Những con người nhỏ bé không dám sống cho riêng mình và dành cả cuộc đời cho lý tưởng, phẩm cách. Để rồi tới cuối cùng, họ còn lại gì?
Có lẽ, không tác phẩm nào của Ishiguro minh họa về hình tượng bề mặt ảo tưởng che đậy hố sâu bằng tiểu thuyết giành giải Booker năm 1989 Tàn ngày để lại.
Có lẽ, không tác phẩm nào của Ishiguro minh họa về hình tượng bề mặt ảo tưởng che đậy hố sâu bằng tiểu thuyết giành giải Booker năm 1989 Tàn ngày để lại. Với kỹ thuật bậc thầy, Ishiguro bày ra trước mắt người đọc cuộc đời của một quản gia Anh, sau ba thập kỷ cúc cung tận tụy, vào lúc cuối ngày nắng tắt, chợt nhận ra: tất cả có thể chỉ là ảo tưởng.
Câu chuyện trong Tàn ngày để lại bắt đầu vào khoảng tháng 7/1956 tại dinh Darlington, gần Oxford, Anh. Nhân vật chính là người quản gia Stevens ngoài sáu mươi, dưới sự gợi ý của ông chủ mới người Mỹ, đã quyết định làm một hành trình đi về miền Tây để tìm người nội quản cũ, nhằm mời cô quay lại làm việc nơi cô đã rời đi 20 năm trước. Thời gian của câu chuyện thực tế chỉ diễn ra trong vòng sáu ngày. Nhưng dưới cái bề mặt êm ả của cảnh đẹp miền Tây nước Anh, những cuộc gặp gỡ với người dân trên đường đi, là một chuỗi ký ức lần lượt bung ra của những năm 1920 tới tận sau Thế chiến thế 2: những tháng ngày khi ông cùng chủ cũ là huân tước Darlington còn trên đỉnh vinh quang, tới khi gần như suy tàn.
Ông kính ngưỡng những mẫu hình quản gia của các gia đình bề thế khác, và luôn coi mình cũng đứng vào hàng ngũ những con người xuất sắc ấy, nhờ thi triển một cách chuyên nghiệp hai đặc điểm mà người sáng tạo ra ông đã nhắc đến trong cuộc phỏng vấn với tờ Paris Review. Người quản gia Anh là ẩn dụ của hai điều: một là sự lãnh đạm về mặt cảm xúc – họ phải “cực kỳ kín đáo và dè dặt, không được bộc lộ phản ứng cá nhân với bất kỳ chuyện gì xảy ra chung quanh mình”. Thứ hai, họ là biểu tượng cho loại người để người khác quyết định những quyết định chính trị lớn lao. Cái thế ẩn dụ nước đôi này, ngay trong nó đã tiềm tàng những nguy cơ, sẽ được Ishiguro khai thác vô cùng khéo léo qua cuộc đời của Stevens. Ở Tàn ngày để lại, Ishiguro dựng lên hai lớp mâu thuẫn giằng co chỉ chực xé toạc và vạch mặt nhau. Lớp thứ nhất ở ngay trong con người quản gia Stevens: giữa một bên là bổn phận, phẩm giá và một bên là cảm xúc thực sự bị đè nén thật kỹ càng một cách đầy khắc kỷ.
Phần lớn thời gian, độc giả sẽ nhận thấy cái mặt nạ phẩm cách luôn ngự trị và chiến thắng, nhưng cũng có những phút le lói nhất định. Khi những cảm xúc cá nhân có dịp được trỗi dậy, ta nhìn thấy một một thế giới đầy những tiếc nuối chua chát. Lớp mâu thuẫn thứ hai diễn ra ngay trong dòng tự sự: đấy là sự giằng co giữa sự thật xảy ra và sự thật theo các diễn giải của Stevens. Toàn bộ câu chuyện của Tàn ngày để lại chính vì thế cần phải được soi rọi dưới một góc độ mới: Đây là câu chuyện của một người kể chuyện bất khả tín, và có không ít những chối cãi, biện minh, chống chế, nhầm lẫn, đến từ phía người kể chuyện. Cái tình thế cặp đôi còn được duy trì ở hai nhân vật mà về cơ bản như soi gương cho nhau: hai con người mù quáng răm rắp đi theo lý tưởng. Đó là huân tước Darlington, một nhà quý tộc Anh điển hình, giàu thiện ý, quý tin vào cái lý tưởng “người quân tử”, để rồi vô tình biến mình thành con rối, tay sai của Phát xít; và người hầu của ông là quản gia Stevens, người đã tin và an tâm rằng mình đang đi theo chính nghĩa mà phụng sự nhân loại. Câu chuyện kết thúc dư vị bi đát. Đúng như Salman Rushdie đã nhận xét, đây là câu chuyện đời của một người đàn ông “bị tiêu hủy bởi những lý tưởng mà dựa vào đó ông dựng xây cả đời mình”.
Khi kể lại chuyện mình đã viết Tàn ngày để lại như thế nào, Ishiguro nhắc đến một bài hát về người lính lên tàu ra đi giã biệt người tình. Độc giả dễ dàng nhận thấy một sự tương đồng giữa “cái vẻ khắc kỷ cứng rắn kiểu đàn ông đã giữ cả một đời nay vụn vỡ trước một nỗi buồn mênh mang” của người lính và nhân vật Stevens. Chính nhờ bài hát, Ishiguro quyết định cả câu chuyện sẽ là một hành trình bịt kín mọi cảm xúc của Stevens, cho tới khi, “lá chắn thép của ông ta sẽ rạn, và một tâm hồn lãng mạn mà bi kịch trước giờ giấu kín sẽ chớp mắt lộ ra”.