“Hồ sơ Rachel” hay chuyện tình ơ hờ của tuổi trẻ lạc lối

“Hồ sơ Rachel” hay chuyện tình ơ hờ của tuổi trẻ lạc lối

“Hồ sơ Rachel” là tác phẩm đầu tay của tiểu thuyết gia người Anh Martin Amis, được xuất bản và tạo tiếng vang đầu tiên khi tác giả của nó mới 24 tuổi. Đây là tiểu thuyết dành cho độc giả trẻ và cả những độc giả hoài nhớ tuổi trẻ.

Về cơ bản, nó là một tiểu thuyết Bildungsroman, viết về giai đoạn mang tính chất bản lề của cuộc đời con người, về quá trình hình thành nhân cách và bản ngã (hay căn cước) của một con người trẻ tuổi. Chính vì lẽ này mà nhiều người thường đặt “Hồ sơ Rachel” trong mối tương quan, so sánh với “Bắt trẻ đồng xanh” của Salinger. Nhưng sau khi đọc xong bài viết này, có lẽ độc giả sẽ nhận ra, hai tiểu thuyết có nhiều khác biệt hơn là những tương đồng ở bề mặt.

Nhân vật chính của tiểu thuyết mang tên Charles Highway, chàng trai láu cá, thông minh đang thực hiện những bước chuẩn bị để bước vào đại học Oxford. Nhưng hượm đã, trước khi độc giả tưởng tượng một bức tranh toàn hảo về một anh chàng không chê vào đâu được, “Hồ sơ Rachel” là tiểu thuyết về sự vỡ mộng của tuổi trẻ trước cuộc đời, và rất có thể độc giả sẽ cảm thấy vỡ mộng trước anh chàng Charles này.

Trong cuốn tiểu thuyết, Charles Highway muốn lên một kế hoạch tỉ mỉ, trác tuyệt để dụ dỗ một cô gái tên Rachel. Rachel là mảnh ghép còn thiếu để bức tranh tuổi trẻ của anh thêm phong nhiêu: anh ta cần một chuyến phiêu lưu tình ái đầy nhiệm màu trước khi bước vào tuổi trưởng thành.

Ba tháng và một chuyện tình ngắn ngủi với Rachel đã được ghi chép chính xác thành một tập tài liệu tên là “Hồ sơ Rachel”. Tập hồ sơ quái đản ấy hé lộ rất nhiều về thế giới quan của Charles, chàng ta không ngần ngại phô bày kiến thức ngồn ngộn về tình dục, về văn chương, về tuổi trẻ, về cuộc đời, nghệ thuật, âm nhạc, thi ca. Dĩ nhiên, Charles không quên bày tỏ sự phẫn nộ với thế giới trưởng thành, đó là điều khá dễ đoán. Đọc đến đây chúng ta có thể cảm thấy nét hao hao với nhân vật Holden Caulfield trong “Bắt trẻ đồng xanh” – biểu tượng cho sự nổi loạn và thách thức của thanh thiếu niên , một anh chàng ẩn sau những câu chửi thề, sự hằn học cay đắng về cuộc đời là một tâm hồn trong trẻo: cậu thương những con vịt mùa đông không còn chốn bơi lội, mơ mòng về cảnh tượng chơi đuổi bắt với lũ trẻ con trên một cánh đồng lúa mạch đang thơm mùi lúa mới. Nhưng không, bất luận có bao nhiêu trích dẫn các tác phẩm văn chương , William Blake hay Eliot tại “Hồ sơ Rachel”, nhân vật của chúng ta không hề “nên thơ” như thế. Charles khó ưa trên mọi bình diện.

Mở đầu cuốn tiểu thuyết, Charles đã gây sốc: chàng ta không thích quá khứ quá ấm êm của mình. Không gì đáng chán bằng một câu chuyện quá khứ phẳng lặng không phải mảnh đất màu mỡ để phản tư và chiêm nghiệm sâu sắc về cuộc đời và bản chất của mối quan hệ giữa người với người. Đời thế thì tẻ nhạt quá!

“Vấn đề là ở chỗ tôi lại thuộc cái thiểu số buồn thảm đang không ngừng teo tóp lại ấy… con của một gia đình ổn cố. Tôi mang gánh nặng này từ mười một tuổi, hồi tôi mới vào trung học. Không ngày nào không có người tôi quen hóa ra là con nuôi hay con hoang. Tôi ganh tỵ cái cớ để được tự vấn, cái chỗ chứa dành cho mọi đối kháng chính đáng và lòng trung thành cao thượng của tụi nó biết chừng nào.”

Charles Highway có thôi thúc nổi loạn vì quá khứ nhạt nhòa này chăng? Dù gì đi chăng nữa, chàng  ta sắp đón sinh nhật lần thứ hai mươi, chàng ta muốn tận dụng tối đa thời gian còn lại của mình, hạ quyết tâm ngủ nghê và phiêu lưu tí chút với một người phụ nữ lớn hơn tuổi (tượng trưng cho sự trưởng thành, hiểu biết và sự giàu có trải nghiệm sống). Rachel, một cách tình cờ, phù hợp với tiêu chí ấy.

“Hồ sơ Rachel” hay chuyện tình ơ hờ của tuổi trẻ lạc lối ảnh 1

Charles lên kế hoạch cưa cẩm Rachel, lúc nào trong đầu cũng quay mòng mòng những ghi chú, những chỉ thị, những lời khuyên. Chàng ta dần dà đạt được mục đích. Nhưng khoảnh khắc mà nàng Rachel thuộc về Charles bằng cả thể xác và tâm hồn (giả mà ta phỏng theo lối nói khoa trương, phách lối của nhân vật chính) thì đó cũng là lúc chàng ta cảm nhận được một sự trống rỗng lớn lao, trớ trêu nhất.

“Tôi còn biết mình cảm thấy gì và nghĩ gì; tôi biết buổi chiều ấy là sao: một tập hợp chi tiết chẳng có gì là khoái lạc, không hơn; một đường đua vượt chướng ngại vật tỉ mỉ, điên loạn, nhọc nhằn. Tôi phải thành thật với chính mình.”

Người tính chẳng bằng trời tính, Charles vận dụng tài tính toán của mình để có được trải nghiệm tuổi trẻ nhưng nó lại trơn truội vượt khỏi tay anh. Cái mớ hồ sơ là một mớ lộn xộn thiểu não những sự thật lạnh lùng và văn xuôi huyên thuyên không đầu không cuối. Đôi chỗ Charles lại mượn một số hình ảnh trong những bài thơ tình kinh điển. Chàng ta hùng hồn tưởng tượng rằng việc có được nàng thơ của mình khó khăn như thế nào. Chàng ta phô diễn bản thân mình trong những dòng ghi chép, lấy trộm những tri kiến sâu sắc từ những cuốn sách trong quá khứ, nhưng tất cả mới thảm hại, hài hước và vô phương cứu vãn làm sao!

Về cuối tiểu thuyết, Charles càng lúc càng bị vỡ mộng. Hóa ra, Rachel là một người con gái bình thường như bao người con gái khác. Nàng chẳng phải nàng thơ sâu sắc nào hết, nói chuyện văn chương với nàng thành ra vô duyên hết nấc. Đôi khi, nàng tè dầm, lúc đến kỳ hành kinh, nàng nổi một cú mụn to bự chảng. Phụ nữ luôn cố gắng tạo ra hình ảnh hoàn hảo còn đàn ông thì lại kỳ vọng hình ảnh đó là thật. Rachel cũng biết nói phét, cũng tưởng tượng những điều không đâu để bản thân mình trở nên thú vị. Điều đó đau đớn lắm thay! Ba tháng cuộc tình mặn nồng đi đến hồi kết.

“Được rồi, em thì cũng được, nhưng em non nớt, rỗng tuếch và cười điệu nhiều quá, cá tính em thì chỉ nhỉnh hơn chút xíu so với một tập hợp các điệu bộ trẻ con, duyên dáng ấy, duy có điều không có sức nặng, không có thực chất.”

“Hồ sơ Rachel” hay chuyện tình ơ hờ của tuổi trẻ lạc lối ảnh 2

Mối quan hệ của Charles và Rachel hóa ra chỉ rặt là những điều lý tưởng hóa, thiếu thực thà đến nỗi cả hai đều không thể đương đầu với những những va vấp nhẹ nhàng nhất với đời thực. Charles dẫu có miệng lưỡi khôn khéo, chăm đọc thơ và các các tiểu thuyết của Lawrence cũng bất lực. Cuộc sống, sần sùi và thô ráp hơn những điều chàng (thích) nghĩ. Mối tình với Rachel chỉ là sự tựu thành của những bí kíp, chiến thuật, tập hợp những thao tác phức tạp. Dần dà, nàng trở nên “bớt long lanh, bớt tự tin và nhìn chung là kém tuyệt vời đi” khi nàng đã bị chinh phục. Cái kết đó hoàn toàn có thể được đoán trước.

Charles, rốt cục anh là ai? Những suy nghĩ và hành động của anh hiếm khi là của riêng anh và không bao giờ xác thực. Chúng chỉ là những ảnh xạ từ những tác phẩm , từ những vĩ nhân văn chương thôi sao? Charles, anh chàng có vốn từ vựng tinh tế hơn cảm xúc, trải nghiệm đọc phong phú hơn trải nghiệm sống, có thể bước đi tự tin trên những đại lộ ngôn từ nhưng run rẩy trước đường đời. Sự chân thành, tình yêu là điều thiếu vắng, chỉ có những khiếu thẩm mỹ “quý phái” vay mượn mà thôi.

“Vậy là tôi mười chín tuổi và thường không biết mình đang làm gì, nhặt từ sách vở ra những suy nghĩ của mình, lấy từ mắt người khác ra cách nhìn của bản thân, cười nhạo một thế giới kém tử tế và kém thông minh hơn mình.”

Cuộc đời là một chuỗi nối bất ngờ, nếu anh cố tỏ ra khôn ngoan mà tước đi cái bất ngờ của nó thì mọi thứ còn lại chỉ là một thất vọng dài, những vụn mẩu rời rạc chán ngắt mà thôi.

Đọc “Hồ sơ Rachel” là một trải nghiệm thú vị. Charles là một nhân vật quá đỗi khó ưa. Mỗi khi độc giả muốn thứ tha cho Charles thì chàng ta phạm phải một điều cấm kỵ mới, chàng ta tiết lộ cảm xúc loạn luân đối với chị gái, làm vô số những điều bẩn bựa, tự tán dương mình vì khiếu thẩm mỹ và mức độ nhạy cảm hơn người. Charles là một thằng cha không thể chấp nhận được từ hành vi tình dục đến với tư cách là một con người theo đuổi trí tuệ và văn chương. Nhưng sau tất cả những điều ấy, có một điều gì đó đẹp vô cùng về tuổi trẻ, điều gì đó cuốn hút vô song trong những trang văn hài hước của Martin Amis.

“Hồ sơ Rachel” là một trường ca tự giễu, châm biếm đầy chua chát, có con mọt sách nào không thảng lúc giật mình mỉm cười khoái chí cơ chứ?

Sinh viên

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *