Review “451 ĐỘ F” – Ray Bradbury

Review “451 ĐỘ F” – Ray Bradbury

Chào các bạn, lâu nay bận bịu mãi chẳng đóng góp được bài nào. Hôm nay mình xin ngoi lên để review (hơi dài) một cuốn vừa được tái bản gần đây: 451 độ F của Ray Bradbury. Bài viết của mình có thể tiết lộ 1 số nội dung, các bạn cân nhắc khi đọc.

Một đêm quay về nhà, anh lính phóng hỏa Guy Montag bỗng gặp cô gái kỳ lạ tên là Clarisse đang đi dạo ngoài phố. Chuyện chẳng có gì đáng nói vào thời này nhưng bối cảnh câu chuyện lại là cuối thế kỷ 21, khi việc đi dạo cũng trở thành hiếm hoi. Người ta chỉ thích ngồi nhà dán mắt vào TV, và đặc biệt, giữ sách trong nhà là phạm . Xã hội đã phát triển đến mức căn nhà nào cũng được tráng một lớp chống cháy, và dần dà người ta không cần đến lính cứu hỏa nữa. Ngược lại, những đội lính phóng hỏa được hình thành để đốt những ngôi nhà có giấu sách. Vốn là người chẳng mấy suy nghĩ về cuộc sống, Montag bỗng nảy ra biết bao nhiêu câu hỏi về cuộc đời mình, kiểu câu hỏi sẽ đẩy anh vào nguy hiểm.

Câu chuyện chia làm 3 chương: Bếp lửa và Rồng lửa, Sàng và cát, Cháy sáng. Mình bắt đầu hơi chật vật vì chương đầu tiên với mình khá khó tiếp cận. Ngay đầu câu chuyện người đọc đã thấy anh Montag gặp Clarisse trên đường, sau đó về nhà và thấy vợ mình nằm thiếp đi vì uống thuốc ngủ quá liều. Tác giả không nhắc gì đến bối cảnh câu chuyện cũng không nói rõ tại sao lại có nghề lính phóng hỏa. Rồi câu chuyện dần mở ra theo những suy nghĩ của Montag, nhưng đến tận Sàng và cát nhịp độ câu chuyện mới nhanh hơn và mình bắt đầu bị thu hút, giống như chương đầu tiên chỉ để chuẩn bị tinh thần cho người đọc đọc 2 chương sau vậy. Một sự chuẩn bị rất chậm rãi.

Vượt qua cái chương ấy, một thế giới kinh khủng mở ra trước mắt mình. Xã hội gì mà cấm người ta đọc sách??? Lý giải của Beatty, đội trưởng đội lính phóng hỏa là: cấm đọc sách tức là khiến cho xã hội bình đẳng. Tại sao lại thế? Đến một thời điểm mà tiến bộ công nghệ đã lên quá cao, con người bị bao vây bởi vô số những hình thức tin tức và giải trí. Sao lại phải đọc sách khi người ta có thể đọc tóm tắt ngắn tủn và coi như mình đã biết hết nội dung cuốn sách rồi? Càng ngày số người đọc càng ít đi, số người xem tăng lên. Những người đọc trở thành mối nguy hiểm tiềm tàng chỉ vì họ là thiểu số. Chẳng ai biết những tay trí thức sẽ làm gì với những công dân cấp tiến của một xã hội hiện đại. Phải chăng nguy hiểm như thế thì cứ cấm đi cho tiện.

Trong 451 độ F, những người đọc là thiểu số với hành trình đơn độc. Mình nhớ đến nhân vật Raphaël Bataille trong Cuộc sống bí mật của các nhà văn cứ mất công đi ‘cải đạo' cho bạn gái mình, muốn cô đọc sách và mê sách như anh nhưng cũng chẳng thành công. Ở đây những ông trí thức phải lánh xa thành phố trong cái bi kịch về thế giới không sách vở. Họ phải giấu hết sách đi, có lúc đọc xong lại phải tự đốt để tránh bị phát hiện. Họ trở thành những cuốn sách di động, thành những di sản sống của thế giới. Họ chờ đợi đến cơ hội mình được nói ra những gì đã đọc và để lời nói ấy được ghi lại, được in thành sách. Họ tin tưởng vào cơ hội này nhưng cũng nghĩ rằng rồi sẽ đến một ngày nào đó sau cái tương lai tươi sáng kia, sách lại bị cấm. Vòng tuần hoàn cứ thế tiếp diễn.

Những người không đọc sách trong xã hội 451 độ F hoặc không nhận thức được bi kịch, hoặc mũ ni che tai. Nhóm người đầu tiên là bản thân người vợ của Montag và những bà bạn. Lúc đầu mình cũng ghét 3 nhân vật này lắm, nhưng rồi lời của ông cụ Faber nói với Montag trong cơn căm giận của anh cũng thật có lý: “Hãy thương họ, Montag ơi, hãy thương họ. Đừng chì chiết làm tình làm tội họ nữa, chỉ mới đây thôi anh hãy còn là một người trong bọn họ cơ mà. Họ quá tự tin rằng họ sẽ cứ thế mà tồn tại mãi.” Nhờ có cuộc gặp với Clarisse và những điều cô nói ra mà Montag mới thoát được khỏi cuộc sống bao bọc bởi những màn hình khổng lồ. Montag từ người đơn giản chẳng bao giờ thắc mắc gì đã biết đặt câu hỏi tại sao xã hội lại có lính phóng hỏa. Bước ngoặt trong Montag là nhờ cuộc gặp, nhưng một cái gì đó đã nhen nhóm từ lâu khi anh cứ ăn trộm những quyển sách trong các căn nhà bị đốt và mang về giấu ở nhà.

Xã hội mà Bradbury nghĩ ra không hề được mô tả kỹ càng cụ thể. Ngoài việc thiên hạ chẳng ai đọc sách và công nghệ chi phối cuộc sống ra, người đọc không biết người dân ở đây sống trong những căn nhà ra sao, ăn mặc thế nào, tổ chức xã hội theo hướng gì. Tất cả những yếu tố này có chăng không thiết vì cuốn sách chỉ nói về một xã hội không đọc, và do đó không nghĩ. Thực chất sách cũng chỉ là phương tiện tạo ra suy nghĩ và tư duy phản biện:

Không phải anh cần sách đâu, cái anh cần là thứ đã từng nằm trong sách. Cái anh tìm không phải là sách! Hãy thu gom nó bất cứ khi nào anh có thể tìm được nó, trong những đĩa cũ, những bộ phim cũ, và ở những người bạn cũ, tìm nó trong thiên nhiên và tìm nó trong chính anh. Sách chỉ là một dạng vật chứa nơi ta lưu nhiều thứ mà ta sợ mình có thể quên.

Do vậy, 451 độ F lại không bi quan như các tác phẩm dystopia khác mình biết. Thái độ của những nhân vật trí thức trong truyện hoàn toàn tích cực vì họ tin rằng những người đã đọc sẽ lưu giữ kiến thức trong đầu để chuẩn bị cho tương lai mới. Tức là họ tin sẽ có ngày họ không phải thiểu số.

451 độ F chính là nhiệt độ sách giấy bắt lửa và bốc cháy. “Đừng đối mặt với các rắc rối, mà hãy đốt nó.”

Review của độc giả Thuc Anh Cao Xuan – Nhã Nam reading club

Bạn có thể tìm mua sách tại:

TÊN SÁCH NHÃ NAM TIKI FAHASA
451 độ F (TB 70.000) http://bit.ly/451dofNhaNam http://bit.ly/451dofTK http://bit.ly/451dofFHS

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *