Hầu hết các vụ ly dị không ảnh hưởng gì nhiều đến ai trừ vợ chồng con cái và nội ngoại hai bên, người ta chỉ hóng cho vui, từ Bill Gates cho đến các kiểu shark. Nhưng nếu là thần dân Anh dưới thời vua Henry VIII, khó lòng mà nghĩ như vậy. Vụ ly dị của ông này đã gây nên một cơn địa chấn, thay đổi toàn bộ lịch sử nước Anh. Có khi là vụ ly dị phải trả giá lớn nhất, từ trước đến nay tôi chưa thấy một người đàn ông nào sẵn sàng làm đến nước này để bỏ người vợ mà ông ta đã chán đến tận cổ.
Vụ ly dị rầm rộ và phức tạp này được Hilary Mantel kể lại rất kỹ lưỡng và cuốn hút trong bộ tiểu thuyết lịch sử ẵm 2 giải Man Booker, phần 1 là “Lâu đài sói”, ế như ai cũng đã biết, và phần 2 sắp phát hành, tên là “Đến đoạn đầu đài”. Thời Henry VIII mà có fb thì ông ta chắc còn phải trải qua nhiều bão táp dư luận hơn thế.
Vua Henry VIII và vợ, hoàng hậu Katherine, kể ra cũng có một khởi đầu đẹp. Hai người gặp nhau lần đầu khi chàng mới 10 tuổi, còn nàng 16, mái tóc đỏ xòa xuống vai trong một điệu vũ Tây Ban Nha. Cậu bé ngây ngất, nhưng cô gái này vốn dĩ được cưới về làm vợ anh trai chàng, hoàng tử Arthur. Tóm lại, nàng là chị dâu chàng.
Rồi anh trai chàng chết. Cuối cùng chàng cũng lên ngôi và cưới được nàng. Khi ấy chàng 18, nàng 24. Muộn phiền đã nhuốm vẻ tàn tạ lên nhan sắc nàng, nhưng trong mắt chàng, nàng vẫn đẹp. Vì có lẽ chàng yêu cái ý niệm về nàng nhiều hơn là chính nàng trong hiện thực.
Ái chà, tình yêu thật là hay.
Nhưng năm tháng đắng cay hơn, năm tháng ngọt ngào hơn. Mộng đẹp nào mà không tan. Sau 20 năm chung sống, Henry đã bước vào tuổi trung niên. Và có một điều này: vua khao khát một đứa con trai để củng cố vương quyền. Ngài không tin vào năng lực lãnh đạo của con gái.
Éo le thay. Katherine không đẻ được con trai.
Mà lúc này Henry, thất vọng vì đường sinh đẻ của vợ, lại đem lòng mê một cô, tên là Anne Boleyn.
Là một phụ nữ tham vọng, sắc sảo và tinh ranh, Anne đi những bước đầu trong nghệ thuật thao túng: nàng tuyên bố không chấp nhận vai trò nhân tình nhân ngãi. Nếu Henry muốn có được nàng, ngài phải ly dị vợ đi hẵng. Anne thúc giục, rồi thúc giục.
Nhưng muốn ly dị vợ, Henry phải được giáo hội Công giáo Roma chấp thuận. Mà giáo hoàng lại không.
Không chỉ giáo hoàng, cả châu Âu gần như đều ủng hộ Katherine, người vợ đáng thương chẳng gây nên tội tình gì ngoài việc không đẻ được một thằng cu. Các phụ nữ cùng cảnh ngộ lại càng ủng hộ nàng. Trong phiên tòa ly dị, nàng khóc lóc thảm thiết. Dư luận càng sục sôi căm phẫn, đừng hòng mà ly dị!
Nhưng Henry rất quyết tâm. Mà Anne còn quyết tâm hơn nữa. Ngôi vị hoàng hậu sắp về tay đến nơi, cố một tí nữa thôi!
Vua Henry đã đi đến một quyết định long trời lở đất. Giáo hội không cho ly dị, vậy phải làm sao để không cần sự phê chuẩn của họ nữa. Ông tách giáo hội Anh ra khỏi sự ảnh hưởng của giáo hội Roma, bằng mọi giá. Để từ nay thỏa thích lấy ai thì lấy, bỏ ai thì bỏ, khỏi cần xin phép. Dân chúng, quần thần, ai phản đối: chém hết.
Nước Anh rẽ một cú ngoặt lịch sử. Kinh khủng làm sao nếu ta đặt mình ở vị trí của Katherine lúc đó. Đúng là tình đời khi trắng khi đen, cười vui mới đó nhưng giờ tưởng chẳng hề quen. Còn gì để tặng nhau một khi lá đã đổi màu, tình nghĩa mai đem về trong lòng huyệt sâu.
Trong vụ ly dị này, nổi bật lên vai trò lịch sử của một nhân vật. Thomas Cromwell, cố vấn đắc lực giúp vua hiện thực hóa giấc mơ bỏ vợ, cưới bồ, và đưa chính mình từ con trai của một thợ rèn bước lên đỉnh cao quyền lực, như lời Henry nói: “Ta đã đưa ngươi tới một địa vị mà ở vương quốc này không một ai thuộc dòng dõi như của ngươi từng nắm giữ. Ta giữ ngươi, vì ngươi xảo quyệt như cả một bao đầy rắn.”
Bộ tiểu thuyết này, như chính Hilary Mantel nói, thực ra lấy trung tâm là Thomas Cromwell hơn là vua Henry hay Anne. Và bà cũng tự nhận đây không nên được coi là phiên bản chính xác về lịch sử, bà chỉ đưa ra “một phương án, một góc nhìn”. Một tiểu thuyết lịch sử chắc chắn không thể làm hài lòng tất cả, đâu đó sẽ có những chi tiết mà người đọc nhận ra không giống những gì họ biết, nhưng nếu đọc nó như một cách lý giải của riêng tác giả mà thôi, thì tôi cho đây là một cách lý giải rất thuyết phục.
Có thể nói đây là bộ tiểu thuyết lịch sử công phu và hấp dẫn nhất tôi từng đọc, hay từ trang đầu đến trang cuối. Cách xây dựng và kể lại câu chuyện về cuộc đời các nhân vật từ chính đến phụ đều rất lôi cuốn. Không có một nhân vật quan trọng nào mà lại bị mô tả hời hợt, mỗi người đều nổi bần bật trên tấm phông lịch sử mà hầu hết họ là kẻ được lợi, rồi trở thành nạn nhân. Ta có thể gặp Thomas More, tác giả “Utopia” (bản tiếng Việt do Trịnh Lữ dịch) và hiểu phần nào những ưu thời mẫn thế đã khiến ông viết ra cuốn sách tắm trong ước vọng ngây thơ mà đẹp đẽ đó. Ông cũng đã phải chịu nạn vì vụ ly dị này.
Kết thúc phần 1, Anne lên ngôi hậu, đẻ con, Henry bắt đầu thanh trừng các thành phần chống đối, còn phần 2 sắp ra tên là “Đến đoạn đầu đài” là giai đoạn bà Anne này thất sủng. Nói chung rất thảm, đời Anne thảm hơn Katherine nhiều, mặc dù Anne không sống phút nào mà không toan tính lợi mình hại người. Có những đoạn Anne được mô tả như một dì ghẻ điển hình, ấy là khi cô cố khoét sâu sự chia rẽ giữa Henry và Mary – con gái vua với vợ cũ. “Đem nó về đây, bắt nó xin lỗi vì thái độ hỗn láo, nó phải từ bỏ quyền thừa kế và công nhận con ta là người thừa kế hợp pháp duy nhất.” Rất chi ghê gớm.
Mary sau này trở thành “Bloody Mary” (Mary khát máu), tàn bạo vô cùng, nhà nhà oán ghét, nhưng nghĩ cũng tội. Lớn lên như vậy trong lòng bình yên sao nổi. Còn Anne khôn ngoan cũng không lại được với trời, mà thực ra là không lại được với Henry.
Và cay đắng nhất là, cho đến khi bị chính chồng mình xử tử, Anne cũng không đẻ được con trai. Còn Henry sau cùng lấy đến 6 người vợ.
Review của độc giả La Thu – Nhã Nam reading club
Bạn có thể tìm mua sách tại:
TÊN SÁCH | NHÃ NAM | TIKI |
Lâu đài sói | http://bit.ly/laudaisoiNhaNam | http://bit.ly/laudaisoiTK |