Buồng tắm là quyển tiểu thuyết mỏng chỉ 100 trang và mình đọc về tác giả cũng nhiều bằng với dung lượng quyển sách. Cảm giác ban đầu là giống đọc Milan Kundera, một lời kể cứ đều đặn, mọi thứ cứ diễn ra trước mắt, không rõ sẽ về đâu, không biết muốn điều chi. Một nhân vật kỳ quặc, không tên, quyết định dọn vào bồn tắm và chiêm nghiệm về sự hiện sinh, một số ít nhân vật phụ, và một điều bất ngờ – một lời mời tham dự sự kiện từ đâu rơi xuống, khiến anh nghĩ lai và thử mạo hiểm, rời khỏi buồng tắm của mình.
Mình phải đọc thêm về tác giả, về quyển này vì cái lời gợi mở lạ lùng của nó: định lý pytago, và 3 chương sách, chương đầu và cuối cùng có tên là Paris, và chương giữa là Cạnh huyền. Điểm đặc biệt về cấu trúc tác phẩm là thứ làm nên tên tuổi Jean – Philippe Toussaint, người ngoài viết văn còn là nhà làm phim và nhiếp ảnh gia. 3 phần của quyển sách đều là những đoạn nhỏ, từ 1 đến vài dòng, có đánh số, như kịch bản phim. Có điều đó là một cuốn phim thiếu hành động – nhân vật chính chẳng muốn làm gì, hoặc cảnh tưởng sẽ làm này nhưng lại làm kia. Mãi về sau mới có loé lên một chút kịch tính, nhưng rồi lại quay về các mạch đều đều.
Những sự thay đổi hiếm hoi trong bối cảnh: vào buồng tắm – ra khỏi buồng tắm; ở Paris – rời Paris – về lại Paris, khiến ta nghĩ đến sự quẩn quanh. Nhưng tác giả không để nó xoay vòng, mà lại chạy đọc theo các cạnh của tam giác vuông. Một bài bình luận trên tờ Critique cho rằng thứ tự đúng của truyện có thể là phần 2 trước, rồi đến phần 1 và cuối cùng là phần 3. Review này cũng loay hoay luôn vì rất khó viết. Mình đã kỳ vọng cả tác phẩm sẽ chỉ nói về cuộc sống của một người đã chọn buồng tắm là nhà, nhưng không phải thế. Mình không cảm được hết, dù vẫn có thể đọc hết tác phẩm. Riêng phần dịch thì rất hay.
Instagram: xuxudocsach