Tiếng triều dâng

“Chàng trai trẻ cảm nhận được bản thân mình đang hòa hợp trọn vẹn với thiên nhiên tươi đẹp xung quanh. Dường như, những nhịp hít thở sâu đã đưa một phần năng lượng vô hình kiến tạo nên thiên nhiên thẩm thấu vào cơ thể cậu. Tiếng sóng cậu nghe thấy là tiếng của những dòng thủy triều khổng lồ cuồn cuộn trong lòng biển hòa nhịp chảy với dòng máu trẻ trung đang dạt dào trong cơ thể thanh xuân. Trong cuộc sống hằng ngày Shinji chẳng mấy khi nghe nhạc, hẳn là bởi âm nhạc được thiên nhiên tấu lên đã làm thỏa lòng thưởng thức của cậu rồi.”

Nếu chỉ có thể tóm gọn áng văn này của Mishima trong một từ, mình chắc chắn đó sẽ là từ “đẹp”.

Nó đẹp trên từng câu chữ, trên bức tranh thiên nhiên vùng đảo Utajima và cuộc sống của những con người nơi đây. Tất cả quá đỗi thân thương và mộc mạc.

Nó đẹp trong những cảm xúc trong trẻo, thuần khiết nơi tình yêu của hai con người đang ở tuổi xuân rực rỡ.

Nó đẹp trong tiếng sóng vỗ, trong những rung động và dư vị đọng lại trong lòng chúng ta.

Gấp quyển sách lại, mình ngỡ như vẫn còn nghe được tiếng sóng vỗ ngoài biển khơi: lúc nhẹ nhàng, êm dịu, đôi lúc lại dữ dội và mạnh mẽ. Phải nói ngôn từ của Mishima hết sức tài tình – ông đã viết nên những dòng văn đẹp đẽ có sức mạnh nâng niu, xoa dịu trái tim độc giả vô cùng to lớn. Những câu văn trong vắt như mùi vị mặn nồng nơi biển cả, nhẹ nhàng như ngọn gió mát lành thổi từ biển xa, tất cả đều như phả vào tâm hồn người đọc nỗi rung cảm khó quên, những xúc cảm tuyệt vời, dịu dàng và bình dị. Biển cả dưới ngòi bút của Mishima tựa như một thiếu nữ đang đắm chìm trong những năm tháng hoa niên ngọt ngào nhất của cuộc đời. Nàng cất lên một khúc tình ca say đắm, nồng nhiệt, tràn trề sức sống và khát khao vươn đến cái đẹp vĩnh cửu.

“Tiếng Triều Dâng” cũng viết về tình yêu. Đó là một mối tình chân thành, trong sáng, thoảng một chút ngây nhưng cũng không kém phần nhiệt huyết và hoang dã, tựa hồ cũng như tiếng sóng vỗ rì rào ngoài kia vậy. Câu chuyện tình vừa mang màu sắc thần thoại và cổ tích, vừa thấm đẫm những xúc cảm đời thường. Và những con người khác trong áng văn này, không chỉ Shinji hay Hatsue, tất cả đều hiện lên với những vẻ đẹp chân thật nhất của chính mình. Những tình cảm thầm kín của họ được khắc họa vô cùng tinh tế: ai cũng có những nỗi niềm, những tâm sự riêng, nhưng một lòng luôn hướng về một ngày mai tươi sáng.

Dẫu là một câu chuyện đơn giản, nhưng “Tiếng Triều Dâng” vẫn có giá trị thời đại. Tác phẩm đã tái hiện lại một đơn sơ trong những năm tháng hậu chiến, nhưng Mishima đào sâu hơn vào những vẻ đẹp của thiên nhiên và con người thời đó. Đọc thêm về cuộc đời của tác giả, mình nghĩ ông còn muốn truyền tải thông điệp về sự tự do. Đó là tự do trong tâm hồn, trong tình yêu và cuộc sống. Tiếng sóng vang đi vang lại như muốn cất cao nỗi khát khao ấy. Dường như mình cũng cảm nhận được một sự tự do trong tinh thần sau khi đọc xong quyển sách: một cảm giác nhẹ nhàng, thanh thản và bình yên.

Vì chưa đọc các tác phẩm khác của Mishima như “Kim Các Tự” hay “Khao Khát Yêu Đương”, nên mình không thể nhận xét sâu hơn về ông. Đọc tác phẩm này mà mình không thôi liên tưởng đến cảm giác dễ chịu khi đọc văn của tác giả Nhật đương đại là Banana Yoshimoto (trong cuốn “Nắp Biển”). Văn Nhật luôn nhẹ nhàng và êm ả như thế nhỉ. Nhưng nếu các tác phẩm xứ Phù Tang khác thấm đượm nỗi buồn hay sự u ám, thì áng văn này của Mishima tươi sáng hơn, mang lại cảm giác yêu đời vô cùng sau khi thưởng thức.

”Nhiều người cho rằng trên đời không có gì là đẹp đẽ, thực ra những điều đẹp đẽ vẫn tồn tại một cách khiêm nhường và thật giản dị.”

– Trích Nắp Biển – Banana Yoshimoto.

®️ Le Ho Nam

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *