Hồi ký về quãng thời gian nghiện và cai nghiện thuốc phiện của Nhà văn Vũ Bằng. Thật sự hy vọng Nhã Nam sẽ tái cuốn này.
Mình đọc cuốn này không hẳn vì tò mò về quá khứ nghiện ngập của Vũ Bằng, dù cụ là idol của các idol trong lòng mình. Kể cả cụ có viết hồi ký về hành trình đu bitcoin mình cũng chẳng quan tâm (Ok, thực ra nếu có một cuốn tên là “LUNA ơi, vĩnh biệt!” thì có khi mình cũng đọc đấy …)
Lý do khiến mình đọc cuốn này bắt đầu từ một sự hiểu lầm. Bìa sách và nhan đề sách khiến mình tưởng “Phù Dung” là tên một cô gái nào đó, và rằng cuốn sách kể về mối tình lâm ly bi đát kịch tính tan nát giữa Vũ Bằng với cô Phù Dung đấy. Nhưng hoá ra “phù dung” là một cách văn vở để chỉ thuốc phiện.
Mình mới tò mò: Vũ Bằng viết về thuốc phiện sẽ như thế nào? Sẽ tình, sẽ lãng mạn như trong “Thương nhớ mười hai” hay “Miếng ngon Hà Nội” chứ? Và mình quyết định đọc.
Trái với suy nghĩ ban đầu của mình, Vũ Bằng hút thuốc phiện không phải do bạn bè xấu rủ rê. Thời bấy giờ, hút không phải việc làm phạm pháp, nếu không muốn nói là trendy. Người giàu hút. Người nghèo hút. Vui hút. Buồn hút. Không vui không buồn, cũng hút. Nhà thơ, nhà văn còn cố tình hút để lấy cảm hứng viết nên những tuyệt tác.
Trải nghiệm hút lần đầu của Vũ Bằng chẳng có gì làm thích thú hay sung sướng, nếu không muốn nói là hơi…toang . Nhưng ông vẫn cứ lao vào hút. Cố tình huỷ hoại bản thân để trả thù đời. Hút đến khi muốn dừng lại cũng không được.
Nếu chỉ được dùng hai tính từ để miêu tả cuốn sách này, mình sẽ chọn: Chân thực và sống động. Xuyên suốt cả cuốn sách, mình thấy một Vũ Bằng thành thực với độc giả và bản thân. Có gì kể nấy. Kể cả khi đó là những điều chẳng ai tự hào.
Cứ ngỡ với tư cách một người đã dính vào thuốc phiện và cai được thành công, Vũ Bằng sẽ viết sách với một giọng điệu hô hào tôi làm được bạn cũng thể, hoặc là tỏ vẻ hơn người. Nhưng không! Ông khiêm tốn thừa nhận mình may mắn có được thiên thời, địa lợi, nhân hoà, nên mới đoạn tuyệt được với nàng Phù Dung. Không chỉ thế, ông mời người đọc đặt mình vào hoàn cảnh của những người nghiện để có một cái nhìn bao dung hơn. Không phải cổ suý hay bào chữa, chỉ rất nhân văn.
Ông nói, ông viết không phải để dạy bảo ai cả, đặc biệt là thế hệ trẻ. Ông chỉ mong sách phần nào nói thay nỗi lòng của những con người cô đơn (nghiện hoặc không). Cũng vẫn là khát khao kết nối giữa người đọc và người viết. Y như trong “Thương nhớ mười hai”, ông đã bảo thế này:
…Ơi những người thiên lý tương tư! Nếu bất ngờ những dòng sau đây có lạc vào tay bạn, mà thấy nói được lên một mối cảm hoài của bạn vẫn chất chứa ở bên lòng, thế là kẻ viết bài này lấy làm mãn nguyện lắm rồi. Đời mà có một người vui cái vui của mình, buồn cái buồn của mình, chẳng là đủ rồi sao, có tâm sự trong lòng, lặng nhìn nhau không nói mà cũng cảm biết, thế chẳng là đủ rồi sao?
Mình đã luôn yêu quý văn cách của Vũ Bằng từ những cuốn tuỳ bút về Bắc Việt, nhưng qua “Phù dung ơi, vĩnh biệt!”, mình lại thêm yêu quý nhân cách của ông.
Những trải nghiệm, diễn biến tâm lý của một người nghiện cũng được Vũ Bằng miêu tả vô cùng sống động. Tưởng như ông viết về chuyện mới xảy ra ngày hôm qua chứ không phải rất lâu về trước. Khi phê thuốc thế nào. Khi bị vật ra sao. Khi quyết tâm hừng hực cai nghiện để rồi dăm ba bữa đâu lại vào đấy, ông đều thuật lại chi tiết.
Điều cuối cùng mình ấn tượng là tình nghĩa vợ chồng giữa Vũ Bằng và người vợ của mình – Bà Nguyễn Thị Quỳ. Ai từng đọc “Miếng ngon Hà Nội” hay “Thương nhớ mười hai” hẳn đều nhớ Vũ Bằng luôn nhắc đến vợ ở phần đề tặng với tình cảm trìu mến. Ngày trước, mình chỉ nghĩ đơn giản, là ông yêu vợ vì vợ hay cho thưởng thức đồ ăn ngon, để đến khi xa Bắc Việt ông cứ nhớ nhung khôn nguôi.
Nhưng giờ mình mới hiểu, với vợ, Vũ Bằng không chỉ dành tình yêu, mà còn là sự kính trọng và lòng biết ơn. Trong quãng đời cai nghiện và không bao giờ hút lại của Vũ Bằng có bốn người phụ nữ đóng vai trò then chốt. Vợ ông là một trong bốn người phụ nữ đó.
Vũ Bằng luôn bảo, cai thì không khó, làm sao để không hút lại mới khó. Và vợ của ông, với tất cả sự tinh tế và khéo léo, đã luôn kịp thời đánh lạc hướng chồng mình khỏi cái ham muốn cũ, trước cả khi cái ham muốn ấy thể hiện rõ rệt:
Nếu trời tạnh ráo, vợ chồng rủ nhau đi xem hát chèo trên Giảng Võ […] Trời sáng trăng thì thủng thẳng đi trên đường Toà án thơm thơm mùi hoa sữa, đọc với nhau từng đoạn trong Truyện Kiều, tỉa tót từng chữ hay, chữ dở: đói thì đi tìm những hàng phở, hàng bánh cuốn, bánh tôm có tiếng để ăn đêm; nhưng nếu gặp mưa dầm gió bấc, ra ngoài sợ ướt thì ở nhà, ngồi trông ra giàn hoa ti gôn uống rượu, vợ gắp cho chồng một miếng đùi ếch thật vàng, thật ngậy…
Có người vợ như vậy, bảo sao mà không thương, không kính, không ơn?