Đầu năm 2021, bộ tiểu thuyết 2 tập “Giết chỉ huy đội kỵ sĩ” của nhà văn Nhật nổi tiếng Haruki Murakami ra mắt bạn đọc Việt. Trên 1.000 trang sách không phải là dễ đọc, nhưng bao giờ cũng thế, truyện của Murakami luôn đủ sức dẫn dắt độc giả vào chốn mê cung kỳ lạ, huyền ảo của các nhân vật, vừa như thực vừa như mơ.
Giấc mơ giữa ban ngày
Không hẳn là một tín đồ của Murakami, song tôi đã đọc gần như đầy đủ các tiểu thuyết mà Murakmi được dịch và xuất bản tại Việt Nam từ “Rừng Na Uy”, “Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời”, “Biên niên ký chim vặn dây cót”, “Xứ sở kỳ diệu vô tình và nơi tận cùng thế giới”, “Người tình Sputnik”, “Nhảy, nhảy, nhảy”… và cả bộ tiểu thuyết đồ sộ “1Q 84” (4 tập gần 2.000 trang).
“Giết chỉ huy đội kỵ sĩ” mở đầu khá cuốn hút với nhân vật tôi – một anh chàng họa sĩ chuyên vẽ tranh chân dung thương mại và bị vợ đòi ly hôn, bỏ nhà ra đi lên núi ở nhà của Amada Tomihiko – một họa sĩ bậc thày Nhật (hiện đang nằm viện dưỡng lão). Và anh tình cờ phát hiện ra “bức tranh đẫm máu” mang tên “Giết chỉ huy đội kỵ sĩ” trên chái nhà. Rồi hàng loạt chuyện xảy ra khi tiếng rung chuông nửa đêm như cầu cứu ai đó, căn hầm bên cạnh ngôi miếu, Menshiki – người đàn ông có mái tóc bạc trắng xuất hiện với lời đề nghị đặc biệt…
Trong suốt hành trình đó, nhân vật tôi phải đối mặt với quá khứ đau thương luôn hiện về từ cái chết vì bệnh tim của cô em gái nhỏ, từ mối tình với người vợ trẻ…, cuối cùng thì vòng tròn mở ra phải khép lại. Cuộc đời của anh họa sĩ trẻ liệu có cái kết hạnh phúc ? Và anh ta có vẽ được bức tranh – tác phẩm của đời mình?
Haruki Murakami vẫn xuất sắc như thường lệ khi tạo ra một thế giới hiện thực và siêu thực đan xen nhau, chồng lấp lên nhau, với sự pha trộn của phim phiêu lưu, phim kinh dị, của truyện tranh Nhật bản… Quá khứ, chiến tranh và cả những sự kiện lịch sử như Đức quốc xã áp đặt lên Áo hay quân đội Nhật thảm sát Nam Kinh cũng được đưa vào truyện. Lồng vào trong đó là những ý tưởng ẩn dụ mang tính triết học, tư duy nhân quả sâu sắc của đạo Phật, là hành trình đi tìm ý nghĩa, giá trị cuộc đời cũng là khám phá bản ngã đích thực của mình như hình ảnh Chỉ huy đội kỵ sĩ đại diện cho Ý tưởng hay hình ảnh người lái đò vô diện chở nhân vật qua sông. Cùng với sự am hiểu sâu sắc về hội họa thì cảm thụ âm nhạc và đưa âm nhạc trở thành một thành tố quan trọng trong sách luôn là thế mạnh của Murakami xuất phát từ việc ông từng chơi nhạc jazz khi xưa.
Có cảm giác, Murakami lần này đã lược bớt nhiều mỹ từ, dùng ngôn ngữ trực chỉ hơn. Dẫu vậy, nhà văn Nhật vẫn cho thấy sự bén nhạy của văn phong khi tạo ra những so sánh thú vị như “cốc nước vẫn còn 1/16”, “mùi của rừng cây non” hoặc những câu như “Một buổi tối vô cùng yên tĩnh. Như thể mây trên trời đã hút hết cả âm thanh của thế giới”.
Có một chút tiếc nuối (theo chủ quan) là nếu như Murakami viết cô đọng hơn, nhất là cuối tập 2 và cho một cái kết mở hơn như những cuốn khác thì “Giết chỉ huy đội kỵ sĩ” sẽ thú vị hơn chăng?!.
Nỗi buồn thấm vào từng tế bào
Truyện của Murakami bao giờ cũng là một nỗi buồn đọng lại khi gấp cuốn sách. Một nỗi buồn day dứt, ám ảnh cứ như một cái hố đen chìm sâu trong nội tâm nhân vật, trong người xem và cả tác giả.
Trong “Rừng Na Uy” đó là câu chuyện về đôi bạn trẻ yêu nhau tha thiết mà không bao giờ nắm bắt được nhau. Với “Người tình Sputnik” thì biến cố bị kẹt trên chiếc đu quay giữa trời để rồi cô gái nhìn vào phòng ngủ của mình thấy chính mình trong bản thể khác đang yêu người hàng xóm đáng ghét là một chi tiết cực kỳ ấn tượng mang tính biểu trưng sâu sắc.
Các nhân vật “tôi” trong truyện của Murakami đều rất tinh tế, nhạy cảm và thông minh nhưng đều bị nỗi cô đơn bủa vây cũng như những con người xung quanh khác. Như Menshiki, người đàn ông tóc bạc trắng, giàu sang, lịch lãm và thành đạt trong “Giết chỉ huy đội kỵ sĩ” tưởng như hạnh phúc trọn vẹn nhưng lại đầy cô đơn và không dám đi đến tận cùng của sự thật để xem cô bé Akikawa Marie có phải là con ruột của mình. Và lời của một nhân vật trong “Người tình Sputnik” như của chính tác giả: “Hàng triệu con người trên thế giới này, tất cả đều đang mong mỏi khát khao, đang tìm kiếm những người khác để thoả mãn mình nhưng lại tự họ cô lập họ. Vì sao? Có phải trái đất sinh ra chỉ để nuôi dưỡng sự cô đơn của con người?”.
Tuy nhiên, “Giết chỉ huy đội kỵ sĩ” lại đưa đến một cái kết đẹp hơn những cuốn sách khác của cùng tác giả. Nhân vật tôi sau khi trải qua cuộc hành trình dài đã hiểu mọi thứ đều có 2 mặt của nó, tốt xấu, đúng sai, đạo đức – phi đạo đức… kể cả trong cái tưởng như hoàn toàn tốt cũng có mặt xấu và ngược lại. Còn chọn thế giới nào là quyền của mỗi người, đó chính là “ẩn dụ kép”.
Lao Động