Nữ văn sĩ George Sand đã tạo nên một kiệt tác về hành trình đi tìm cái đẹp trong cuốn sách “Cô bé Fadette” nhuốm màu cổ tích.
Với mô típ câu chuyện về “Hoàng tử và Lọ Lem”, Cô bé Fadette trình hiện những mảnh đời sống động ở vùng quê thanh bình, nơi tiếng gọi tình yêu cất lên, đánh thức cái đẹp ngủ quên bên trong mỗi con người.
Hai chàng, một nàng và trái tim xẻ nửa
Cô bé Fadette mở đầu với chuyện vợ của Barbeau ở vùng đất Cosse hạ sinh hai cậu bé sinh đôi kháu khỉnh. Bà được khuyên rằng phải “cách ly” và tách biệt những thứ giống nhau của hai đứa trẻ, từ quần áo, phục trang đến các hoạt động thường ngày như một liệu pháp để cả hai bé cùng tồn tại khi lớn lên.
Hai cậu bé lớn lên, quấn quít không rời và giống nhau như đúc đến nỗi người dân trong vùng khó có thể phân biệt. Landry – người em – phải rời xa gia đình đi làm thuê ở vùng đất bên kia để lại nỗi trống vắng và phiền muộn nơi người anh Sylvivet.
Công việc đồng áng và sự chăm chỉ cần cù giúp Landry ngày càng thạo việc và dần trở thành thanh niên tuấn tú, được sự mến mộ của nhiều cô gái trong vùng. Trong số đó có cả Fadette, người con gái được mệnh danh “dế mèn” với vẻ bề ngoài nhếch nhác, xấu xí và ăn nói xấc xược.
Fadette được cưu mang bởi một bà lão già nua, cay nghiệt, bị người đời xa lánh với những lời đồn đại là bà phù thủy luôn gây ra chuyện xấu trong vùng.
Thoạt đầu, hai chàng trai sinh đôi xuất thân từ gia đình được kính trọng trong vùng Cosse, có phần sợ hãi trước cô gái Fadette. Nhưng bằng trí tuệ của mình, cái đẹp xuất phát từ bên trong, Fadette đen đúa, vô học ngày nào tỏa sáng và trở thành nàng Lọ Lem ngự trị trong cả hai trái tim được sinh ra từ cùng một mẹ.
Hai chàng, một nàng và trái tim xẻ nửa của Fadette đập rộn ràng những nhịp lý trí và tình cảm, đẩy câu chuyện đi nhanh về phía đoạn kết không ai ngờ đến.
Câu chuyện về hành trình đi tìm cái đẹp
Khi đọc Cô bé Fadette, độc giả có thể dễ dàng tìm ra thông điệp xuyên suốt của tác phẩm với hành trình lột xác từ bên trong lẫn bên ngoài. Fadette là sự hóa thân của cái đẹp bị ruồng bỏ, khỏa lấp và dập vùi bởi những lời đồn đại từ chính những người xung quanh.
Nhưng rồi cái đẹp ấy được “chàng hoàng tử” Landry nhận ra bằng một trái tim quả cảm và nhân hậu. Tình yêu khắc kỷ đến từ hai phía mở ra đại lộ thênh thang nơi sự thấu hiểu, tin yêu tạo nên một hành trình với cái kết trọn vẹn.
Nếu Landry là chàng hoàng tử tìm được Lọ Lem cho cuộc đời mình thì người anh Sylvivet lại si tình, yếu đuối và đắm chìm trong thứ tình cảm song sinh phải đi tìm phương thuốc giải lời nguyền từ thuở ấu thơ, chấp nhận “lột kén” đớn đau để trở thành con người khác.
Fadette, Landry và Sylvivet đã tạo nên một tam giác tình yêu cư ngụ trong địa hạt tâm hồn mà chỉ cần xê dịch một cạnh của tam giác ấy, sẽ phá hỏng toàn bộ sự gắn kết mật thiết được dựng xây từ những viên gạch đầu tiên mang tên ấu thơ.
Bởi lẽ chính tình yêu đã dung chứa hạt giống của sự trưởng thành. Đức tin nơi Chúa, với những tâm hồn được tình yêu rọi sáng, có đủ sức mạnh vượt qua mọi rào cản và thành kiến của thời đại.
George Sand đã tạo nên một kiệt tác về hành trình đi tìm cái đẹp. Cô bé Fadette như bộ phim với ba hồi rõ rệt được tạo nên và dẫn dắt bởi một biên kịch chắc tay và một đạo diễn giỏi nghề.
Độc giả trở thành khán giả mong chờ một cái kết hạnh phúc khi tò mò dõi theo hành trình nhuốm màu cổ tích của bộ ba Fadette, Landry và Sylvivet.
George Sand tên thật là Amandine Aurore Lucile Dupin. Trong hơn 70 năm cuộc đời mình, nữ văn sĩ thiên tài của nước Pháp đã sống cuộc sống mãnh liệt, hết sức phóng túng nhưng cũng đầy sáng tạo.
Bà là một ngoại lệ của văn học Pháp thế kỷ 19, một cá tính hấp dẫn khiến người ta khó lòng cưỡng nổi. Trong số những người tình của bà, phải kể đến Alfred de Musset, nhà thơ lớn của Pháp và Chopin, nhạc sĩ thiên tài Ba Lan.
Gustave Flaubert, tác giả của Bà Bovary, từng nhận xét: “Phải quen nàng như ta từng quen mới biết được hết thảy những gì là nữ tính trong trái tim con người vĩ đại này.” Vào ngày bà mất, đại danh hào Victor Hugo đã viết thay cho lời điếu: “Ta khóc thương một người phụ nữ mất đi, ta suy tôn một nữ thánh bất tử!”.
Gia tài của bà để lại gồm 25 tiểu thuyết, 7 cuốn tiểu luận và một số vở kịch như Indiana, Lélia, Mauprat, Aoma, Cô bé Fadette…