Review “MỘT CHỖ TRONG ĐỜI” – ANNIE ERNAUX

Review “MỘT CHỖ TRONG ĐỜI” – ANNIE ERNAUX

Gần như cuộc đời của một con người chỉ gói gọn trong chưa đầy 100 trang sách.

Một Chỗ Trong Đời” có nội dung đơn giản chỉ là một người con gái viết về cha mình, một quyển tự truyện về gia đình như những quyển tự truyện khác. Nhưng nó lại khác biệt ở chỗ Annie Ernaux viết vô cùng trung tính, vô cảm và khách quan. Không định kiến, không phán xét, không hoài niệm, không cảm xúc, chỉ đơn giản là kể lại.

Cả cuốn sách nếu đọc thoáng qua thì sẽ chỉ thấy một mối quan hệ gượng gạo và nhiều khoảng trống giữa người cha và con gái, thế nhưng đằng sau đó lại là những thứ to tát hơn cả một mối quan hệ gia đình: Đó là xã hội, là những định kiến, là sự e ngại, xấu hổ và nhục nhã ê chề của một lối suy nghĩ cũ mòn. Cá nhân tôi nghĩ, định kiến của loài người đa phần bắt nguồn từ sự khác biệt và một lối suy nghĩ hèn nhát, ví như: “Người ta nghĩ gì về (chúng) tôi?” A.E có viết một câu rất hay và cũng rất khó nghĩ: “Khi viết thật khó để vừa khôi phục danh dự cho một lối sống bị coi là thấp kém lại vừa tố cáo sự tha hóa đi kèm với lối sống ấy.” Cuốn tự truyện ngắn ngủn này của bà có sự hiện diện của lối suy nghĩ của cả một giai cấp. Đại biểu như những suy nghĩ của con người về giai cấp họ thuộc về; những suy nghĩ của con người về cái nhìn của người khác về giai cấp của họ; những định kiến và khuôn khổ họ tự tạo ra cho mình, hoặc bắt chước từ giai cấp khác. Những điều còn đáng sợ hơn cả nỗi lo cơm áo gạo tiền, đó là “Nỗi sợ bị nhầm vị trí, bị xấu hổ.” Con người định kiến lẫn nhau, và tự định kiến chính bản thân mình.

Từ những điều nhỏ nhặt ở trên, con người tạo ra những quy tắc ứng xử, thứ mà có thể phán xét được người này người kia. Như kiểu người này có được dạy dỗ ăn học đàng hoàng hay không; người này thuộc tầng lớp nào;… Tiêu chuẩn này có lúc đúng, có lúc sai. A.E có viết về những tiêu chuẩn trên như này: “Tôi cũng mất hàng năm trời mới “hiểu” được sự tử tế quá mức mà những người được giáo dục tốt thể hiện qua lời chào đơn giản.(…) Sau đó tôi nhận ra là những câu hỏi đặt ra với vẻ quan tâm cấp thiết ấy, những nụ cười ấy, chẳng có ý nghĩa hơn là khi ăn không gây tiếng ồn hoặc xì mũi một cách kín đáo.”

Giọng văn của Annie Ernaux khó có thể thỏa mãn được nhiều người vì cách viết trung lập và không cảm xúc của bà. Nhưng cuốn sách nhỏ nhắn này đã khiến tôi suy nghĩ về nhiều thứ, và nhiều hơn cả vài thứ ngắn gọn tôi kể ở trên. Annie Ernaux có thể không hình dung được rằng bà sẽ đạt được cái gì từ cuốn sách này của mình. Nhưng cuối cùng người đọc đã luôn tỉnh táo và nhận định đúng đắn về giá trị của một cuốn sách. Vì thế mà giải Renaudot 1984 (giải thưởng của ) đã được trao cho đúng người, không lệch một li.

Review của độc giả LH Trang – Nhã Nam reading club

Bạn có thể tìm mua sách tại:

TÊN SÁCH NHÃ NAM TIKI FAHASA
Một chỗ trong đời http://bit.ly/motchotrongdoiNhaNam http://bit.ly/motchotrongdoiTK https://www.fahasa.com/mot-cho-trong-doi.html

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *