Review “KAFKA BÊN BỜ BIỂN” – Haruki Murakami

Review “KAFKA BÊN BỜ BIỂN” – Haruki Murakami

Cách đây gần mươi năm mình có viết một bài cảm nhận về Kitchen của Banana Yoshimoto; đoạn mở đầu trong đấy như thế này:

“Một trong những lí do tôi có ấn tượng sâu đậm với các tác giả Nhật, đó là bạn có thể nhận ra một thứ gì đó rất riêng, rất đặc trưng trong những trang viết của họ, ngay cả khi bạn chưa biết họ là ai hay đến từ đâu. Cái chất Nhật thấm đẫm trong từng câu chữ đó, hẳn là xuất phát từ chính tâm hồn người dân đất nước mặt trời mọc đi? Một dạng hình hài nội tâm phức tạp, đan xen giữa thực tại và mơ mộng, … giữa sự giản đơn chắc chắn đến thô mộc và nét lãng du nhẹ nhàng như tơ vương vít lấy lòng người.”

Lúc viết những dòng trên, mình có nghĩ đến Haruki Murakami không? Có chứ. Mình nhớ từng đọc đâu đó rằng, Haruki là tác gia thường gắn với mác nhận diện “Tây hoá” ở chính nền nước nhà, và bởi chính bản thân ông. Lạ lùng thay, khi đọc các tác phẩm của Haruki, mình lại ngấm ngay cái chất Đông Phương và trong ấy. Xin khẳng định đây chẳng hề là lời thiên vị: Haruki không phải nhà văn (Nhật) yêu thích của mình. Nhưng có khi suy nghĩ của mình chịu ảnh hưởng từ ấn tượng “đầu tiên” chăng? Bởi Haruki cùng Kafka Bên Bờ Biển gần như là tác gia và tác phẩm Nhật đầu tiên mình tiếp cận.

Mùa hè năm lớp Mười, mình đến Hội Sách Thành Phố ẵm Kafka Bên Bờ Biển về vì mê … chất liệu và thiết kế bìa. Thầy dạy Văn khi ấy bảo, đọc quyển này ở lứa tuổi của mình, là một thách thức thú vị. Mình đọc xong, ngẫm lại lời Thầy, ắt là cách nói giảm nói tránh duyên dáng cho “đọc xong chắc gì bây hiểu”. Mình là một kẻ đọc rất chậm; mỗi một từ, một câu, thậm chí một dấu câu, mình cũng như thể bóc tách nó ra rồi nhai nuốt vậy. Độ thẩm thấu của dạ dày — ý mình là của trí não mình — vốn khá tốt vào thời niên thiếu trẻ trung đó. Ấy thế mà đọc Kafka xong mình cứ mơ màng không biết đã tiêu hoá gì rồi, hay chính xác hơn, chẳng rõ có tiêu hoá hay không nữa. Vì quyển sách này, mãi hai năm sau mình mới đủ can đảm đọc thêm một tác phẩm khác của Haruki.

Thế mà trong suốt bảy mùa hè sau đó, mình đều mang Kafka ra đọc lại. Mấy lần đầu đồ chừng vì hiếu thắng đi, dạng không chịu được khi không hiểu rốt ráo vấn đề ấy. Nhưng càng về sau, lúc đã lên Đại Học, nhất là vào mùa hè mình chuẩn bị bước vào đời, mình chợt nhận ra, khao khát muốn hiểu thấu đáo tác phẩm này trong mình đã mai một đi ít nhiều. Thay vào đó, mình muốn đắm chìm trong khung cảnh ấy lần nữa, mường tượng ra những sắc, vị, hương, thanh, cảm đó thêm tí chút. Tiện thể, sống lại bản thân mình thuở mười lăm.

Mười lăm tuổi, bằng tuổi của Kafka Tamura. Này có phải định mệnh đời đọc sách của mình không nhỉ? Lần đầu tiên mình đọc Harry Potter — một bộ truyện dạo trước hè nào cũng ôn lại — là lúc mình lên mười một, y như Harry khi đến Hogwarts. Có lẽ vậy nên, dù mình thương Cụ Dumbledore và Thầy Snape nhất, nhân vật mình đồng cảm hơn cả chính là Harry. Với Kafka cũng thế. Mình thích Oshima với lũ mèo lắm, cơ mà những xao động nhiều nhất trong tâm thức là với Kafka. Những rối ren trong suy nghĩ, khủng hoảng căn tính, phức cảm dị biệt: Tất cả đều nhồi nhét trong cậu trai trẻ ấy, mà ngạc nhiên thay, chúng quyện vào nhau ở cậu một cách êm đềm đến lạ kì. Các bạn yên tâm, mình không phải đang nói chuyện về Học hay gì đâu, tại mình đâu có hiểu. Cái cảm giác không hiểu sao mình lại tâm linh tương thông với một giống đực không được bình thường lắm (có đâu, nào có ý xúc phạm nhân vật đâu), nó thật sự rất chi kì quái. Rất dễ nghiện, đừng thử.

Mình từng tự nhủ, sẽ không bao giờ giới thiệu Kafka Bên Bờ Biển cho ai. Cuối cùng cũng có lúc cầm lòng không đặng mà rủ rê một cô bạn đọc cùng. Cô bạn ấy, không ngoài dự đoán của mình, đã choáng ngợp với không gian trong Kafka không dứt được. Thú vị hơn, cô còn tìm đọc bản Tiếng Anh, và khi sang du học, cô mang theo bản , dù lúc ấy nửa chữ Tiếng Pháp cũng không biết. Mình còn cười trêu cô nàng thật lâu.

Mình chợt hiểu tại sao cô mang Kafka theo, khi chính mình, cách đây ba năm, thả bước dọc theo bờ biển heo hút xứ người (ảnh minh hoạ mình chụp chất lượng kém xin kèm ở dưới) rồi bỗng dưng thèm có Kafka Tamura ở bên cạnh quá chừng. Thèm biến thành thằng Quạ tâm sự với cậu, cũng là với mình-thuở-thiếu-thời. Lúc ấy tự hỏi sao ở trời Âu mình có thể hoà vào nền văn hoá, âm nhạc cổ điển, bản tính yêu mèo với rừng của họ nhẹ nhàng đến vậy. Hẳn là do những dự cảm đó đã được tôi thành từ mấy dòng tự sự đầu tiên của Kafka và Oshima. Lắm lúc gặp ai đó người Nhật tha hương bên ấy, mình cứ có xúc cảm bâng quơ: Trong tâm hồn người nọ có một chút Kafka, một tí Quạ, hay một xíu Hoshino. Nghe có vẻ đang vơ đũa cả nắm nhỉ? Nhưng thật sự, tất cả chúng tôi khi ấy, đều là những Nakata đang dò tìm bản thể đầy đủ chiếc bóng của mình. Vậy nên mình mới trộm nghĩ, chất Tây và Nhật trong văn Haruki đều hiện diện đủ cả. Tựa như Dịch giả Dương Tường cảm thán về Kafka rằng: “Nói theo thuật ngữ chưởng thì Murakami tung ra hơi nhiều ‘chiêu thức'.”

Hôm nay bỗng nhận ra mình không đọc lại Kafka Bên Bờ Biển một đoạn thời gian kha khá rồi. Khát khao tìm về chính mình tuổi hoa niên đã dần chịu mài mòn theo năm tháng. Bài về Kitchen khi xưa mình cũng viết cho một cuộc thi do đồng tổ chức đấy, còn Kafka là quyển đầu tiên mình mua từ Nhã Nam. Nếu có duyên đến thế, phải chăng đã đến lúc đọc lại Harry — ý mình là Kafka Bên Bờ Biển — lần thứ chín nhỉ?

Review của độc giả Ly Truong Thanh Que – Nhã Nam reading club

Bạn có thể tìm mua sách tại:

TÊN SÁCH NHÃ NAM TIKI FAHASA SHOPEE
Kafka bên bờ biển http://bit.ly/kafkabenbobienNhaNam http://bit.ly/kafkabenbobienTK http://bit.ly/kafkabenbobienFHS http://bit.ly/kafkabenbobienShopee

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *