Những câu chuyện từ thế giới của những người trầm cảm được kể trong cuốn sách Đại dương đen của Đặng Hoàng Giang có thể gây ra một cú sốc cho những người bình thường
Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang là chuyên gia phát triển, nhà hoạt động xã hội và tác giả chính luận. Các hoạt động nghiên cứu và vận động chính sách của anh nhằm nâng cao chất lượng quản trị quốc gia; và thúc đẩy tiếng nói của người dân. Những cuốn sách và bài viết của anh có sức ảnh hưởng rộng rãi trong xã hội. Đó là Bức xúc không làm ta vô can (2015); Thiện, Ác và Smartphone (2017); Điểm đến của cuộc đời (2018) và Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ (2020). Năm 2021, Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang phát hành cuốn sách Đại dương đen
Thế giới của những người trầm cảm ra rao trong sách Đại dương đen?
Trong bối cảnh xã hội coi việc chăm sóc sức khỏe tinh thần là xa lạ; nền y tế thiếu hụt cả về lượng lẫn chất để chữa trị cho người trầm cảm; thì cuốn sách Đại dương đen đóng vai trò giáo dục tâm lý (psychoeducation) quan trọng. Nó cung cấp cho người mang bệnh và người thân của họ kiến thức đúng về bệnh; hiểu về các triệu chứng, về nguồn cơn gây ra; nắm được các phương pháp trị liệu khác nhau với các mặt lợi và bất lợi. Từ đó hiểu về vai trò và trách nhiệm của bản thân để hợp tác và tham gia vào quá trình trị liệu.
Những câu chuyện từ thế giới người trầm cảm được kể trong cuốn sách Đại dương đen có thể gây ra một cú sốc cho những người bình thường. Không ai có thể hình dung thế giới ấy lại đen tối và đau đớn như vậy. Hằng ngày chúng ta đi làm, đi chơi, lướt mạng chém gió, càu nhàu về nạn tắc đường; bực tức vì trời quá nóng. Chúng ta than thở rằng cuộc sống nhàm chán mà không hề biết rằng, cái nhàm chán đó là nỗi khát khao của biết bao con người.
Thùy Dương, một cô gái trẻ vừa học đại học vừa vật lộn với căn bệnh này: “Tuần trước, bác sĩ đã chính thức cho bệnh đau của mình một cái tên: fibromyalgia. Kiệt sức, đau toàn thân, cứng cơ, mất ngủ, sương mù fibro (đầu óc mụ mị, khó hồi tưởng và tập trung); đó là những gì Google nói với mình về bệnh này. Trong trường hợp này, quá trình xử lý các tín hiệu đau của hệ thần kinh trung tâm bị trục trặc. Người ta nói bệnh này có gốc rễ từ các sự kiện chấn thương tâm lý và từ gene. Có trời mà biết được ở mình thì yếu tố nào là chính.
Nhưng biết thì cũng có để làm gì đâu? Mình chỉ muốn ngừng sự tra tấn này lại. Giật điện, cắt chân cắt tay, gì cũng được. Nhưng cho mình một cuộc sống bình thường, có được không? Ăn thấy ngon, đọc sách thấy vào, tối ngủ được, sáng có thể ra khỏi nhà, thế thôi mà. Nhiều khi mình kinh ngạc quan sát những người khác, họ vui vẻ nói về thèm ăn món gì; mừng quá vì Grab có mã giảm giá, cuối tuần này đi chơi đâu. Mình còn phải như thế này bao lâu nữa?”
Khởi xướng Đường dây nóng Ngày Mai
Cuốn sách Đại dương đen không chỉ là lời chia sẻ quý giá hiếm hoi đối với những người trầm cảm; cũng không chỉ là cuộc giáo dục tâm lý. Sâu xa hơn, cuốn sách này là tiếng nói vì nhân quyền; nhắc nhở chúng ta rằng: rất nhiều người, vì định kiến và sự thiếu hiểu biết của chính gia đình mình và xã hội; đã bị tước đi quyền được sống với nhân phẩm, được cống hiến, được yêu thương và hạnh phúc. Đó cũng là điều mà tiến sĩ Đặng Hoàng Giang theo đuổi nhiều năm nay qua các dự án sách của mình.
Cùng với cuốn sách này, tác giả Đặng Hoàng Giang và chuyên gia tâm lý Nguyễn Hà Thành đồng khởi xướng Đường dây nóng Ngày Mai 096 306 1414. Đây là một sáng kiến cộng đồng, phi lợi nhuận, được triển khai bởi một nhóm tình nguyện viên tâm huyết. Bắt đầu hoạt động từ tháng 5/2021, Ngày Mai cung cấp sơ cứu tâm lý; trợ giúp những cá nhân đang trong khủng hoảng; đặc biệt là người trẻ trầm cảm, và người thân của họ.
Ngoài ra, đường dây nóng Ngày Mai cung cấp thông tin, kiến thức cơ bản; nhằm nâng cao nhận thức xã hội về sức khỏe tinh thần.
Dự án hoạt động hoàn toàn bằng nguồn lực tài chính được đóng góp bởi cộng đồng. Ngoài cước viễn thông, người gọi điện không phải trả thêm bất cứ một chi phí nào. Để được lắng nghe, hay đồng hành cùng dự án, liên hệ với Đường dây nóng Ngày Mai hoặc qua fanpage: www.facebook.com/duongdaynongngaymai
Tiếp thị Gia đình