Đọc sách cùng bạn: Người báo động lỗ thủng

Đọc sách cùng bạn: Người báo động lỗ thủng

Hơn hai mươi năm trước, trong lời bạt cho tập sách in chung ba tiểu thuyết của nhà văn Trung Trung Đỉnh (Ngõ lỗ thủngTiễn biệt những ngày buồnNgược chiều cái chết) tôi đã định danh anh là “Người báo động lỗ thủng”. Nay tiểu thuyết Ngõ lỗ thủng lại được tái bản riêng, tôi càng thấy tên sách của tác giả là hay, và cái tên tôi gọi anh ở tư cách nhà văn là đúng.

NGÕ LỖ THỦNG

Tác giả: Trung Trung Đỉnh

& Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2015

Số trang: 145 (khổ 14×20,5cm)

Số lượng: 2000

Giá bán: 46.000

Hãy trở lại một chút không khí văn chương của thời Ngõ lỗ thủng hiện ra. Đó là khi ngọn gió đổi mới vừa thổi lên trong nước. Khi đầu óc con người thoát vòng bao cấp. Khi cuộc sống được nhìn được thấy được nghĩ được cảm được nói được viết ở mặt thực, ở đáy sâu của nó. Khi thân phận con người hiện ra trần trụi hơn, mong manh hơn, đáng trọng hơn trong cuộc sống thường ngày, do đó là cả trong văn chương. Phải, cái thời bắt đầu đổi mới, nghệ thuật được thấu đáo hơn, nó sâu sắc nhân tình hơn, nó gần người hơn, nó buồn hơn. Và nó đẹp hơn, hay hơn. Hơn ở những cái mà trước đó, do hoàn cảnh, do nhận thức, chưa động chạm, đào sâu tới được. Hồi ấy, cuối thập niên tám mơi đầu thập niên chín mươi thế kỷ hai mươi, văn đàn sôi động, náo nhiệt, đôi lúc đến quyết liệt, trong một cơn chuyển mình lột xác. Thoạt đầu chỉ mới là những chuyển động ở bề mặt, người cầm bút xới lên những góc khuất chìm của hiện thực bao lâu nay. Dần dần trang viết đằm xuống, trĩu nặng nhận thức về những cái nằm ở bề sâu bề xa của hiện tượng, sự vật. Người viết cố đi vào cái lõi của sự thật, buộc bản thân mình, nhân vật mình, độc giả mình phải hiểu cho rõ sao bao lâu nay mình lại sống như vậy. Văn chương, ngẫm ra, được tạo tác cũng chỉ cái cách để con người suy ngẫm về mình mà thôi.

Trong không khí đó Trung Trung Đỉnh có cách của mình nhập cuộc văn học thời đổi mới. Không “thời thượng”, không ồn ào, anh lặng lẽ cày xới trên những điều mình cảm, mình nghĩ. Tên gọi “ngõ lỗ thủng” có thể khái quát cho toàn bộ tác phẩm của Trung Trung Đỉnh trong hành trình nhận thức mới về cuộc sống và con người của một thời đã qua và cả trong hiện tại. Và từ đó Trung Trung Đỉnh trở thành  Người Báo Động Lỗ Thủng. Nhà văn là người báo động lỗ thủng. Nói tưởng như đùa, nhưng Lỗ Thủng đang là vấn đề lớn của hành tinh, của nhân loại và của mỗi con người. Thì đấy, lỗ thủng tầng ozon đang đe dọa môi trường Trái Đất. Xã hội và con người cũng có những tầng ozon của mình, bị thủng thì rất nguy hiểm, nguy cơ đe dọa sự sống còn của giống người không kém hiện tượng tự nhiên kia. Con người bằng tài trí của mình sẽ bít được lỗ thủng trên khí quyển, khó đấy, nhưng rồi sẽ bít được. Còn lỗ thủng trong tâm hồn, trong nhân cách, trong lối sống thì để bít lại nó phải dựa nhiều vào văn học nghệ thuật. Trung Trung Đỉnh góp phần mình vào đó bằng cách gõ lên một tiếng chuông báo động và cảnh tỉnh.

Đọc sách cùng bạn: Người báo động lỗ thủng - Ảnh 2.

Cái ngõ Lỗ Thủng đâu phải là cái lỗ đục tường làm nơi qua lại công viên kiếm sống cho cư dân của cái xóm liều tụ bạ quanh đó. Mặc dù cái lỗ thủng ấy “đang nuốt vào trong bụng nó biết bao nhiêu số phận không hồn, hôi hám và bệnh hoạn“. Lỗ thủng đang nằm ngay trong từng con người sống tại đó: anh Gù, cô Hạnh, bố con nhà Hợi… Họ là lỗ thủng của cuộc sống. Còn như ông tiến sĩ thất thế đi làm nhà báo kia thì là một lỗ thủng của tri thức, học vấn, một dối trá, bịp bợm, một bất lực. Tóm lại là một lỗ thủng to tướng về nhân cách. Điều nghịch lý là lỗ nhưng lại túm buộc, giam cầm chứ không phải giải thoát. Muốn thoát ra thì phải bít cái lỗ thủng đó lại. Nhưng có bít được không? Làm cách nào mà bít? “Sự thực thì người ta không thể xây bít được nó nếu như đám dân trong ngõ chúng tôi vẫn còn đây, vẫn phải sống những tháng ngày tiếp theo ngột ngạt trong cái hẻm bùn lầy này” – nhân vật “tôi” nhà báo trong truyện đã không phải một lần chiêm nghiệm điều đó.

Để hiểu rõ hơn Ngõ lỗ thủng tiểu thuyết cũng như ngõ lỗ thủng chủ đề tư tưởng trong văn Trung Trung Đỉnh, tưởng cũng nên nói lại hai cuốn tiểu thuyết đã được anh cho in chung trước đây. Vấn đề “lỗ thủng” anh đặt ra đầu tiên trong tiểu thuyết “Tiễn biệt những ngày buồn”. Bà cụ Điếc tấm thân quăng quật trong đời, đi đâu cũng thu thu giấu giấu cái túi vải đựng đôi ba khuyên tai, chắc mẩm đó là vàng thật, một túi của, ngờ đâu đó lại là vàng giả. Bà Mão quanh năm khói hương thờ thần phật nhưng thần phật đâu có phù hộ cho bà, suốt đời bà cứ phải sống dựa vào người khác. Ron cung cúc tận tụy cả đời lo cho sự nghiệp lớn, cứ nghĩ các đấng bậc trên đã nói là phải đúng, đã đúng là phải làm, đã làm là quyết không sai, rốt cuộc ra về trắng tay, hóa thành một anh ngớ ngẩn, mất hồn. Xoay viết văn, tin vào những điều tốt đẹp, những giá trị thiêng liêng, nhưng rồi phải trốn chạy thực tại, thấy ngao ngán cảnh đời… Họ – các nhân vật trong truyện – kẻ ít người nhiều đều bị “chấn lột”, bị đánh cắp, cả về tinh thần và thể xác. Uất quá thì như Ron ra sinh sự với ông già bán vé số vì cứ nghĩ ông ta là căn nguyên sự cùng quẫn bi đát của mình. Sao anh mua vé số suốt năm năm trời liền mà không trúng được đồng nào? Thì ra lão ta lừa anh. Hóa ra không phải. Và Ron đã được lão truyền cho một kinh nghiệm để đời. Nói là lỗ thủng niềm tin nghe có vẻ to chuyện, dễ gây rắc rối, nhưng thực tế đúng là thế. Những ngày ấy sao mà buồn. Nó khiến một người như Luân, vốn luôn lo lắng sốt sắng cho người khác, cũng phải thẫn thờ. Anh rất khó hiểu sự thay đổi dường như quay quắt, phản bội của cô vợ bạn, người đã được anh giúp tìm việc cho. “Anh sẽ nói gì với bạn? Và cả cô ấy nữa…Nói gì?” Tiễn biệt những ngày buồn! Nhưng lỗ thủng sâu trong mỗi người những ngày qua để lại thì dẫu tiễn biệt cũng không dễ hàn gắn lại.

Bởi những cái chết muốn truy tìm nguyên nhân phải ngược chiều lại những tháng năm đã sống. Trung Trung Đỉnh đưa người đọc “Ngược chiều cái chết” của nhân vật là để lý giải cái sống. Rơ Lan Thương chết là bởi tại sao? Nghiệt ngã hơn, bởi tại ai? Viên đạn của tên fulro chỉ là kết thúc tình cờ của một hành trình tất yếu. Nói đúng ra, chính lỗ thủng trong quan niệm tư duy, trong cách suy nghĩ ứng xử của người bố đã gây nên lỗ thủng trên da thịt đứa con. Rơ Lan Thương đã bị chết về tinh thần trước cái chết về thể xác. Đêm đêm ông bố đã thôi cương vị lãnh đạo cứ tha thẩn trong vườn nhà lầm rầm trò chuyện với bức tượng đứa con do chính ông đẽo tạc. Một lỗ thủng tâm hồn không thể đắp điếm bằng sự hối hận.

Cho đến cuốn tiểu thuyết gọi thẳng lỗ thủng ra làm tên sách. Ngõ Lỗ Thủng! Ba tiếng đó vang lên như tiếng chuông báo động! Những trang văn của Trung Trung Đỉnh mở ra cho ta thấy các lỗ thủng đó như thế nào, tại sao sinh ra lỗ thủng trong cuộc sống, trong con người, làm cách nào bít được các lỗ thủng. Đây quả là hiện tượng nhức nhối và nghiêm trọng, càng nghiêm trọng hơn khi nhà văn còn chỉ cho người đọc thấy khả năng phát sinh mạnh mẽ của những lỗ thủng trên bề mặt xã hội và ở bề sau con người. Nghe được hồi chuông cấp báo của anh vọng lên từ những trang tiểu thuyết, tôi nhớ đến một tư tưởng của nhà văn Bertolt Brecht (1898 – 1956): Phải xây dựng một xã hội sao cho không phải trong đó mọi người đều trở thành người tốt, mà là ở đó lòng tốt trở nên thừa.

Dân Việt

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *