Tàn Tuyết là nhà văn Trung Quốc đương đại được dịch sang tiếng nước ngoài nhiều bậc nhất những năm gần đây. Văn chương Tàn Tuyết rất khó tiếp cận, ngay cả khi số tác phẩm dịch của bà ngày càng tăng lên. Bởi những tính từ hùng hổ thường được gắn theo tên bà như “thể nghiệm”, “tiên phong”, “tiềm thức”… hay bởi chính bà từng “dọa” rằng, độc giả muốn đọc văn Tàn Tuyết cần “giắt túi” kha khá trải nghiệm đọc văn học chủ nghĩa hiện đại và tự thân họ cũng cần sáng tạo trong quá trình đọc. Đứng trước tác phẩm của Tàn Tuyết, người đọc dẫu ít nhiều tự tin với vốn đọc của mình cũng không khỏi bối rối và dễ dàng chùn bước.
Điều này là vô cùng đáng tiếc, bởi cái tên Tàn Tuyết liên tục lọt vào danh sách cá cược cho giải Nobel Văn học và các tác phẩm của bà cũng thường xuyên góp mặt ở các giải thưởng văn học danh giá thế giới . Muốn giải mã văn chương Tàn Tuyết ta chỉ có cách duy nhất là tìm đọc bà nhiều nhất có thể.
Bìa cuốn tiểu thuyết Những chuyện tình thế kỷ mới.
Những chuyện tình thế kỷ mới là cuốn cuối cùng trong “xê-ri” (như tác giả gọi) ba tác phẩm ngầm kết nối với nhau, khởi đầu bằng Phố Ngũ Hương và kế tiếp là Người tình cuối cùng (tạm dịch), nhưng lại được chuyển ngữ sang tiếng Việt trước nhất. Điều này vừa đem tới lợi thế đồng thời cũng vừa thách thức độc giả. Bởi trong một phỏng vấn, Tàn Tuyết có nói, Những chuyện tình thế kỷ mới sẽ đưa ra câu trả lời cho những băn khoăn của độc giả ở hai tác phẩm trước.
Vậy là với người chân ướt chân ráo đọc ngay Những chuyên tình thế kỷ mới, họ vô tình có chìa khóa cho những khúc mắc mình chưa từng biết tới và cứ thế dấn bước trong vị thế của người mò mẫm tìm câu trả lời mình đã sẵn trong tay. Họ không khỏi thấy mình giống Thúy Lan, nhân vật mở ra chuỗi truyện biến ảo không ngừng, “không biết liệu có con đường nào dưới chân mình không” và có lẽ cũng như Thúy Lan, sau một hồi quờ quạng, họ “cũng chẳng buồn nghĩ đến điều ấy nữa”.
Những chuyện tình thế kỷ mới dẫn dụ người đọc vào miền thăm thẳm của tình yêu – vùng đất tưởng chừng đã bị cày ải, xói mòn đến bạc màu, cằn cỗi – qua vô vàn lối đi lắt léo và diệu ảo.
Truyện mở đầu hoàn toàn không chút đáng ngờ hay bất ổn bằng chuỗi sinh hoạt đời thường của quả phụ Ngưu Thúy Lan và những khúc mắc trong đời sống tình cảm của cô với người tình mang tên Vi Bá. Nhưng chỉ vừa kịp bắt nhịp với chuyện tình Thúy Lan – Vi Bá, người đọc ngay lập tức bị phân thân vào những chiều không gian và thời gian liên tục vừa giãn nở vừa chia năm xẻ bảy, cùng dàn nhân vật không ngừng đột ngột xuất hiện, thình lình biến mất.
Từ nhà Thúy Lan, ta được dẫn tới khách sạn suối nước nóng kiêm khách sạn tình yêu, gặp gỡ những cô gái từ bỏ cuộc sống vất vả và đơn điệu đến thê lương ở nhà máy dệt để tới đây làm gái, ôm khát vọng theo đuổi tình yêu đích thực xứng đáng với họ, như Long Tư Hương, Kim Châu, A Ti cùng những mối tình của họ. Cứ thế, “những chuyện tình” miên man trải dài, phân tán, đan xen suốt mười một chương truyện thành một mê cung vô tận.
Việc cố đóng khung hay định hình một cốt truyện rạch ròi và tuyến tính ở tiểu thuyết Tàn Tuyết, ngay cả khi tiểu thuyết đó viết về một đề tài quá đỗi quen thuộc như tình yêu, là không tưởng. Ngay từ cấu trúc mười một chương, mỗi chương bắt đầu bằng một nhân vật – nhưng hoàn toàn không có gì đảm bảo rằng chương đó sẽ được kể qua điểm nhìn của nhân vật đó hay xoay quanh mỗi nhân vật đó – người đọc đã nên chuẩn bị tinh thần bước lên một con tàu siêu thực, mỗi toa tàu mở ra một không gian vô cùng vô tận, chưa kể đến trùng trùng cảnh vật không một lần lặp lại lướt qua cửa sổ mỗi toa. Không rõ điểm xuất phát, đích đến lại càng quá đỗi mơ hồ, một khi đã đặt chân lên tàu ta chỉ còn cố mở to mắt mà tiếp tục hành trình con tàu đang sầm sập lao vào.
Trong khi cố tìm lớp lang những tình tiết (với hy vọng chúng) được xếp đặt đủ mạch lạc hòng tăng kịch tính và đẩy cao trào, ta không ngừng vấp phải những cuộc gặp gỡ tình cờ định mệnh trên tàu, trên máy bay, trên taxi, ngoài đường phố, thậm chí ngay trong chính không gian riêng tư của các nhân vật, hay va vào những cuộc chạm trán hoang đường với đàn lợn điên dưới địa ngục, với những bóng hình không rõ người, ma.
Giữa lúc cố kiếm một đầu mối để lần theo, một sợi dây để kết nối những con người thoắt ẩn thoắt hiện và mối quan hệ chằng chịt họ giăng ra che mắt ta bước tiếp, ta hốt hoảng vỡ lẽ việc gò ép vũ trụ hoang đường này vào cái khung “có lý” chặt chẽ với những cấu trúc quan hệ khuôn mẫu của hiện thực mới là điều thực hoang đường hơn cả.
Văn chương Tàn Tuyết có thể khó đọc nhưng không thách thức như nhiều người lầm tưởng. Trước hết là bởi lớp văn chương bề mặt của bà không hề khó tiếp cận. Nó không trùng điệp những tường thành chữ nghĩa, những câu phức xoắn bện. Câu chữ Tàn Tuyết đơn giản, ngắn gọn và bất chấp việc thiếu vắng một cốt truyện kịch tính truyền thống, vẫn lôi cuốn một cách kỳ lạ với khả năng vẽ nên những cảnh trí nên thơ dị thường. Sau nữa, Tàn Tuyết viết từ một lòng yêu cuộc sống sâu sắc:“Chính cuộc sống trần tục đã nuôi sống các buổi biểu diễn của tôi, và đồng thời, chính việc biểu diễn đã mang lại ý nghĩa cho cuộc sống thế tục của tôi.”
Bên cạnh tinh thần nữ quyền, Tàn Tuyết cũng không che giấu thái độ vạch trần bản chất xã hội Trung Quốc hiện đại và phản kháng lại chủ nghĩa vật chất, bạo quyền và bạo lực.
Tàn Tuyết tên thật là Đặng Tiểu Hoa (sinh năm 1953), quê gốc Trường Sa, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Năm 1985, Đặng Tiểu Hoa bắt đầu sáng tác với bút danh Tàn Tuyết. Là một người say mê triết học, Tàn Tuyết đã thực hành đọc sâu triết học phương Tây trong nhiều năm, bà tự nhận trong tư duy nghệ thuật của mình có cả sự giao thoa giữa tư duy triết học cổ điển, chủ nghĩa kinh nghiệm và chủ nghĩa duy lý phương Tây trên nền tảng của thực tiễn và truyền thống văn hóa Trung Quốc.
Sự nghiệp của bà có thể nói là đồ sộ (tính đến năm 2019 gồm gần mười tiểu thuyết, hơn một trăm truyện ngắn và trên dưới chục tập tiểu luận, phê bình), lượng tác phẩm được dịch có lẽ chưa bao phủ được thế giới văn chương ngày càng vươn sải của Tàn Tuyết, nhưng ngay chỉ với những “dữ kiện” còn khuyết thiếu trong tay, độc giả một khi đã quyết tâm và thực sự dấn chân vào thì quả khó lòng cưỡng lại lực hút lạ kỳ từ địa hạt của những câu chữ giản đơn bề mặt đa nghĩa bề sâu mà bà cày xới – nơi hiện thực liên tục xô xệch, phân tán, cô đặc, rồi đâm chỉa như cơn ác mộng khi còn thức.
“Tác phẩm của tôi như một cái cây. Những ý tưởng của tôi mọc ở phương Tây, nhưng tôi đào lên và trồng lại chúng vào lòng đất sâu thẳm của Trung Quốc, một nền lịch sử với bề dày 5000 năm”, lời đề tựa một tác phẩm của Tàn Tuyết.
Mặc dù mang những đặc điểm của văn học phái tiên phong những năm 80, nhưng phong cách nghệ thuật của Tàn Tuyết lại rất khác biệt so với những tác giả văn học tiên phong Trung Quốc cùng thời như Mã Nguyên, Dư Hoa, Cách Phi, Tô Đồng, Diệp Triệu Ngôn, Tôn Cam Lộ, Bắc Thôn… Tác phẩm của Tàn Tuyết thường được so sánh với tiểu thuyết của Kafka, Schulz, Calvino hay Borges – những nhà văn mà bà yêu thích và thừa nhận có chịu ảnh hưởng.
Phương Đào