Ban đầu, tôi đã bị ấn tượng bởi tựa sách và chi tiền ngay để mua nó, “Mộ phần tuổi trẻ”, một cái tên nghe rất văn thơ và lãng mạn, đánh trúng vào tâm lý của một cô gái trẻ tuổi mới chớm. Ấy thế mà mươi trang đầu của cuốn sách lại xém làm tôi cho nó vào góc tủ, bởi nó không hề giống như tôi tưởng tượng.
Bối cảnh là Sài Gòn trước năm 1975, tình hình chính trị rối ren căng thẳng cùng với sự xuất hiện của những tai to mặt lớn chỉ có thể nghe thấy trên báo đài nay lại cùng tham dự vào buổi tiệc nơi nhà của nhân vật “tôi”. “Chiếc bàn tròn, ai cũng nghĩ mình là trung tâm, nhưng ai cũng biết chỉ có một người là trung tâm thật sự. Ngô Đình Diệm.” Những cái tên Ngô Đình Nhu, Nguyễn Văn Thiệu, Trần Văn Đôn,… lần lượt được nhắc tới, đưa người đọc trở về năm tháng lịch sử của “một xứ loạn cờ, một xứ “không có vua”, một xứ vốn dĩ giỏi sản sinh ra những vị tướng hơn là một nhà chính trị.” Xuyên suốt câu chuyện, ta dễ dàng đọc được những lời bình phẩm về cái loạn lạc của xã hội lúc đó, những lời bình đầy thẳng thắn và châm biếm của tác giả. Cũng phải, tác phẩm được Huỳnh Trọng Khang viết trong thời gian cực ngắn, “mười mấy ngày”, khi tác giả chỉ mới 20 tuổi, độ tuổi chín muồi cho sự nổi loạn và ngạo mạn, sẵn sàng phơi bày hết những điều sâu thẳm sai trái nhất trong đời sống tinh thần, thể xác và vật chất của lứa thanh niên miền Nam thời kỳ đó.
Bàn ăn có 6 người nhưng chỉ xuất hiện 5 cái tên, còn lại là vị tướng quân không tên, khuôn mặt chữ điền luôn giữ được vẻ điềm tĩnh, người mà chính con trai ông cũng nhận xét rằng, “chiến tranh đã bỏ rơi ba tôi giữa thời cuộc của chính ông.” Vị tướng quân ấy có ba người con trai, ba người ba tính cách và cũng là ba số phận hoàn toàn khác biệt. Cùng đem lòng yêu giọng cười lanh lảnh của cô gái Mỹ, Janis, người anh ba “mấy năm tắm mình trong nền tự do dân chủ Mỹ” và người anh tư có trí tuệ uyên bác và tâm hồn nhạy cảm, thánh thiện nhất đã trở thành những con thiêu thân của tình yêu. Không ai giải thích được nguyên do tại sao anh ba có thể tha thứ cho cô ta và anh tư lại say đắm và khờ dại cô diễn viên kệch cỡm ấy, chỉ biết rằng cả hai người đàn ông ấy đều đau khổ, đến ngay cả lúc chết đi cũng chẳng dễ dàng nhắm mắt. Tình yêu đã cướp đi của họ một nửa mạng sống. Cả hai người đều chọn lao mình vào trong cuộc chiến, không chút lý tưởng, không màng vụ lợi, họ chọn cuộc chiến ấy là sàn đấu giữa bản thân và sự nhơ nhớp của nhục dục, họ chiến đấu không vì nỗi đau của đất nước mà chiến đấu để quên đi nỗi đau trong cõi lòng mình, chiến đấu để chạy trốn cuộc đời. Chiến tranh trở thành công cụ để họ được giải thoát mình khỏi tình yêu, khỏi những đau đớn của sự phản bội, chiến tranh giúp họ phơi bày sự nam tính, để chứng tỏ với thế giới hay chỉ đơn giản để thoả lòng mình rằng, họ đủ tốt, đủ mạnh mẽ để được tình yêu đối xử tốt hơn một chút. “Giữa chiến tranh là tình yêu.”
Còn đứa con trai út của trung tướng cộng hoà, gã sinh viên ban Triết đã sống như một “thằng khốn”, là đại diện điển hình cho những thanh niên miền Nam thời ấy, “những thằng khốn vĩ đại”. Ngược lại với các anh của mình, gã ném mình vào tình yêu – thứ có thể giúp gã quên đi cuộc chiến tàn bạo của thế giới. Tình yêu là xứ thần tiên chữa lành những đau đớn, là cõi lung linh bất khả xâm phạm để gã tìm thấy ý nghĩa sự sống của mình và gã nguyện chết vì màu hồng của cảm xúc lứa đôi chứ nhất quyết không chịu đổ máu vì màu cờ Tổ Quốc. Gã và nhiều lớp người trẻ lạc lối trong chiến tranh Mỹ ở Việt Nam, tầng lớp hippie sống trong thời đại mà muốn quên đi thời đại, bàng quan với thời cuộc nước sôi lửa bỏng, đứng bên lề của lịch sử như những kẻ xem kịch chẳng chút hứng thú hay bình luận, nhân vật tôi lạc trôi giữa thời cuộc. Hay nói đúng hơn, gã tự cho mình quyền bị thời cuộc lãng quên, là cách khốn nạn và hèn hạ để bảo vệ tự do của bản thân trước nỗi đau của đất nước. Gã không chọn lao mình vào cuộc chiến mà không biết là may mắn hay xui xẻo để rồi sống sót trở về nhưng lại chẳng sung sướng hơn cái chết là bao. Gã sống xa hoa và trụy lạc với tình yêu, gã đắm mình trong hương nước hoa của đàn bà, chìm trong men say, sa ngã vào những thú vui ái tình, gì cũng được miễn là không phải cuộc chiến. Gã không quan tâm ngoài kia có bao nhiêu anh em đồng bào của mình ngã xuống, cái gã quan tâm là những đêm thác loạn cùng nhân tình trên giường cũng như ngoài phố. “Trước mắt chúng tôi là cuộc chiến, sau lưng chúng tôi là cuộc chiến, giữa những cuộc chiến là tình yêu. Chỉ có tình yêu thôi.” Say đắm và nồng nàn.
Nhưng sau cùng, gã nhận ra, giữa bom đạn chẳng có gì, tình yêu chỉ là thứ phù phiếm mỏng manh. “Giữa chiến tranh chỉ là hận thù.” Nếu tình yêu với Neige là sự đam mê của tuổi trẻ, với Samartha là cuồng nhiệt của bản năng thì với My là sự khắc khoải cả cuộc đời. Khốn thay cho kẻ chọn tình yêu làm phương tiện để bảo vệ mình khỏi những đau đớn thể xác gây ra bởi súng đạn, sự dày vò nơi trái tim còn đáng sợ hơn thế. Minh chứng là hai anh của gã đã chọn lao mình vào địa ngục của máu và nước mắt hòng quên đi một người đàn bà nhưng lại chẳng thể làm được, còn gã, cái kết cho gã cũng chẳng khá khẩm gì hơn. Mỗi cô gái đi qua cuộc đời đều lấy đi của gã thứ gì đó và cũng để lại trong gã thứ gì đó để gìn giữ và trân trọng. Đó là may mắn của gã. Nhưng My đã lấy đi của gã tuổi hai mươi tươi đẹp rồi xé nó ra thành trăm mảnh, để lại trong gã cả tình yêu và hận thù, “một cô gái tôi đã yêu và đã hận.” “Trước mắt chúng tôi là cuộc chiến, sau lưng chúng tôi là cuộc chiến, nhưng giữa chiến tranh không phải là tình yêu, giữa chiến tranh là hận thù.” Từ ban đầu, gã luôn lặp lại câu nói “giữa chiến tranh là tình yêu” như một lời tuyên thệ, một châm ngôn sống mà gã đã dùng cả cuộc đời mình để đúc kết nên, một triết lý đầy hoa mỹ cho lối sống không lý tưởng, một lý do biện minh cho sự hèn nhát, chạy trốn khỏi thời cuộc. Nhưng để rồi khi kết thúc, gã đau đớn nhận ra rằng gã đã chạy trốn hết lần này đến lần khác để không phải đối diện với đau thương nhưng cuối cùng gã vẫn sa chân vào cái bẫy của chiến tranh, “ngay cả những pho tượng cũng không vô tội trên mảnh đất này, thì con người liệu có thể quyết định được số phận của mình hay chăng?” Làm gì có ai đi qua chiến tranh mà còn toàn vẹn. Gã là kẻ khốn, nhưng liệu có phải cái sai duy nhất của gã là sinh nhầm thời, những đứa con như thế không phải sinh ra trong thời chiến, vậy nên chúng chọn cách đứng bên lề của lịch sử, chấp nhận mang danh là những kẻ khốn chứ không muốn làm người vĩ đại.
Vốn dĩ ban đầu tôi chọn quyển sách này là vì tựa sách rất thu hút và thật sự sau khi đọc, tựa sách càng khiến tôi chiêm nghiệm và suy ngẫm nhiều hơn. Tuổi trẻ của các nhân vật đã bị bom đạn chôn vùi theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, tuổi trẻ hừng hực lửa, đầy lý tưởng sống đã bị dập tắt bởi tiếng súng, tiếng bom, họ đã mất đi những năm tháng tuyệt vời nhất của cuộc đời mình chỉ vì những cuộc chiến tranh giành quyền lực. Máu và nước mắt đã đổ xuống, có người chết, có người còn, nhưng sống với những mất mát đau đớn thì có thật sự là sống không? Liệu đã có bao nhiêu tuổi trẻ đã bị chôn vùi trong cuộc chiến ấy, liệu ngoài kia còn biết bao nhiêu người đã chết năm 20 tuổi nhưng mãi đến năm 70 mới được chôn cất và liệu, khi tuổi trẻ đã chết đi theo cách này hay cách khác, ta có còn đủ dũng khí để sống tiếp thật tốt đẹp hay không?
Lối văn hiện đại cùng các phân cảnh xen lẫn giữa quá khứ và hiện tại được tác giả lồng ghép khéo léo, đầy chất điện ảnh, cốt truyện và tính cách nhân vật được xây dựng lôi cuốn và nhất quán, mở ra trong người đọc những khắc khoải về những con người trẻ tuổi, mỗi người chọn cho mình một cách sống riêng để rồi năm tháng sau này khi nhìn lại, có tự hào và cũng có đầy những hối tiếc.
Review của độc giả Xuân Quỳnh – Nhã Nam reading club
Bạn có thể tìm mua sách tại:
TÊN SÁCH | NHÃ NAM | TIKI | FAHASA |
Mộ phần tuổi trẻ | http://bit.ly/mophantuoitreNhaNam | http://bit.ly/mophantuoitreTK | http://bit.ly/mophantuoitreFHS |