REVIEW SÁCH “CÔ GÁI MẶC VÁY TÍM” – Imamura Natsuko

REVIEW SÁCH “CÔ GÁI MẶC VÁY TÍM” – Imamura Natsuko

Một cuốn sách đoạt giải Akutagawa không dễ đọc. Thật lòng, khi chưa đọc đến 1/5 cuốn sách, đã lăm le gấp sách lại mấy lần. Rồi nghía lại thì lòng cứ day dứt không nguôi, nó mỏng mà, nó đoạt giải thưởng uy tín của Nhật tôi thích mà, cố lên nào, chắc chắn nó phải có gì đặc biệt, và bí mật hay bước ngoặt của câu chuyện chắc sẽ nằm ngay trang kế tiếp thôi – Tôi đã luôn nhủ lòng mình như thế.

Cảm giác mạch truyện của vài chục trang đầu nó lủng củng một cách kỳ quặc, kiểu như nó được viết bởi một người thiếu ngủ, suy sụp về mặt tinh thần dẫn đến những dòng tự sự một cách bộc phát, chẳng có trình tự lớp lang gì cả, lung tung beng, loạn xà ngầu. Mạch chuyện chậm, đơn điệu, lan man, không điểm nhấn và chẳng biết sách viết về cái gì nữa.

Những nét vẽ nguệch ngoặc cùng những mảng màu vương vãi tung toé rồi cũng hội tụ lại ở trang thứ 30, trang bản lề, để ở đó lần đầu, lấp ló bức tranh của cuộc sống mưu sinh nhọc nhằn, một công việc đặc thù trong ngành dịch vụ khách sạn – một công việc mà tên quốc tế hoá của nó thông dụng đến mức chỉ thua từ taxi, vâng, housekeeping – công việc của người dọn phòng. Một công việc gian nan vất vả, nhiều quy định, nhiều chuẩn mực nhưng lạ thay, đó là công việc có mức lương thấp đáng ngạc nhiên. Thấp như thế nào thì tác giả không nói trực tiếp mà  miêu tả gián tiếp bằng những hình ảnh sinh động về tài sản tích lũy,  mức chi tiêu sinh hoạt đơn sơ, đạm bạc của những nhân vật điển hình trong sách.

Tác giả là người rất am hiểu về công việc của người dọn phòng cũng như có kiến thức rất chân thực về văn hoá làm việc theo nhóm. Trong cuốn sách này, quá trình học việc, sự sẻ chia, giúp đỡ lẫn nhau về tinh thần, vật chất, hay bật mí cho nhau cả những kinh nghiệm, kỹ năng, tuyệt chiêu làm sai với nội quy trong phạm vi chấp nhận được, cốt chỉ để có thêm chút cà phê, bánh trái để cải thiện cuộc sống khó khăn. Không chỉ có những mặt tích cực, tác giả cũng lồng ghép những tình huống tiêu cực vào trong truyện như tạo sự cô lập, sự ghen tị, tọc mạch, xỏ xiên, những lời đồn nói cho sướng miệng… Và trên tất cả, ở ngay trong những tình huống đặc thù đấy đáng lẽ sẽ phải là những bước ngoặt, những cú xoay lật bất ngờ cơ….nhưng cuộc sống luôn khắc nghiệt, sự thấp cổ bé họng, sự đặc thù của chính công việc mà họ đang làm đã tự giam hãm họ trong cái nghèo bền vững.

Nghèo thì hay làm liều. Vì chẳng có gì để bị mất cả.

Và twist đã xuất hiện. Đáng thương hay đáng giận?

Ôi cái kết, nhân vật “tôi” được khắc họa để làm những điều tốt đẹp cho Cô Gái Mặc Váy Tím thực sự có vai trò gì trong xuyên suốt tác phẩm? Đó có phải là sự cảm thông của những người cùng khổ, là tình yêu đồng giới đơn phương, hay đó là một bản thể khác của chính nhân vật Cô Gái Mặc Váy Tím. Thông điệp tác giả muốn nhắn nhủ thực sự là gì? Rất mong các bạn cùng thảo luận vì tôi vẫn đang vò đầu bứt tai với cái kết chơi vơi kiểu hại não như cuốn sách này.

Review của độc giả Kevin Pham – Nhã Nam reading club

Bạn có thể tìm mua sách tại:

TÊN SÁCH NHÃ NAM TIKI FAHASA SHOPEE
Cô gái mặc váy tím http://nhanam.com.vn/sach/39506/co-gai-mac-vay-tim https://ti.ki/6Vh8tEBk/82886CD5 https://www.fahasa.com/co-gai-mac-vay-tim.html shorturl.at/ryEFY

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *