Đừng đọc đoạn tóm tắt sau sách nếu không muốn bị spoil trước nội dung truyện, ơi giời ạ.
Tớ nghe nói về Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ rất lâu rồi, rằng đây là tác phẩm rất hay và cảm động, rằng lối viết của Khaled đã làm thay đổi tư duy của hàng triệu người, vv… Bản thân tớ đã mua cuốn này từ năm ngoái nhưng mà vẫn lưng chừng mãi đến giờ mới đọc.
Chắc các bạn đọc ai cũng biết cảm giác khi một cuốn sách được tung hô quá cao, quá nhiều kỳ vọng được đặt vào đó thì lại càng ngại đọc. Tớ cũng ở trong số đấy, vì có những cuốn rating cao chót vót, nhưng khi đọc thì tớ không cảm nhận được cái sự “hype” của câu chuyện, hay câu chuyện đấy chưa đủ khả năng để tác động được đến tớ.
Với Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ cũng như thế. Nếu so với Người Đua Diều, tớ thích cả hai tác phẩm này ngang nhau, nhưng không thể phủ nhận rằng cách dẫn dắt và xử lý tình huống trong Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ thực sự Khaled đã cao tay hơn rất nhiều. Cảm giác như tác giả đã chăm chút một cách tỉ mỉ cho từng câu văn, từng dòng chữ và bộc lộ được hết ra những góc khuất đau đớn của cuộc đời những nhân vật trong cuốn tiểu thuyết. Khaled đã rất thành công khi khai thác những khía cạnh lịch sử của những cuộc chiến đẫm máu thịt, những cái chết nhan nhản khắp mọi nơi, cái nghèo đói thiếu thốn và cả số phận khốn khổ của những người phụ nữ trong Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ. Ngòi bút của Khaled đã lột tả một Afghanistan một cách không né tránh với bốn thập kỷ đầy biến động của sự ly tán, của những số phận long đong nghiệt ngã bị vùi dập đầy tàn nhẫn và ám ảnh.
Mariam và Laila là hai người phụ nữ với hai tuổi thơ trái ngược nhau. Trong khi Mariam là harami, đứa con rơi bị cha đẻ né tránh thì Laila lại là một cô bé được đùm bọc trong sự yêu thương, trong sự giáo dục của cha mình với những tư tưởng tiến bộ, rằng phụ nữ và nam giới đều bình đẳng và có quyền được hưởng một sự giáo dục như nhau.
Tuy nhiên biến cố bất ngờ ập đến, hai mảnh đời đối lập đã giao nhau tại một điểm. Hai thân phận khác nhau nhưng suy cho cùng họ đều là nạn nhân của một Afghanistan bao bọc trong cái nền của chính trị hỗn loạn và nền tôn giáo hà khắc, nơi mà sự cổ hủ đáng khinh vẫn đang được lan rộng, nơi mà chồng có thể thoải mái đánh đập vợ, nơi mà thân phận người phụ nữ bị rẻ rúng không khác gì súc vật. Nhưng cũng chính tại nơi ấy, Mariam và Laila đã cùng nhau chia sẻ và chăm sóc cho nhau, khi tình người đã được vun đắp dần dần giữa hai người đàn bà tội nghiệp, và cũng chính trong cái sự bạo loạn tột cùng, họ đã đứng lên, bền bỉ và can trường, lần đầu tiên phản kháng một cách mạnh mẽ trong cuộc đua chống lại số phận nghiệt ngã.
Cách viết của Khaled trong Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ một lần nữa phủ đầy văn hoá của Afghanistan, một đất nước với những lời cầu kinh Koran và những từ ngữ bản địa đặc trưng hay những món ăn giản dị thường ngày. Nhưng ẩn trong cuốn tiểu thuyết ấy vẫn là bi kịch len lỏi, là sự độc ác đến man rợ của một tôn giáo cổ hủ, là những trận đòn roi của kẻ trọng nam khinh nữ. Tuy nhiên hơn cả là những rung cảm chân thật và lay động trái tim của người đọc và là bài học sâu sắc về tình người. Plot twist chặt chẽ và mạch lạc, đan xen góc nhìn về cuộc đời của Mariam và Laila để cuối cùng dẫn ta đến đoạn giao định mệnh của hai người phụ nữ.
Suy cho cùng, Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ một lần nữa đã khẳng định tên tuổi và tài năng của Khaled Hosseini với lối viết giàu cảm xúc. Tuy nhiên, với tớ cuốn này chưa đủ đô để xếp vào hàng 5 sao, nó rất hay, nhưng chỉ đối với riêng tớ thì tác phẩm này vẫn còn thiếu một cái gì đó để xếp vào hàng tuyệt tác. Nhưng dù sao, recommend cho các bạn nên đọc Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ, vì nhìn chung đây là tác phẩm vô cùng ý nghĩa, ám ảnh nhưng cũng tràn đầy tính nhân văn.