REVIEW “NHỮNG NGÃ TƯ VÀ NHỮNG CỘT ĐÈN” – Trần Dần

REVIEW “NHỮNG NGÃ TƯ VÀ NHỮNG CỘT ĐÈN” – Trần Dần

Tôi ngồi một ngày không rõ thứ hai hay chủ nhật. Bên này cửa sổ tôi tím: có nhật kí và bản sao nhật kí, có lọ mực tím và bản thảo lem nhem mực tím. Bên kia cửa sổ tôi xanh: có sáu cây bàng lá xanh và nhiều căm nhông xanh quân sự đậu, có tháng sáu vắng và phố thời chiến vắng lặng.

Tôi ngồi một ngày không rõ thứ năm hay thứ sáu, thứ bảy hay chủ nhật

Những ngày làm việc ở nhà liên tục dễ mang tới cảm giác mơ hồ, ý niệm thời gian lẫn lộn như thế lắm, một cảm giác mà Dưỡng, nhân vật chính trong Những ngã tư và những cột đèn trải qua xuyên suốt những trang nhật ký của mình, như những khúc điệp được lặp lại đều đặn trên đường tuyến tính thời gian mà tác giả Trần Dần khéo léo xây dựng trong Những ngã tư và những cột đèn.

Dưỡng cùng bốn người bạn của mình: Chắt, Ngỡi, Tình bốp, Đoành là những cựu nguỵ binh kẹt giữa hai cuộc , là một người mê bị kẹt giữa câu chuyện sặc mùi trinh thám của chính mình, giữa bốn bề thành kiến của cán bộ đối với cựu nguỵ binh, tình yêu thứ nhứt – vợ, tình yêu thứ nhì – người tình, những tình bạn và đáng sợ nhất là những ngã tư với “những cột đèn không điện và những cột điện không đèn”.

Nhà văn Trần Dần chọn một cách tiếp cận và kể chuyện độc đáo khi tung tẩy đan xen trên 2 cột mốc thời gian và để nhật ký của Dưỡng trở thành chất liệu bao gồm cả thực tế, cả cảm xúc, và chấm phết những dấu mốc hiện tại, mà quay lui là bóng lưng của quá khứ còn hướng tới là bóng lưng khác của tương lai. Ở giữa là khuôn mặt hiện tại – mông lung và thách thức.

Có thể gọi Những ngã tư và những cột đèn là một tiểu thuyết trinh thám có lẽ cũng không sai lắm. Ngôn từ mới mẻ, sáng tạo, táo bạo và giàu sức gợi, những góc khuất được khai thác sâu, đặc biệt những đoạn độc thoại giữa “sọ tôi, tôi và bóng tôi trong gương” của nhân vật Dưỡng, sẽ khiến người đọc khó lòng dứt ra cho đến những dòng cuối cùng.

Hình ảnh những ngã tư và những cột đèn xuất hiện dày đặc trong cuốn tiểu thuyết, những mỗi một lần xuất hiện, là lại ở một cảnh giới xúc cảm khác, thách thức khác, thôi thúc khác.

Bạn bè Dưỡng: người hoà mình vào dòng chảy thời cuộc, người trượt dài trong những mắc mớ cũ, người luồn cúi để tồn tại, người trở thành Cuội của chính mình, chỉ có Dưỡng là loay hoay lâu nhất giữa những ngã tư đời.

Tôi không biết điều gì cứu vớt và dẫn lối con người mạnh mẽ hơn: lương tâm của chính họ hay tình yêu thương của người khác.

Với Dưỡng, dường như anh may mắn có cả hai, khi mọi thứ tưởng chừng sắp bùng nổ thì anh lại được cứu vớt, trong một chấm nhỏ hiện tại nào đó, trên đường tuyến tính thời gian.

Câu hỏi muôn đời của chọn lựa và không chọn lựa, đứng trước những ngã tư, có thể tham khảo lời nhà văn Trần Dần:

“Đời lắm ngã tư? Rẽ một ngã tư là trách nhiệm sinh tử, phải cẩn thận, kẻo hối bất kịp. Nhưng cẩn thận, không có nghĩa tính toán, chi li, chi hoe, mà trực cảm mang hết mình, ngửi ngửi ngã tư cẩn trọng rồi hãy rẽ”.

P/s: Phần giới thiệu đầu sách về hoàn cảnh sáng tác và số phận của cuốn tiểu thuyết rất đầy đủ và rất hay (dường như cũng gắn chặt với số phận tác giả Trần Dần). Tôi cũng muốn trích dẫn vào đây nhưng lại thôi, để bạn trải nghiệm trọn vẹn khi đọc.

Review của độc giả Heather Huỳnh – Nhã Nam reading club

Bạn có thể tìm mua sách tại:

TÊN SÁCH NHÃ NAM TIKI FAHASA SHOPEE
Những ngã tư những cột đèn http://bit.ly/nhungngatuvanhungcotdenNhaNam http://bit.ly/nhungngatuvanhungcotdenTK http://bit.ly/nhungngatunhungcotdenFHS

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *