LẦN ĐẦU TIÊN NHÃ NAM ĐƯA TÀN TUYẾT ĐẾN VỚI ĐỘC GIẢ VIỆT NAM

LẦN ĐẦU TIÊN NHÃ NAM ĐƯA TÀN TUYẾT ĐẾN VỚI ĐỘC GIẢ VIỆT NAM

Tàn Tuyết, tên thật là Đặng Tiểu Hoa, là một tác giả rất đáng chú ý của đương đại. Bà được xem là đại biểu của văn học phái tiên phong, là nữ tác gia Trung Quốc có sách được dịch và in ở nước ngoài nhiều nhất. Tàn Tuyết được giới văn học nhận định là “một trong những nhà văn sáng tạo nhất trong nền văn học Trung Quốc kể từ giữa thế kỷ 20” (theo lời tiểu thuyết gia Robert Coover).
Thuở nhỏ, Tàn Tuyết được bà ngoại nuôi nấng. “Trải nghiệm những lần cùng bà ngoại đi đuổi ma ngoài sân đã hằn sâu vào linh hồn”* cô bé Tiểu Hoa ngày đó, và ký ức tuổi cũng như không khí bí ẩn ở làng quê đã trở thành một yếu tố không nhỏ chi phối đến cảm quan nghệ thuật của nhà văn sau này. Sau khi bà ngoại qua đời trong một nạn đói vào đầu thời kỳ Cách mạng , việc học của Tiểu Hoa dừng lại ở bậc tiểu học. Năm 1985, ở tuổi ba mươi, Đặng Tiểu Hoa bắt đầu sáng tác với bút danh Tàn Tuyết.
Phong cách văn chương của Tàn Tuyết liên tục khiến độc giả bất ngờ bởi tính đa nghĩa và lối viết độc đáo. Tác phẩm của bà kết hợp giữa trải nghiệm tâm linh và tư duy , khả năng khai thác những vùng miền sâu kín của tâm hồn con người và sự thực hành “văn học thuần túy”. Theo đánh giá của giới chuyên môn, tiểu thuyết cũng như phê bình văn học của Tàn Tuyết đã tạo ra một cuộc giải phóng chưa từng có về quan niệm sáng tác, phá vỡ trí tưởng tượng truyền thống của người đọc về văn học tại Trung Quốc.
Trong khi các tác giả thuộc dòng văn học tiên phong hầu hết đều dừng lại ở đường biên của chủ nghĩa hiện thực, Tàn Tuyết tiếp tục phát triển tiểu thuyết tiên phong của bà theo một lối riêng – “văn học thử nghiệm mới”. Văn học thử nghiệm, như quan điểm của Tàn Tuyết, là sự định vị bản sắc văn hóa cá nhân của nhà văn, kết hợp tinh hoa Trung Quốc và phương Tây dựa trên một nền tảng triết học sâu sắc.
Cùng với các sáng tác văn chương, Tàn Tuyết còn dành nhiều thời gian cho việc bình giải tác phẩm của các văn hào như: Lỗ Tấn, Franz Kafka, Dante, Borges, Goethe, Shakespeare…
Theo dịch giả của cuốn sách – nhà thơ Nguyễn Thị Thúy Hạnh: “Chính vì luôn có một lớp không khí bí ẩn của huyền thoại bao bọc nên tác phẩm của Tàn Tuyết thường được nhiều nhà phê bình so sánh với tiểu thuyết của Kafka, Schulz, Calvino hay Borges – những nhà văn mà bà yêu thích và thừa nhận có chịu ảnh hưởng. Trên thực tế, việc khai thác tối đa nguồn tài nguyên tinh thần của văn học phương Tây là một chiến lược của Tàn Tuyết nhằm bứt phá khỏi những hạn chế của văn hóa truyền thống Trung Quốc. Tàn Tuyết hiểu rằng cách làm này khiến cho chiều kích của tác phẩm được mở rộng không ngừng: từ một chi tiết trong tiểu thuyết có thể dẫn chiếu đến những văn bản khác và ngược lại. Chẳng hạn, Những chuyện tình thế kỷ mới có nhiều chi tiết gợi liên tưởng đến Trà Hoa Nữ (tên tiếng : La Dame aux camélias) – một tác phẩm văn học phương Tây của Alexandre Dumas con.”
* Đổng Ngoại Bình, Dương Kinh Kiến (2011), “Bình luận về chủ nghĩa thần bí của văn hóa ‘Vu Sở' và tiểu thuyết của Tàn Tuyết”, Tạp chí Nghiên cứu văn học Trung Quốc, kỳ 3.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *