Có một nét tương phản trong văn chương Modiano: những địa chỉ thì rõ ràng, con người thì mờ ảo.
“Mẹ thường nói ta là con trai của Odysseus, nhưng phần mình ta chẳng hiểu thế nào. Chẳng ai biết cha mình thực sự ra sao”, người anh hùng Telemachus đã giãi bày như vậy với nữ thần Athena trong khúc một của sử thi Odysseus, rồi từ đó theo chỉ dẫn của Athena, chàng dong buồm kiếm tìm người cha đã thất lạc suốt mười năm sau trận chiến thành Troy. Từ giây phút ấy, vận mệnh của Telemachus đã trùm lên vận mệnh của những đứa con trai: lênh đênh trôi dạt theo bước một người cha lảng vảng như bóng ma xa xứ.
Câu hỏi “cha tôi là ai?” cứ văng vẳng suốt dọc cuốn tiểu thuyết Những đại lộ vành đai |
Như vậy, Modiano không phải người duy nhất tìm cha. Trước và sau ông, từ Homer, Shakespeare, đến Orhan Pamuk, Paul Auster đều có mẫu nhân vật tìm cha (hoặc chính họ tự tìm). Nhưng không ai ám ảnh với điều đó hơn ông. Có những họa tiết trở đi trở lại trong khung đỡ hơn 40 cuốn tiểu thuyết của vị tác giả đoạt giải Nobel năm 2014, và đó không chỉ là nghệ thuật ký ức, không chỉ là những trang vàng địa chỉ, không chỉ là những cuộc bộ hành hóa thành những cuộc lưu lạc ngược mãi về quá khứ hay thành phố Paris đã loãng ra mênh mông những gương mặt và những đại lộ vành đai, mà còn là cái bóng của một người đàn ông Do Thái, thoắt ẩn thoắt hiện, tự nhận “tôi là cha của cậu”.
Cái bóng thấp thoáng lập lòe ấy, Modiano lần đầu tiên rượt bắt trong Những đại lộ vành đai, tiểu thuyết thứ ba của ông, khởi thảo năm 1972, tập cuối cùng trong Bộ ba thời kỳ chiếm đóng, sau Quảng trường ngôi sao và Gác đêm.
Mở đầu là một lữ quán ven rừng Fontainebleau, một nhà văn lẫn vào một đám người bát nháo trong rệu rã, những con người thất trận của một nước Pháp thất trận, khiến họ trở thành hai lần thất trận – trong chiến tranh, trong hiện sinh – hai lần dạt tới vùng ven huyền bí. Anh đã thấy ở đó, cha anh, nhưng ông không thấy anh, hoặc giả vờ như không thấy.
Không gian nơi người cha của anh hiện lên là một không gian như mọi không gian của Modiano: những bóng đèn điện chập chờn, con phố cũ và những khúc quanh co, mùi vải tuýt và thuốc lá Hà Lan, sương mù chưa tan. Modiano mô tả một thứ mà như không mô tả gì: biệt thự thì như tắm trong ánh sáng đêm Bắc Cực, căn phòng thì ố vàng như tấm ảnh cũ, đường ray thì biến mất dưới cỏ, âm nhạc thì vang lên lúc ai đó đi ngủ – mọi thứ đều có một tấm màn bên ngoài che khuất, và tới lượt mình, mọi thứ lại che khuất người cha. Đến ngõ cụt, anh nhìn cha và thầm tự hỏi: “Đó là một con người hay một chồng áo khoác ngoài?”.
Nhà văn Patrick Modiano – Ảnh: The New York Times |
Câu hỏi “cha tôi là ai?” cứ văng vẳng suốt dọc cuốn tiểu thuyết này thực chất là câu hỏi “tôi là ai?”. Và vì cuối cùng cũng để lạc mất người cha trong một thời gian, đứa con phải đi đến sự chấp nhận rằng anh ta vô minh về chính mình, và anh ta dẫu đã đinh ninh sẽ “vẫn theo bố đến tận cùng”, thì điểm cực viễn của căn tính cũng không thể chạm đến, bởi nơi đó chỉ là một vũng đen nằm ngoài tầm minh định. Ngay cả khi anh ta gào lên “đó là bố tôi”, những mong âm thanh tiếng thét sẽ lấp đầy vũng đen ấy, anh ta cũng không xâm nhập được vào cái khối hình lờ mờ dưới ánh đèn chong mà anh vừa đụng phải.
Đem so với hiện thực tranh tối tranh sáng, ngay đến ký ức ở ga tàu điện ngầm George-V nhiều năm trước – nơi anh suýt bị cha đẩy xuống gầm tàu cho đoàn tàu nghiền nát – cũng có vẻ đẹp đẽ, đáng để mơ về và đáng để ăn mừng. Ít ra, vào giờ phút ấy, anh đã “cảm thấy chiếc nhẫn mặt to bản của ông áp vào bả vai tôi”, anh đã biết đó là ông dù không nhìn thấy. Trong quá khứ, anh tiếp xúc với cái vô định và nhận ra người cha; trong hiện tại, anh tiếp xúc với người cha nhưng chỉ thấy nơi đáng lẽ là ông – lại chỉ là sự vô định.
Có một nét tương phản trong văn chương Modiano: những địa chỉ thì rõ ràng, con người thì mờ ảo. Dường như, sự cố ý trình bày cụ thể một chuỗi những cái tên, những điểm xác định về tọa độ địa lý, những lộ trình, chẳng qua là một phương thức vô vọng níu kéo lấy một điều gì đó còn có thể hiểu được, ngoài nó ra, không gì có thể hiểu được, nhất là con người càng không thể hiểu được.
Đoạn khép lại Những đại lộ vành đai, nhân vật người kể chuyện lần nữa lui tới lữ quán Le Clos-Foucré, nhìn ngắm bức hình của đám người xưa cùng cha anh, một “nam tước gì gì đấy”, “đã biến mất vào một ngày đẹp trời” – nhưng ngày đó là ngày nào? Gì gì đấy là gì? Sự làm mờ này khiến tôi nhớ đến một cảnh gần cuối trong
Vozvrashcheniye (Sự trở về), bộ phim điện ảnh đầu tay của đạo diễn người Nga Andrey Zvyagintsev, khi hai đứa trẻ chèo thuyền băng biển đưa xác cha chúng về bờ, nhưng chúng chỉ vừa bò được lên bờ, thì cái thuyền chưa kịp neo đã bị sóng vùi xuống đáy nước sâu, nhấn chìm người cha cùng bí mật không ai biết.
Trái tim người cha, sau rốt, là một miền hoang đảo, một đại lộ ngoại vi mà không một la bàn nào, một bản đồ nào, một trang vàng nào, một chuyến tàu nào tìm đường đến được.
Phụ Nữ