REVIEW SÁCH “BẢO TÀNG NGÂY THƠ” – Orhan Pamuk

REVIEW SÁCH “BẢO TÀNG NGÂY THƠ” – Orhan Pamuk

Tiểu thuyết này bóc trần xã hội Thổ Nhĩ Kỳ những năm 70 80 của thế kỉ 20:  Âu hóa, vấn đề trinh tiết của người phụ nữ, bệnh quan liêu,…. Những điều đó vẫn còn phảng phất trong xã hội của chúng ta, đặc biệt là ở những thập kỉ trước. Sự tương đồng đó làm người đọc sửng sốt khám phá ra cái xã hội Istanbul được bóc trần kia, có những lúc lại như xã hội mình đang sống. Nhưng tài tình ở chỗ, Orhan – tiểu thuyết lớn nhất của thế kỉ mới, lại biến những khiếm khuyết ấy thành vẻ đẹp gần gũi và giản dị qua hành trình theo đuổi tình yêu của nhân vật Kemal. Istanbul hiện lên thật rực rỡ náo nhiệt trong những chiều hè nóng nực. Pamuk miêu tả không gian rất tài tình. Không gian của Instanbul chứa trong đó những khoảng không gian nhỏ hơn: không gian tiệc tùng ở khu biệt thự sang trọng, những cửa hàng xinh đẹp bên vịnh Bosphorus, ngôi nhà Merhamet chật chội lúc nào cũng vang  tới tiếng lũ trẻ chơi đá bóng,…tất cả tạo nên môi trường mà nhân vật “ tôi” tồn tại, cũng là không gian mà người đọc được dẫn dắt bước vào và cảm nhận qua góc nhìn của Kemal hoặc đôi lúc, hiện diện trong không gian đó như 1 người lạ. Điều này phụ thuộc vào lựa chọn của chúng ta. Dòng thời gian trong cuốn tiểu thuyết được níu giữ và nâng niu như mỗi chúng ta vẫn hằng mong ước trong đời mình. Nhưng cũng có lúc, thời gian bị bóp nghẹn và không gian trở nên tù túng, mệt mỏi khó mà nói là dễ chịu.

Thật ra, mình không đồng cảm với  tình yêu của Kemal dành cho Fusun. Ngược lại, mình thấy tình yêu ấy có phần bất thường và ám ảnh. Thế nên, dù biết rằng Pamuk không chỉ nói về tình yêu trong cuốn tiểu thuyết này, vẫn có nhiều lần mình đặt quyển tiểu thuyết xuống và nghĩ rằng sẽ không miễn cưỡng đọc phần còn lại nữa để không phải chịu đựng tính cách của anh chàng thiếu gia Kemal. Nhưng nếu tạm thời bỏ qua việc nam chính phản bội vị hôn thê ngay trước lễ đính hôn và theo đuổi người tình tới tận 8 năm thì người đọc có thể nhận ra hành trình 8 năm ấy chính là hành trình Kemal đi tìm những khái niệm thuộc tầng nghĩa sâu hơn của cuộc sống. Vì người tình kém 12 tuổi mà Kemal học cách thích nghi với những lớp người thấp hơn anh trong xã hội: gia đình và hàng xóm trung lưu của Fusun, những người lạ nghèo khổ trên đường phố,những người nhà sưu tầm bị người đời xa lánh….., nhờ đó mà sự thấu cảm trong tâm hồn anh được hình thành. Gía như Kemal đã dũng cảm thoát ra khỏi mối tình “chuẩn mực” của anh ngay từ đầu thay vì tự lừa dối mình để tránh tai tiếng cho anh và Sibel. Nếu vậy thì Kemal đã không làm tổn thương Sibel đến thế. Và dù xã hội đặt lên vai anh những định kiến vô hình đi chăng nữa, thì việc ngoại tình và nhiều lúc coi đó là hạnh phúc của người đàn ông vẫn là sự lệch lạc thuộc về cá nhân anh. Thông qua Kemal, tác giả đã thể hiện sự cần mẫn và nhạy bén đáng kinh ngạc khi đi vào tận những ngóc ngách sâu nhất của nội tâm nhân vật. Kemal kiếm tìm, lưu giữ những kỉ vật gợi nhớ tới Fusun còn Pamuk đào sâu và phơi bày xúc cảm của Kemal, quyết không bỏ sót một góc khuất nào. Như chính Pamuk  đã trải qua, ông gọi tên và phân tách những trạng thái cảm xúc đó rồi truyền tới người đọc gần như không có hao hụt.

Nhân vật mình ấn tượng nhất cuốn tiểu thuyết là bà Vecihe, mẹ của hai anh em Osman và Kemal. Người phụ nữ này luôn yêu và ủng hộ 2 con của mình hết lòng, đôi lúc bà chấp nhận gạt bỏ lề lối và cái nhìn của xã hội vì con. Nhưng chính bà, có lẽ đã tạm giấu đi hạnh phúc riêng của mình trong 1 xã hội đầy định kiến. Bà hiểu rõ cách vận hành của giới thượng lưu Istanbul, nơi mà những tin đồn lan ra rất nhanh và ai cũng cố cập nhật những thứ mới nhất từ Châu Âu nếu muốn tỏ ra là người sành điệu. Chồng bà cũng từng có cuộc tình bí mật ( vâng, cuốn tiểu thuyết gần như xây thêm một bức tường thành vững chãi bảo vệ sự bất tin của mình về cuộc hôn nhân chung thủy) Vecihe biết điều đó và bà chọn cách giữ kín bí mật này.  Thậm chí còn nhắc lại một cách thản nhiên sự kín tiếng của chồng như 1 tấm gương cho Kemal. Nhưng có người vợ nào không đau lòng khi chồng mình yêu tha thiết cô nhân tình bí mật? Liệu bà có hài lòng với cuộc sống của mình hay không? Không ai biết được. Hình ảnh của bà được xây dựng là người phụ nữ giàu có, văn minh đứng ở tầng cao nhất của xã hội nhưng vẫn là nạn nhân của những định kiến. Không một ai, từ bất kỳ tầng lớp nào, có thể thoát khỏi sức nặng của định kiến nếu từng người vẫn còn cố o bế, cố làm hài lòng cái xã hội ấy.

” Các bảo tàng của chúng ta đừng nên giới thiệu những điều mơ tưởng hão huyền của những kẻ giàu có cảm thấy mình như người Tây Phương, mà phải giới thiệu cuộc sống của chúng ta. Bảo tàng là chính cuộc sống chúng ta, và những điều tôi nói là đúng như thế, Orhan Bey ạ”

Đó là những dòng chữ khiến mình xúc động nhất trong cuốn tiểu thuyết. Phải chăng nó đang tha thiết, khẩn nài người đọc hãy trân trọng cuộc sống trong cái xã hội bao quanh họ, dù xã hội nào, vào bất cứ thời điểm nào cũng loang lổ khiếm khuyết. Giống như nhân vật chính Kemal yêu cuộc đời của mình trong xã hội trưởng giả Âu hóa Istanbul (dù không phải lúc nào cũng thế nhưng nửa đời sau anh đã luôn say mê vẻ đẹp của thời gian và cuộc sống) Nhưng  khác với quan điểm mà Pamuk đặt ra ở đây, rằng theo đuổi những cảm xúc của bản thân tới cùng là sống trọn vẹn và hạnh phúc. Mình cho rằng lí trí giữ chúng ta khỏi ngã vào những mơ hồ. Vì thế mà mình không chọn theo cách sống của Kemal dù thực lòng tin câu khẳng định vào cuối đời của chủ nhân bảo tàng Ngây: “ Tôi đã sống một cuộc đời hạnh phúc”.

Review của độc giả Nguyễn Thúy Phượng – Nhã Nam reading club

Bạn có thể tìm mua sách tại:

TÊN SÁCH NHÃ NAM TIKI FAHASA SHOPEE
Bảo tàng ngây thơ http://bit.ly/baotangngaythoNhaNam http://bit.ly/baotangngaythoTK http://bit.ly/baotangngaythoShopee

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *