REVIEW “AI HÁT GIỮA RỪNG KHUYA” (TchyA) – Gương mặt lạ trong “Việt Nam danh tác”

REVIEW “AI HÁT GIỮA RỪNG KHUYA” (TchyA) – Gương mặt lạ trong “Việt Nam danh tác”

Bằng một cốt truyện hấp dẫn, lối cấu tứ lớp lang, kết cấu các chương khéo léo, phần đuôi của câu chuyện trước là khởi đầu cho một câu chuyện ly kỳ khác ở chương sau, đến với “Ai hát giữa rừng khuya”, TchyA dẫn dắt độc giả vào một thế giới lạ lẫm, có phần rợn người, dù trí não có nghĩ là hư cấu thì hormone adrenaline vẫn chạy rần rật trong cơ thể khiến người đọc bất giác bị cuốn hút vào từng tình tiết.

Giải mã TchyA

TchyA (nhiều người đọc là Tê-Chi-A, nhà văn Vũ Bằng gọi thân thương là Tẩy Xìa) tên thật là Đái Tuấn, là một nhà văn, nhà . Ông bắt đầu sự nghiệp văn chương từ năm 1935 và từng giảng dạy tại trường Quốc Học Huế.

Thời Đái Đức Tuấn làm tham tá Nha học chính Đông Dương, ông có say mê một nhân Hà thành tên Bích Ngọc – cô nàng mang nét đẹp Tây phương nên tự gọi mình là Angèle. Cũng từ nguyên do đó mà chàng trai tài hoa phong lưu đã chọn bút hiệu là “Tuấn chỉ yêu Angèle”, viết gọn thành TchyA như bây giờ. Cái tên này từng tạo nên một trào lưu đặt tên phá cách lúc bấy giờ, có họa sỹ Trần Quang Trân lấy bút hiệu Ngym – “Người yêu mình”, Vũ Trọng Phụng cũng gọi một nhân vật trong tác phẩm “Số đỏ” của mình là Typn – “Tôi yêu phụ nữ”…

TchyA từng rất nổi danh bởi những vần thơ được gọt dũa điêu luyện, đầy thanh tao ý tứ, mang hơi hướng thơ Đường, và đặc biệt là tác giả của rất nhiều truyện truyền kỳ – kinh dị chịu ảnh hưởng phong cách liêu trai. Ông là một trong số không nhiều những nhà văn trước năm 1945 chuyên viết về thể loại văn chương này, được xem là “cha đẻ” của ma trành và thần hổ – những nhân vật tưởng như hoang đường kỳ dị mà rất đời, ám ảnh hàng chục thế hệ độc giả bấy lâu nay… “Ai hát giữa rừng khuya” là một tiểu thuyết kinh dị nổi bật của ông.

Thực hư chuyện ma, chuyện thần trong “Ai hát giữa rừng khuya”

Tác phẩm xuất bản năm 1942, mặc dù đã từng bị mang tiếng là “truyện đường rừng” ba xu, nhưng theo dòng thời gian “Ai hát giữa rừng khuya” đã khẳng định giá trị nghệ thuật của mình, được Nhà phát hành và Nhà xuất bản cùng biên soạn và tái bản trong bộ sách “Việt Nam danh tác” – gồm những cuốn sách vang bóng một thời.

Có lẽ đại đa số mọi người ngày nay đều theo chủ nghĩa duy vật và ý thức hệ thời đại mới, nên sẽ không tin chuyện ma, chuyện thần. Tác giả cũng đã từng vậy. Bởi ngay khi mở đầu câu chuyện ông đã cho hay, nhờ các nhà nghiên cứu ra mà con người mới biết được những hiện tượng tự nhiên như mùi khen khét sau mưa bão là kết quả của các luồng điện nhấp nhoáng trong không gian. Nếu không được khoa học chứng minh, nhiều người sẽ coi đó là chuyện hoang đường, vì hiện tượng tự nhiên ấy vô hình vô dạng, con người chỉ có thể cảm nhận chứ không thể nhìn thấy.

TchyA kết luận rằng, “Hoang đường là tất cả mọi sự mà loài người chưa tìm ra cội rễ, căn nguyên vậy.” Nguyên nhân con người đọc hay nghe kể chuyện ma, vì tin cái chuyện hoang đường ấy thì ít mà vì dõi theo tính hấp dẫn để giải trí thì nhiều.

Đến cả tác giả của “Liêu Trai chí dị” là Bồ Tùng Linh (Trung Quốc) cũng mở đầu tập truyện kinh dị bất hủ này bằng bốn câu thơ rất thẳng thắn:

“Nói láo” mà chơi, nghe láo chơi

Dàn dưa lún phún hạt mưa rơi

Chuyện đời đã chán không buồn nhắc

Thơ thẩn nghe ma kể mấy lời.

Nghĩa là họ Bồ tự nhận rằng những gì ông viết chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng mà thôi.

Ấy vậy mà TchyA lại khác, nhà văn viết trong lời giới thiệu sách rằng: “Tôi có lẽ còn được nhiều hạnh phúc hơn Bồ tiên sinh là tôi đã được thấy tận mắt ma hiện hình giữa ban ngày, trong thời đại bây giờ, lại ở một nơi không cách xa đô thành phồn nhiệt mấy. Ðó thực là một sự lạ, và, cũng vì sự lạ đó, tôi mới chép nên câu chuyện này…”

Chuyện đời nàng Oanh Cơ

“Ai hát giữa rừng khuya” kể về kiếp hồng nhan bạc phận của nàng Oanh Cơ. Sinh thời mồ côi cha mẹ, nàng sống cùng với anh trai cả Văn Quản và chị gái Huyền Cơ. Hai chị em đều là mỹ nhân, được trời ban cho dung nhan kiều diễm, có thể sánh ngang với Thúy Vân, Thúy Kiều năm xưa của cụ Nguyễn Du.

Huyền Cơ thương em nên cái gì cũng nhường nhịn, dành cho em hết, trong lòng không so đo ghen tị. Cô em út Oanh Cơ ngày càng xinh đẹp và tài năng, tiếng thơm bay khắp vùng. Thế nhưng kiếp đào đơn, đào kéo cũng không thể giúp ba anh em thoát khỏi cơn túng quẫn. Họ quyết định vượt chốn rừng thiêng nước độc để tìm cơ hội đổi đời. Định mệnh nghiệt ngã đã khiến ba người gặp cảnh chia ly, từ đấy để lại một tiếng đàn hát khóc than ai oán trong rừng.

kỳ lạ này đã đến tai tác giả TchyA trong một chuyến du ngoạn về thăm bạn làm thầu khoán ở hạt Đồng Giao, Ninh Bình. Vào một đêm đang lãng đãng với khói sương của nàng tiên nâu, nhà văn đã nghe được tiếng đàn hát huyền diệu vẳng từ rừng ra… Câu chuyện về nàng đào kép Oanh Cơ được hé mở.

Cũng phải kể rằng trước đó vài năm, khi tới thăm nhà bạn ở Nam Định, lần đầu tiên tác giả có dịp chứng kiến cái sự vốn tưởng là “hoang đường” ấy – tác giả đã nhìn thấy ma! Đó là một sự hiếm gặp với khách lạ, nhưng lại là chuyện thường của người dân Núi Gôi sau mỗi lần mưa xuống nắng lên: màn tỉ võ của hai hồn ma, điều đặc sắc ở đây là hai hồn ma ấy không có đầu!

Sau khi ngỡ ngàng vì được chứng kiến sự lạ, tác giả hết sức tò mò về cuộc đời lúc còn dương gian và cớ sự tồn tại của hai oan hồn trên, song cố gắng mãi mà chưa tìm được dấu tích gì rõ ràng trong sử sách hoặc dân gian. Nay lại thêm cái duyên khi nghe được tiếng hát vọng về từ rừng khuya xa vắng mà không phải ai cũng có thể nghe, tác giả liên kết những sự kiện, nghe người kể lại và tìm kiếm sử liệu… cuối cùng ông đã vén lên bức màn bí mật đau thương và bất hạnh của Oanh Cơ.

Nghe ma hát ngẫm nhân sinh

Tiểu thuyết “Ai hát giữa rừng khuya” tuy ảnh hưởng mạnh bởi phong cách liêu trai nhưng mức kinh dị, giật gân chỉ ở dừng lại vừa đủ, thay vào đó người đọc xót xa, tiếc thương cho những kiếp người dưới thời Pháp thuộc.

Ma trành và thần hổ có thật hay không là tùy vào đức tin của mỗi người. Nhưng bối cảnh trong truyện là có thật. Sáu mươi mốt năm Việt Nam ta chịu sự đô hộ của Pháp là có thật. Mất chủ quyền, Việt Nam bị chia cắt thành 3 xứ riêng biệt với 3 cơ cấu hành chính riêng: xứ thuộc địa Nam Kỳ và hai xứ bảo hộ Bắc và Trung Kỳ. Hạt Đồng Giao – nơi xảy ra câu chuyện – nằm ở đèo Tam Điệp, miền giáp giới Bắc, Trung Kỳ.

Bối cảnh của “Ai hát giữa rừng khuya” là khoảng thời gian Pháp mới dựng “nền bảo hộ” ở Việt Nam, người dân sống theo các tục lệ cổ hủ; đường sá thuở ấy chưa được mở mang rộng rãi; trong nước đang thời loạn lạc, cướp bóc tứ tung, các tay anh hùng lục lâm hoành hành khắp chốn mà nền trị an thì chưa lấy gì được vững vàng, lại thêm những tên quan lại bán nước khinh dân… Đấy cũng là một phần trong những nguồn cơn cớ sự gây nên số phận bi đát của Oanh Cơ.

TchyA khéo léo lồng ghép vào truyện lịch sử thời đại và nhân sinh thời đại. Phật Pháp có câu “Bồ tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả” – hàm ý thế gian đều có nhân quả. Nhân quả lại do tâm tạo, tâm khởi một niệm thiện thì có thiện quả, tâm khởi một niệm ác chiêu cảm ác quả. Đây cũng là một trong những chủ đề được thể hiện trong tiểu thuyết: Luật nhân quả trong mối quan hệ giữa người với người và giữa người với thiên nhiên.

Đóng góp của TchyA – một giọng văn “dài dòng, cổ lỗ”

Nhà văn, nhà nghiên cứu và văn học dân gian Việt Nam – Vũ Ngọc Phan đã có nhận xét khá thẳng thắn như vậy về văn chương của TchyA.

Kỳ thật thì, chính tính chất dài dòng ấy là kết quả của khả năng quan sát bậc thầy cùng kinh nghiệm đa dạng, kiến thức phong phú mà chỉ có những kẻ đi rừng lâu năm, phiêu bạt chân trời góc bể mới tích lũy được. Ví dụ như khi ông miêu tả về vùng đất Đồng Giao. Mọi người có lẽ đã nghe câu “chốn rừng thiêng nước độc” rất nhiều, nhưng hẳn là chưa ai cắt nghĩa được rõ ràng như TchyA.

Ông giải thích theo cả góc độ tâm linh lẫn khoa học bằng những lập luận chắc chắn: “Sở dĩ nước độc, tại vì bốn chung quanh hạt toàn là rừng rú, ngàn nội, truông sậy hãi lau; những cây lá mục nát từ thuở xưa còn chồng chất cả trên mặt đất, trong lòng suối, khiến nước xanh lè như màu rêu, hoặc đục váng lên như nước ao tù. Gia dĩ trong rừng, bóng mặt trời không lọt vào được, lá cây cổ thụ rườm rà che lấp hẳn ánh nắng, hóa nên sự ám chướng thiên niên vạn đại cũng chưa tiêu. Lá cây, khi rụng xuống, xếp lên thành khối, lâu ngày mục dần biến ra một tảng đất đen hôi thối, có khi rơi vào nước, hoặc ngấm vào mạch nước, đầu độc cả các suối, các ngòi.”

Xuất thân trong một gia đình quan lại, tốt nghiệp tú tài toàn phần, lại có niềm đam mê với Hán học nên giọng văn của TchyA rất uyển chuyển, sử dụng linh hoạt nhiều tính từ tạo nên một hình thái phong phú, thoải mái gợi hình, gợi cảm đầy thi thú. Vốn từ hán cổ được sử dụng nhiều, lạ lẫm gây được chú ý với độc giả. Vậy nên, “Ai hát giữa rừng khuya” có thể sẽ gây chán đối với những ai chú tâm nội dung và ghét sự rườm rà, nhưng chắc chắn sẽ là một kho tàng quý báu đối với sinh viên khoa văn hay thành phần mọt sách muốn bổ sung vốn từ vô hạn.

Chính cách hành văn sinh động ấy đã lột tả được vẻ đẹp của Oanh Cơ mà có lẽ có thể khiến tứ đại mỹ nhân Trung Hoa cũng phải ghen tị vì bị lu mờ: “Oanh Cơ là công trình tuyệt mỹ, tuyệt xảo của Hóa công, gồm cả thanh âm lẫn nhan sắc. Nàng đẹp, một vẻ đẹp oái oăm, huyền bí, oanh liệt, lại dịu dàng, tựa hồ đấng Thiêng liêng đem hết bao nhiêu tinh túy của non sông cây cỏ mà chung đúc vào nhan sắc ấy.”

Độc giả bắt gặp trong “Ai khóc giữa rừng khuya” những ma quái, những quỷ thần như đã gặp trong “Liêu Trai chí dị” hay “Truyền kỳ mạn lục”. Nhưng cái khác biệt là truyện truyền kỳ của TchyA vừa mang màu sắc truyền thống phương Đông lại vừa có hơi hướm kinh dị phương Tây.

Xã hội ma và xã hội người trong tiểu thuyết của TchyA chỉ là một, bởi vậy mà ý nghĩa hiện thực của tiểu thuyết TchyA được ghi nhận là một đóng góp. Ma thần muốn hại người nên người muốn tiêu diệt ma thần; có lúc ma lại giao tiếp với người nhưng lại bất lực trước sức sống của người, nên phải chấp nhận hòa hoãn chung sống. Ngòi bút TchyA viện vào nhận thức khoa học để lý giải chuyện ma chuyện thần. Ấy là chỗ khác biệt của ông với Bồ Tùng Linh và Nguyễn Dữ.

Có thể nói rằng, dù không sánh được với kho tàng khổng lồ về văn học truyền kỳ kinh dị của Trung Quốc, nhưng Việt Nam cũng một dòng văn học truyền kỳ, mà TchyA là người góp công đáng kể trong việc gầy dựng và phát triển thể loại này.

Review của độc giả Duyên – Nhã Nam reading club

Bạn có thể tìm mua sách tại:

TÊN SÁCH NHÃ NAM TIKI
Ai hát giữa rừng khuya http://bit.ly/aihatgiuarungkhuyaNhaNam http://bit.ly/aihatgiuarungkhuyaTK

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *