DÂN TỘC LẠC QUAN DŨNG MÃNH KHÔNG AI BẰNG: NGƯỜI ICELAND

DÂN TỘC LẠC QUAN DŨNG MÃNH KHÔNG AI BẰNG: NGƯỜI ICELAND

Iceland lẻ loi trôi nổi ở phía bắc Đại Tây Dương, cách xa lục địa châu Âu. Ban đầu trên đảo không có người ở, chỉ có chim biển ríu ra ríu rít. Vào thế kỷ 4 trước Công nguyên, một số thủy thủ lạc trên biển tình cờ trôi đến Iceland, nhờ đó người châu Âu mới biết nơi đây còn một vùng đất hoang chưa được khai phá.
Nhưng khí hậu ở vùng đất này rất khắc nghiệt. Vì nơi đây quá gần Bắc Cực, ngày rất ngắn, thiếu ánh sáng nên không thích hợp cho trồng trọt. Thời tiết cũng thay đổi thất thường, từ nắng chuyển sang râm rồi mưa gió bão bùng cũng chỉ vài tiếng đồng hồ. Thêm vào đó, trên đảo có rất nhiều núi lửa thi thoảng phun trào, lại có cả động đất kèm theo tuyết lở.
Vì vậy, sau khi được phát hiện, Iceland vẫn là mảnh đất hoang không người định cư, chỉ đôi khi phải đón vài nhà sư khổ tu đến thử thách giới hạn bản thân, nhưng đa số họ cũng không trụ được lâu. Tới tận năm 874 Iceland mới có tốp cư dân đầu tiên: một tội phạm Na Uy tên Ingólfr Arnarson đã dẫn gia đình trốn tới Iceland. Họ tận dụng bãi cỏ bên bờ biển nuôi bò và cừu, ngày thường ra biển đánh bắt cá. Gia tộc này nhờ vậy đã đứng vững qua nhiều đời. Sau đó Iceland cũng đón thêm nhiều dân di cư nữa, đa phần là tội phạm bị truy nã, như cướp biển tới từ Đan Mạch, Na Uy, và cả nô lệ bỏ trốn…
Trong vòng vài trăm năm, sinh sống trong điều kiện khắc nghiệt của Iceland, với động đất, tuyết lở, núi lửa phun trào, dân số vốn đã không nhiều còn giảm mạnh, có dạo mấp mé bờ vực diệt vong. Vì thế, họ phải cầu cứu các quốc gia láng giềng, hy vọng được viện trợ. Đầu tiên, Iceland thần phục trước Na Uy, sau này lại làm đàn em của Đan Mạch. Nhưng không ngờ, Đan Mạch là một con buôn đầy toan tính, không những không định chăm nom đám người Iceland hoang dã mà còn bán đồ cho họ với giá cao, vắt kiệt Iceland.
Đó là một vòng tuần hoàn của người Iceland: nuôi bò nuôi cừu gặp thiên tai, thiên tai qua lại tiếp tục nuôi; tích cóp được ít tiền bị gian thương lừa mất, lại tích cóp từ đầu. Họ sống trong trong cảnh nghèo đến đầu thế kỷ 20, khi tàu cá cơ khí với hiệu suất đánh bắt rất cao xuất hiện. Trước đây người Iceland chỉ sử dụng thuyền gỗ nhỏ ra khơi, mỗi lần bắt một ít cá. Nhờ có tàu cá lớn, họ đã được biết biển trước cửa nhà là nơi thích hợp cho cá sinh sôi, giăng lưới khơi khơi cũng đánh được mấy tấn cá.
Nhờ có sự đổi đời này, họ đã tự tin giành lại quyền tự trị từ tay Đan Mạch, tuyên bố độc lập, lập ra nước Cộng hòa Iceland. Nhưng từ đây họ lại phải đối phó với sự nhòm ngó của các hàng xóm đối với cá nhà mình.
Năm 1958, Iceland tuyên bố trong phạm vi 12 hải lý quanh Iceland không cho phép người nước ngoài tới đánh bắt cá. Đây cũng là mở màn của Cá tuyết giữa Anh và Iceland. Khi đó hải quân Anh mạnh thứ hai trên thế giới, có mấy trăm tàu chiến lớn nhỏ, còn Iceland với dân số chưa đầy ba trăm nghìn người còn không có hải quân, chỉ có vài tàu tuần tra của cảnh sát biển. Nhưng với dòng máu cướp biển của một dân tộc đã kinh qua đủ loại thiên tai, người Iceland không sợ gì.
Iceland phái hết tàu tuần tra ra biển, lắp súng thần công cho tàu đánh cá, bắt gặp tàu đánh cá Anh là bắn, nhưng cũng chỉ bắn xung quanh tàu đánh cá Anh, vì họ muốn cản trở việc đánh bắt cá. Họ còn phát minh ra dụng cụ đặc biệt cắt đứt lưới đánh cá, khiến tàu Anh không những không bắt được cá mà còn mất luôn cả lưới. Còn khi gặp tàu chiến của Anh, họ sẵn sàng đâm luôn vào, bởi thuyền nhỏ tồi tàn hẳn không đắt giá như tàu chiến Anh, chết chùm sẽ gây thiệt hại cho Anh hơn hẳn.
Khi chiến sự đang giằng co căng thẳng, đồng minh thân thiết của Anh là đột nhiên xen vào. Thời điểm đó, để tranh giành vị trí bá chủ thế giới với Liên Xô, Mỹ đi khắp toàn cầu thu nhận chư hầu, Iceland cũng là một trong số đó. Anh em tốt hục hặc với chư hầu quả là chuyện vô cùng mất mặt, vì vậy Mỹ đã đứng ra dàn xếp. Anh cũng đành ngậm ngùi rút lui.
Năm 1971, người Iceland lại tuyên bố trong khu vực 50 hải lý xung quanh Iceland không cho phép người nước ngoài tới đánh bắt cá. Bốn năm sau, họ mở rộng phạm vi lên 200 hải lý. Vì chuyện này, họ lại có Chiến tranh Cá tuyết với Anh thêm hai lần nữa, vẫn với bài cũ là cắt lưới đánh cá và đâm tàu. Kết quả cũng không có gì mới, dưới sức ép của Mỹ, Anh vẫn đành rút lui. Anh chuyển sang nói xấu cá tuyết mà họ từng tha thiết muốn đánh bắt ở vùng biển Iceland, khuyến khích người dân ăn những loài cá khác.
Iceland cũng đã chuyển mình, không chỉ đánh cá mà còn mở vài ngân hàng lớn, định kiếm tiền từ tài chính. Năm 2008, khủng hoảng toàn cầu nổ ra, các ngân hàng lớn của Iceland đều lần lượt phá sản. Đất nước Iceland cũng phá sản, nợ khoản vay gần 140 tỷ đô la Mỹ, tính bình quân mỗi người dân nợ 370 nghìn đô la Mỹ.
Dù cho đến tận bây giờ, Iceland vẫn chưa hoàn toàn phục hồi sau cú sốc đó, kinh tế vẫn không khởi sắc lắm, nhưng theo điều tra năm 2015 của Liên Hiệp Quốc, Iceland lại là một trong những quốc gia hạnh phúc nhất trên thế giới. Một dân tộc đã từng trải qua đủ loại thiên tai kinh khủng mà không hề chùn bước không có lý nào lại bị một chút khó khăn kinh tế đánh bại.
📖 Bạn có thể tìm đọc câu chuyện thú vị của Iceland, cũng như câu chuyện của nhiều quốc gia khác, cùng tranh minh họa hài hước dễ thương trong cuốn sách TIỂU SỬ CÁC QUỐC GIA QUA GÓC NHÌN LẦY LỘI.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *