Vậy là sau hai năm từ ngày nhà thơ Trần Vàng Sao (1942-2018) giã biệt văn đàn, một tập thơ đầy đặn của ông mới được ra mắt bạn đọc. Người thơ lận đận một đời, ngay cả một tập thơ tươm tất cũng không kịp nhìn thấy khi còn tại thế.
Tập thơ Bài thơ của một người yêu nước mình do Nhã Nam và NXB Hội Nhà Văn ấn hành lần này có thể xem là đầy đủ nhất trong số gia tài thơ tản mác của Trần Vàng Sao, có cả những bài được lấy từ “lưu trữ gia đình”.
Nỗ lực cho một bản thảo toàn vẹn như vậy còn có công của một cựu quan chức, nhà thơ và là người đồng hương với Trần Vàng Sao: nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm.
Thơ Trần Vàng Sao như có một chất men kỳ lạ. Nó ngấm vào người đọc từ từ, thoạt đầu thoang thoảng tưởng như không có gì đáng kể, ấy thế rồi bỗng dưng người ta thấy mình không dứt mắt ra được khỏi những dòng – thơ – ngậm – men ấy.
Để rồi từ đó, toàn bộ những tâm sự của nhà thơ, từ thảm trạng của gia cảnh truyền đời đến những thực trạng của đất nước, các mối quan hệ bạn bè, câu chuyện về miếng ăn và đặc biệt là cái đói, nỗi bất lực trước cuộc sống… trở thành những ám ảnh có khả năng lây truyền.
Nhà văn Phùng Quán từng định vị cho sức mạnh và giá trị của thơ bằng một câu: “Có những phút ngã lòng / Tôi vịn câu thơ mà đứng dậy”. Đọc Trần Vàng Sao, thấy thơ đối với ông còn hơn thế: cả người và thơ như vịn vào nhau và trong nhiều cảnh huống, cả hai trở thành nguồn sống duy nhất nuôi nhau.
Nói thế không quá lời, bởi dường như cả cuộc đời Trần Vàng Sao là một bài thơ dài, vừa góc cạnh vừa trau chuốt, từng dạt dào lý tưởng đau đáu yêu thương đến tận cùng thất vọng, từng bị bội phản và cam phận khốn cùng…
Trong ngần ấy va đập với cuộc đời, chỉ có một thứ vẫn đồng hành bất biến với ông, là thơ. Còn lời thơ nào đau hơn khi một nhà thơ nói thật thế này: “Bạn bè gặp nhau / cho uống một ly cà phê / một lần / qua hai lần phải tránh / không phải ai cũng nghĩ như mình”.
Và từ chỗ trũng của cuộc đời như vậy, thơ của Trần Vàng Sao bất ngờ có những câu từ hồn nhiên trong trẻo và tươi đẹp bao dung khi ông viết về quê hương đất nước.
Thơ ông khi đó trở thành một mức hạn của tầm cao tâm hồn nhà thơ, cho dù cuộc đời đang trầm thấp thế nào: “Tôi yêu đất nước này như thế / như yêu cây cỏ trong vườn / như yêu mẹ tôi chịu khó chịu thương… / và tuổi thơ buồn như giọt nước trong lá sen / tôi yêu đất nước này và tôi yêu em / thuở tóc kẹp tuổi ngoan học trò / áo trắng và chùm hoa phượng đỏ / trong bước chân chim sẻ / ngồi học bài và gọi nhỏ tên tôi…”.
Ở phương diện vượt thoát hoàn cảnh để sáng tác, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã có một nhận định về Trần Vàng Sao thật xác đáng: “Nhịp đập trái tim ông là thứ kỳ diệu nhất gắn kết toàn bộ những gì thuộc về ông để vang lên thành thi ca”. Chính vậy, thi ca mới là phẩm quý ở đời.
Sống ở Thừa Thiên Huế, ông cũng có những câu thơ của một người trải nghiệm cảnh lụt: “nước lút mắt cá / nước quá đầu gối / nước tới bụng / nước ngang cổ / bùn cay trong mắt / bùn mắc trong miệng / tôi lủi / tôi mò / tôi cào / tôi lặn / mười ngón tay trụi hết móng / nổi chai / hai bàn chân hà ăn một nửa…” (Chử Đồng Tử)