Review “TAZAKI TSUKURU KHÔNG MÀU VÀ NHỮNG NĂM THÁNG HÀNH HƯƠNG” (Haruki Murakami) – Sau cùng, chúng ta tìm đến sự thanh thản

Review “TAZAKI TSUKURU KHÔNG MÀU VÀ NHỮNG NĂM THÁNG HÀNH HƯƠNG” (Haruki Murakami) – Sau cùng, chúng ta tìm đến sự thanh thản

Không giống như trong những cuốn sách khác của Haruki, truyện này nhân vật chính không xưng “tôi”.

Cũng không quá xa cách về thời gian như những nhân vật trong “Rừng Na Uy” hay “Phía nam biên giới, phía tây mặt trời”, lần này mình đã có thể kêu lên: ầy, cuối cùng các nhân vật đã có điểm chung với mình rồi: họ sống trong thời đại Google, Facebook cũng như các trang báo mạng. Họ là con của thế hệ trưởng thành sau .

Và quan trọng nhất, lý do mình mua cuốn sách này là vì, câu chuyện của Tsukuru có phần nào đó giống với mình hồi đại học (hồi ấy tâm trạng cũng buồn bã đau đớn gần giống như Tsukuru vậy, nên bước vào nhà sách đọc vài câu, mình xúc động chợt nghĩ, đây chính là cuốn sách dành cho mình).

Giới thiệu sơ lược nội dung: Trong nhóm bạn năm người (ba nam hai nữ) thân nhau từ cấp ba, tên (tiếng Nhật) của bốn người kia đều có màu sắc và họ gọi nhau bằng biệt danh là: Đen, Trắng, Xanh, Đỏ; duy chỉ có tên Tazaki Tsukuru không có màu nên gọi bằng tên thật. Học xong cấp ba ở Nagoya, bốn người kia tiếp tục ở lại đó học đại học, lại duy chỉ có mình Tsukuru chuyển đến Tokyo – thành phố lớn hơn – để theo ngành kĩ sư nhằm sau này xây dựng ga tàu (sở thích có thể nói là duy nhất của cậu). Trong một lần về thăm quê nhà Nayoga, Tsukuru bị bốn người kia cắt đứt liên lạc và nói rằng không muốn gặp lại cậu nữa mà chẳng hề giải thích lý do gì. Tsukuru vì quá tổn thương nên cũng không muốn biết, trở về lại Tokyo. Băng qua nỗi đau, anh đã thay đổi rất nhiều. Đến khi đã ba mươi sáu tuổi, bạn gái của anh (Sara) bảo rằng Tsukuru nên tìm hiểu rõ chuyện quá khứ. Thế là “hành trình” của anh bắt đầu…

Nhận xét: (Có spoil)

Nhìn chung, mình nghĩ mình hiểu tại sao có nhận xét rằng, cuốn này là “sự kết hợp giữa Murakami cũ và Murakami mới” (cụ thể là của trang Amazon). Cũ bởi vì cuốn này cũng giống như những cuốn trước kia: đậm đặc nỗi buồn và sự u uất, mang trong mình chủ nghĩa hiện sinh và màu sắc siêu thực, nhưng cũng có yếu tố hiện thực, lồng ghép trong nhạc jazz và những giấc ngủ đầy mộng mị; còn mới là, câu chuyện này có thêm yếu tố bí ẩn – có gì đó giống như truyện – và nghiêng về siêu thực nhiều hơn, quan trọng nhất là sau bầu không khí ngột ngạt đặc quánh ban đầu, càng về gần cuối truyện mình càng thấy dễ thở và khi nó kết thúc thì mình thực sự nhận thấy cảm giác thanh thản (dù nó vẫn là cái kết mở).

Cũng có ý kiến cho rằng, đọc truyện này của Murakami người ta không hiểu gì cả, còn nhiều khúc mắc. Chẳng hạn, Tsukuru bị bốn người kia cắt đứt quan hệ là vì Trắng (thành viên nữ trong nhóm) kể rằng đã bị cậu ta cưỡng bức. Chuyện cưỡng bức là có thật – Đen (thành viên nữ còn lại, cũng là người bạn thân nhất của Trắng) đã xác nhận rằng Trắng có thai sau đó và bị sảy. Nhưng đến khi Tsukuru ba mươi sáu tuổi tìm gặp và nói rằng mình không làm chuyện đó thì họ cũng thật sự tin anh không làm. Và nữa là chuyện ai đã sát hại Trắng vẫn là một bí ẩn. Cá nhân mình thì thấy tác giả đã giải thích hết trong phần gần cuối rồi. Nhưng cái ông hướng tới không phải là một kết quả rạch ròi (điều này có lẽ do ảnh hưởng từ nhà văn Kafka – theo như một phỏng vấn Murakami) mà nó nghiêng về siêu thực, kiểu, tác giả muốn người đọc có thể “mơ trong khi đang tỉnh”, trong hành trình cùng đi với nhân vật có thể hiểu bản thân hơn, nhận được sự tha thứ, tìm đến sự thanh thản chứ không phải tìm ra ai là hung thủ. Trong truyện này Murakami đã thành công, mình nghĩ vậy, bởi vì cái chủ đề hướng tới đó của ông đã được triển khai tốt. Đọc xong, trong đầu người ta vẫn còn mông lung nhưng không hụt hẫng, đón lấy cái kết mở nhưng trong tinh thần nhẹ nhõm.

Tsukuru không màu nhưng thật ra đầy màu sắc, nhạt nhòa nhưng là người mạnh mẽ nhất, trống rỗng vì thế trở thành chiếc bình chứa đựng, luôn theo một chuẩn mực nên là chiếc móc con tàu neo đậu.

Điểm mình yêu thích nhất trong cuốn sách này có lẽ là mô tả được sự mâu thuẫn bên trên. Tsukuru đại diện cho một loại người như vậy, loại người nghĩ mình lạc lõng, nhạt nhòa, vô dụng nhưng đối với những người khác, họ khiến những người trong nhóm cảm thấy bình tâm, tựa như một sợi dây kết nối mọi người. (Cũng vì thế mà khi dây bị cắt đứt thì cả nhóm bay lung tung, mỗi người phiêu dạt một phương trời, thậm chí có người tan vào hư vô).

Tóm lại, đọc xong truyện, cái mình học được là, mỗi chúng ta đều có giá trị nào đó, không nhất thiết phải dễ nhận thấy bằng mắt thường, nhưng ta là một phần trong cuộc sống của những người xung quanh. Dẫu có lỗi lầm, dù chịu tổn thương, nhưng hãy hướng đến sự tha thứ, cho mình một cơ hội để tiếp tục sống nhẹ nhàng với một tâm hồn thanh thản.

Review của độc giả Lê Yên Nhiên – Nhã Nam reading club

Bạn có thể tìm mua sách tại:

TÊN SÁCH NHÃ NAM TIKI FAHASA
Tazaki Tsukuru không màu và những năm tháng hành hương http://bit.ly/tazakitsukuruNhaNam http://bit.ly/tazakitsukurukhongmauTK http://bit.ly/tazakikhongmauFHS

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *