“HẢO NỮ TRUNG HOA” (Hân Nhiên) –  Một cuốn sách cần nhiều “sức mạnh” để đi đến trang cuối cùng

“HẢO NỮ TRUNG HOA” (Hân Nhiên) – Một cuốn sách cần nhiều “sức mạnh” để đi đến trang cuối cùng

Tôi tình cờ biết đến Hảo nữ Trung Hoa từ một kênh review sách trên Youtube. Người review nói rằng nếu bạn muốn đọc cuốn sách này thì tốt nhất hãy chuẩn bị một tinh thần thép vì nó sẽ ám ảnh bạn đến tột cùng. Tôi quyết định mua vì tò mò. Rốt cuộc một quyển sách viết về phụ nữ thì ám ảnh đến mức nào mà phải cần đến một “tinh thần thép” để đọc? Và giờ thì tôi đã tin lời người review sách đó. Tôi tốn hơn 1 tháng để đọc xong Hảo nữ Trung Hoa. Lý do tôi tốn nhiều thời gian như vậy là vì cứ đọc hết một chương thì tôi phải đóng sách lại để suy nghĩ, tưởng tượng, và hầu hết thời gian là để bình tâm lại.

Trước hết tôi xin giới thiệu một chút về tác giả của cuốn sách. Bà là Hân Nhiên, một tác giả viết sách gốc , hiện đang sống và làm việc tại Anh. Bà từng là nhà báo và từng chủ trì một chương trình phát thanh mang tên “Khinh phong dạ thoại” khi còn sinh sống tại Trung Quốc. Nhờ chương trình phát thanh nói trên mà tác giả đã có cơ hội để chạm tay tới những câu chuyện “không bao giờ được nói ra” của phụ nữ Trung Quốc và viết nên được cuốn sách gây ám ảnh và khó quên này.

Nhân vật chính của Hảo nữ Trung Hoa là những người phụ nữ trên khắp đất nước rộng lớn ấy. Họ là những cô bé con chưa đến tuổi thành niên, là những thiếu nữ đang độ xuân thì, là những người đàn bà đang ở độ chín của cuộc đời hay những cụ bà lão niên. Điểm chung của tất cả những người phụ nữ ấy là đã phải trải qua những nỗi đau mà họ không bao giờ tưởng tượng nổi độ kinh khủng của chúng.

Trong tiếng Anh có một cụm từ “a roller coaster of emotions” được hiểu theo nghĩa tiếng Việt là nhiều dạng cảm xúc như vui, buồn, hạnh phúc, ngạc nhiên, thú vị, thất vọng, kinh tởm, đau buồn, … ập đến với bạn cùng một lúc hoặc hết cảm xúc này nối đuôi cảm xúc khác mà đến với bạn giống như khi bạn chơi trò tàu lượn siêu tốc. Trải nghiệm đọc Hảo nữ Trung Hoa đối với tôi cũng tương tự như vậy. Tôi tò mò không biết tại sao một cô bé 17 tuổi lại muốn có vật nuôi là một con ruồi. Tôi vừa thắc mắc vừa có dự cảm chẳng lành khi dần biết được lý do tại sao cô bé cứ phải liên tục khiến cho bản thân đau bệnh để được nhập viện và cuối cùng phải ra đi ở cái tuổi còn quá trẻ để nghĩ đến cái chết. Tôi bật khóc ngon lành khi đọc đến đoạn những người mẹ đã kể lại cảm xúc chân thật nhất của họ khi chứng kiến chồng con mình ra đi ngay trước mắt trong một thảm họa động đất tàn khốc. Thời đó, nhiều vùng ở Trung Quốc như bị cắt liên lạc hoàn toàn với phần còn lại của đất nước. Đến tận 14 ngày sau khi trận động đất diễn ra, một người đàn ông xơ xác lem luốc đi báo tin cầu cứu, người ta vẫn không tin là có động đất. Tôi thực sự cảm nhận được nỗi đau và sự kinh tởm đan xen khi rà mắt qua những đoạn viết về số phận người phụ nữ trong thời kỳ Cách mạng . Một cụm từ gồm 4 chữ và là khoản thời gian đã trôi qua từ bao nhiêu thập kỷ trước nhưng nỗi đau nó để lại thì không thể nói hết thành lời. Một người từng trải qua thời kỷ kinh khiếp đó nói rằng: “Nếu bạn không thực sự sống trong thời gian đó, thì có giải thích đến mấy bạn cũng chẳng thể hiểu được đâu.” Tôi tin lời người đó nói. Đọc đến những dòng đó, tôi hiểu ra một điều, Cách mạng văn hóa đã thực sự tạo ra những kẻ cầm thú không cần đội lốt. Và còn nhiều, nhiều nữa những số phận, những câu chuyện có thể chạm đến tận tâm can của người đọc khi họ lần giở từng trang sách này ra.

Trong suốt quá trình đọc cuốn sách này, một câu hỏi cứ lanh quanh luẩn quẩn trong đầu tôi “thân phận và danh tính của người phụ nữ nằm ở đâu?”. Dường như nó đã được định đoạt bởi ai đó khác ngay từ lúc họ sinh ra. Trong chương “Những người phụ 344 nữ ở đồi Hét”, từ “dùng” được sử dụng để nói đến giá trị và mục đích sống của người phụ nữ. “Dùng” trong xã hội được sử dùng cho đồ vật, không phải cho con người. Nhưng ở đồi Hét phụ nữ được “dùng” để làm vợ cho cả một gia đình có 3, 4 con trai, phụ nữ được “dùng” với mục đích sinh nở, phụ nữ được “dùng” như một lực lượng lao động của cả làng. Và giây phút cuộc đời họ được cho là có giá trị nhất là khi họ sinh được con trai. Hay trong một chương khác được viết trong vào kỳ Cách mạng văn hóa, phụ nữ phải có trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ của mình với Cách mạnh bằng cách làm vợ của các quan chức cấp cao và bị chính người chồng của mình nói rằng đó chính là mục đích sống của họ, giá trị của họ chỉ có thế mà thôi. Nếu dám làm gì khiến danh dự và sự nghiệp của chồng bị ảnh hưởng thì cũng đừng hòng được sống yên ổn phần đời còn lại. Trong trường hợp này, cái thứ được gọi là Cách mạng kia định đoạt giá trị và danh tính của họ. Và dù là thời xưa hay thời nay, câu hỏi của tôi vẫn cứ là chủ đề nóng sốt và dường như vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng nào cho nó.

Đọc đến trang cuối cùng và đóng sách lại, tôi giữ chặt cuốn sách trong tay. Đó là cử chỉ thể hiện sự biết ơn đối với tác giả cuốn sách vì đá “vén lên bức màn che đi bí mật” của những “hảo nữ Trung Hoa”, là hành động giúp tôi bình tâm lại khi đã đi qua một loạt những cảm xúc mãnh liệt, là cách tôi kìm nén để không la lên sung sướng vì lâu lắm rồi mới đọc được cuốn sách đáng đọc như vậy.

Review của độc giả Nguyễn Lê Hoàng Vy – Nhã Nam reading club

Bạn có thể tìm mua sách tại:

TÊN SÁCH NHÃ NAM TIKI FAHASA
HẢO NỮ TRUNG HOA https://bit.ly/haonutrunghoa2021NhaNam https://bit.ly/haonutrunghoa2021Tiki https://bit.ly/haonutrunghoa2021FHS

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *