Review “DỊCH HẠCH” – Albert Camus

Review “DỊCH HẠCH” – Albert Camus

Cuốn sách này là thiên ký sự của một người đã sống sót qua trận dịch hạch bủa vây thành phố Oran trong nhiều tháng trời. Người viết đã tiếp xúc với người sống và người chết, dịch bệnh và đức tin, người mộ đạo và người không tin vào Chúa. Trong bối cảnh bệnh dịch, nhiều thứ trước kia không hiển lộ, tới nay đã lộ diện; và những thứ tưởng như không thể thay đổi, chúng đã thay đổi. Như người ta vẫn nói, trong hoàn cảnh ngặt nghèo, ta hiểu bản thân mình hơn và đôi khi là hiểu cả những người bạn của ta nữa. “Dịch Hạch” không đơn thuần thuật lại một thảm hoạ chết chóc, mà cùng với đó, biểu hiện cho điều Camus đã tuyên bố “Cuộc đấu tranh chống dịch tượng trưng tất cả hình thức tranh đấu chống tất cả hình thức áp bức”.

Những dấu hiệu đầu tiên của bệnh dịch hạch xuất hiện ở Oran là hàng loạt những con chuột chết. Chưa bao giờ người ta thấy nhiều chuột chết như vậy xuất hiện ở thành phố, mỗi ngày một nhiều thêm và không có xu hướng giảm bớt. Tuy thế, ban đầu người ta vẫn nghĩ rằng là do thời tiết hay gì đó đại loại, không ai nghĩ rằng việc nhiều chuột chết như vậy xuất hiện trong thành phố là một điềm báo không may cho một tương lai khiếp khủng sắp gõ cửa thành phố này. Hoặc là họ có nghĩ, nhưng cố lờ nó đi, nhủ thầm rằng mọi chuyện vẫn ổn.

Tóm lại, chuột chết thì mặc chuột chết, nhịp sống của Oran bị xáo động đôi chút, nhưng không nhiều. Sự an tâm có phần giả dối của người dân khiến mình hơi ớn lạnh khi đọc – bởi mình đã biết chắc nó sẽ chẳng thể kéo dài được lâu, và rằng họ đang bỏ qua một điềm báo của dịch bệnh sắp tới. Khi người ta thống kê thấy số lượng lũ chuột đã giảm, thì những mầm bệnh ấy lại di chuyển sang con người. Dịch hạch bùng phát, Oran đóng cửa thành phố và bắt đầu cuộc tranh đấu của mình.

Ban đầu khi có mấy ca mắc bệnh và vài người chết, người ta vẫn quả quyết có thể khống chế được trận dịch này, các phương phòng tránh chỉ cốt để yên tâm. Thế nhưng về sau, ngay cả khi các phương pháp chống dịch được tăng cường chăng nữa, căn bệnh cũng không có dấu hiệu lùi bước. Nó len lỏi khắp ngõ ngách Oran, dấy lên trong lòng mỗi người sự sợ hãi và tuyệt vọng mơ hồ, nó kéo dài thời gian ra thể như vô tận, khiến người ta dường như mất nhận thức về tháng ngày bởi trong thời kì bệnh dịch này, chuỗi hành động lặp đi lặp lại tưởng như không hồi kết và ai nấy đều kiệt sức, đặc biệt là các y bác sĩ và những người tình nguyện.

Căn bệnh này lưu đày mọi người. Nó lưu đày người ta ngay cả trong hiện tại và chìm nổi trong những ký ức. Nó tạo ra khoảng cách và đày đoạ cái khát cảm kết nối giữa người với người. Nó nhân danh cái chết, nhưng là một thứ gì đó còn hơn cả cái chết. Nó là thử thách. Và ở “Dịch Hạch”, ta có những người không khuất phục trước thử thách hay gian truân.

Albert Camus không phán xét các nhân vật trong cuốn sách này, dù nhân vật ấy là người tin Chúa, không tin Chúa hay thậm chí là kẻ phạm tội. Tất cả đều phải đối mặt với sự phi lý và cùng học cách đoàn kết, thay đổi bản thân để đương đầu với sự phi lý ấy. Nhân vật khiến mình ấn tượng nhất khi đọc cuốn sách này là Jean Tarrou, một người không thuộc về Oran nhưng đã vì Oran như bất cứ ai đã lớn lên cùng và yêu thành phố này. Trong buổi tâm sự với bác sĩ Rieux nhằm buộc bản thân tạm quên đi dịch bệnh đang hoành hành, Tarrou đã nói đại ý rằng, chàng đã chạm trán căn bệnh dịch hạch trước đây rất lâu, đây không phải lần đầu tiên chàng gặp nó. Chúng ta đều mắc bệnh dịch hạch, và kẻ không mắc bệnh lắm khi đớn đau hơn cả người mắc bệnh, chúng ta đều bị lưu đày, theo cách này, hay cách khác. Mình nghĩ điều mà Tarrou muốn nói, hay Albert Camus muốn nói chính là, khó khăn luôn luôn tồn tại và người ta không còn cách nào khác ngoài dấn thân nếu muốn tiếp tục sống, và sống một cuộc đời không thẹn với lòng. “Dịch Hạch” chỉ là một phép ẩn dụ cho khó khăn và gian truân mà thôi, mà khó khăn và gian truân lại có ở tất cả mọi thời.

Gấp lại “Dịch Hạch”, mình hiểu rằng căn bệnh đã bị đẩy lui, song nó sẽ không biến mất. Như bác sĩ Rieux đã khẳng định, “…thiên ký sự không thể là của cuộc thắng trận vĩnh viễn.” Căn bệnh, nó vẫn lẩn khuất đâu đó, chờ dịp sống dậy, và khi ấy, người ta sẽ lại phải tiếp tục dấn thân và đương đầu với nó, kẻ bại trận sẽ là kẻ bị buộc phải biến mất.

Một vài ghi chú khác sau khi đọc xong “Dịch Hạch”:

  1. Không khí của “Dịch Hạch” khiến mình liên tưởng ít nhiều với đại dịch Covid-19 xảy ra từ đầu năm nay cho tới hiện tại, có khá nhiều điểm tương đồng, chủ yếu là những suy nghĩ và cách người ta hành xử trước – trong – sau trận dịch. Nếu như đọc thì bạn sẽ hiểu vì sao mình cảm thấy như vậy.
  2. Theo những gì viết ở cuối sách, mình có tìm hiểu thì biết rằng bản dịch này ra đời năm 1968, từng được NXB Dịch Giả phát hành năm 1971. Vậy cũng dễ hiểu khi bản dịch có dùng những từ khá cũ và theo mình là mang đôi nét phương ngữ, ban đầu mình mất khá nhiều thời gian để quen được với cách dịch như vậy, nhưng sau cùng cũng không phải vấn đề gì lớn.
  3. Cuối cùng,

Cuốn sách này mình được giảng viên môn Nhân Học tặng, cô nói nó sẽ có ích nếu như muốn tìm hiểu thêm cho đa dạng các hiện tượng xã hội (hồi đó đề giữa kì của tụi mình có liên quan đến dịch Covid-19). Cô tặng mình vào buổi lên lớp cuối cùng và chúc tụi mình thi tốt. Tóm lại là cô giảng bài hay và rất đáng yêu, mình thích cô lắm lắm luôn. :”>

Instagram: @_satohsai

Bạn có thể tìm mua sách tại:

TÊN SÁCH NHÃ NAM TIKI FAHASA SHOPEE
DỊCH HẠCH https://bit.ly/dichhachNhaNam https://bit.ly/dichhachTiki https://bit.ly/dichhachFHS https://bit.ly/dichhachShopee

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *