệt càng xa xôi hơn. 

Cũng có nhiều khi không cần đến ngôn ngữ, con người ta vẫn có thể hiểu được nhau. Như khi tác giả nhắc đến chuyện tiếng Việt ít khi nào nói “yêu” ai đó. Gia đình của Cún Con nói yêu thương bằng hành động: “nhổ tóc bạc, hay áp người vào đứa con trai để hút lấy chấn động của máy bay và, do đó, cả nỗi sợ của nó”. Người ta liên kết với nhau bằng những cái chạm, để rồi từ đó viết nên hai chữ “gia đình”.

Khi nhớ về những kí ức hồi còn làm thêm ở một trang trại thuốc lá, Cún Con như nhớ về một nơi ngôn ngữ không tồn tại những rào cản. Ở đó những con người nói những thứ ngôn ngữ hoàn toàn khác biệt, có thể giao tiếp bằng cử chỉ, bằng những hành động tử tế. 

Thật kỳ lạ rằng hai con người, mẹ và con trai, cùng sinh ra trên một mảnh đất, cùng tới từ một nơi lại không thể có cùng một ngôn ngữ, dường như mãi không thể với đến nhau dù cho có cố gắng đến thế nào. Dẫu cho có viết cả một cuốn tiểu thuyết cho người mẹ, bà vẫn không thể đọc được những gì người con bộc bạch. 

Dẫu vậy, dẫu cho người con luôn trăn trở vì khoảng cách xa xôi giữa mẹ và mình, dẫu cho rất nhiều mảng ký ức xù xì về những trận đánh và cơn thịnh nộ của mẹ xuất hiện, hãy nhớ rằng ngôn ngữ của yêu thương có một lối đi rất đặc biệt, nó có thể đi xuyên qua những giới hạn, làm những điều tưởng chừng không thể, để rồi chạm tới được trái tim đang thổn thức của đối phương. 

“Con đang hoảng loạn. Và mẹ biết. Suốt một lúc lâu mẹ không nói gì, rồi mẹ bắt đầu ngâm giai điệu bài “Chúc mừng sinh nhật”. Hôm đó không phải sinh nhật con nhưng đó là bài hát duy nhất mẹ biết bằng tiếng Anh, và mẹ cứ hát mãi. Và con cứ nghe, điện thoại ấn sát tai tới nỗi, nhiều tiếng sau, một hình vuông màu hồng còn in trên má con.”

Instagram: midori.bookshelf


Posted

in

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *