Mình đã từng đọc Những ngã tư và những cột đèn, đã mê thơ Trần Dần qua Mùa hè chiều thẳng đứng, nên cái tên tác giả đã là bảo chứng để mình tin tưởng vào chất lượng của Đêm núm sen, dù chưa cần biết nội dung nó về cái gì. Hoá ra, đây là một câu chuyện về loài kiến người, tất nhiên là để nói về xã hội con người, nhưng qua một lăng kính hình tượng hoá hơn. Tập trung trong cốt truyện của Đêm núm sen là chiến tranh, sự khốc liệt và bi tráng của nó, khiến cho mình đôi lúc lại liên tưởng đến Nỗi buồn chiến tranh. Giọng văn của Trần Dần đầy mê hoặc, vừa tinh tế ý nhị, vừa gợi tả được những cảm xúc mãnh liệt một cách cực kì chuẩn xác, đầy rung động. Ông mô tả nỗi buồn thấy mình thừa thãi đơn côi “Tôi có thừa cả tôi, lúc này.” và “Tôi đứng lêu đêu, như một cột đèn bỏ”. (Hình ảnh cột đèn hình như là đặc trưng của Trần Dần, ông đưa vào thơ văn của mình rất nhiều). Những dòng văn miêu tả tình yêu và những cảm xúc tinh khôi, những động chạm của hai người, thật sự gợi cảm và mới mẻ, không thể nhầm lẫn với bất kì nhà văn nào khác. Cách sắp đặt từ (“những ki lô mét nhiệm vụ”), sắp đặt câu (“bình minh gặp chúng tôi trên đồng cỏ”) của ông, cùng kết cấu lặp lại đầy nhịp điệu đầy nhạc tính quen thuộc trong thơ văn ông, đã tạo ra một trải nghiệm thú vị khi đọc sách.
Với những ai đã yêu Trần Dần, mình cho rằng quyển này vẫn sẽ làm bạn hài lòng tuy về kết cấu và độ điêu luyện thì mình đánh giá cao Những ngã tư và những cột đèn hơn. Đêm núm sen được viết trước từ 1961 và có lẽ do được biên tập sau khi ông đã mất, nên mình thấy truyện có thể chặt chẽ và mang tính liên kết cao hơn. Đoạn đầu truyện hơi tách biệt với phần còn lại. Với những ai chưa thẩm thấu được Trần Dần qua Ngã tư cột đèn, có thể sẽ thích Đêm núm sen hơn vì nó khiến người đọc dễ cảm nhân vật hơn, đắm chìm vào thế giới đó hơn. Đoạn kết của truyện gây xúc động tê tái cho mình, để lại những man mác khó phai.
Instagram: @halinhdocsach