Đọc sách cùng bạn: Một người yêu nước mình

Đọc sách cùng bạn: Một người yêu nước mình

Tên tập là tên một bài thơ rất nổi tiếng của tác giả viết năm 1967 và đã được in và phổ biến từ trước 1975 trên miền Bắc. Nói vậy vì Trần Vàng Sao là bút danh của một người Huế đã tham gia phong trào đấu tranh của học sinh sinh viên xứ cố đô, sau đó được rút lên chiến khu, làm việc tại Ban tuyên huấn Thành ủy Huế. Bài thơ khi ra đời đã làm choáng váng ngất ngây mọi người đọc. Trước hết vì đây là “bài thơ của MỘT người yêu nước mình”. Từ trước đó chưa có ai nói rõ ràng và cụ thể đến vậy. Thơ yêu nước có nhiều nhưng đều là nói từ số đông, nhân danh cộng đồng. Lần đầu tiên có một bài thơ nói một người yêu nước mình chứ không phải là nhiều người. Cái tên bài thơ tự nó đã lôi cuốn và kích thích. Đọc vào thơ lại càng khác lạ xúc động. Lối thơ không vần vè hoa , từ chương sáo ngữ, mà là lối thơ tự do với những lời nói thật lòng thật bụng. Mở đầu bằng “buổi sáng tôi mặc áo đi giày ra đứng ngoài đường” bài thơ cứ thế nói lòng yêu đất nước mình của một con người bình thường. Đất nước được yêu ở đây cũng là một đất nước bình thường với cành cây ngọn cỏ quen thuộc, với những phận người lam lũ khổ đau.

buổi sáng tôi mặc áo đi giày 

ra đứng ngoài đường

gió thổi những bông nứa trắng bên sông

mùi tóc khô còn thơm lúa mùa qua

bầy chim sẻ đậu trước sân nhà

những đứa trẻ đứng nhìn ngấp nghé

tôi yêu đất nước này như thế

*

tôi yêu đất nước này xót xa

mẹ tôi nuôi tôi mười mấy năm không lấy chồng

*

tôi yêu đất nước này cay đắng

những năm dài thắp đuốc đi đêm

*

tôi yêu đất nước này như thế

như yêu cây cỏ ở trong vườn

như yêu mẹ tôi chịu khó chịu thương

nuôi tôi thành người hôm nay

yêu một giọng hát hay

có bài mái đẩy thơm hoa dại

có sáu câu vọng cổ chứa chan

có ba ông táo thờ trong bếp

và tuổi thơ buồn như giọt nước trong lá sen

 

*

tôi yêu đất nước này rau cháo

bốn ngàn năm cuốc bẫm cày sâu

*

tôi yêu đất nước này lầm than

mẹ đốt củi trên rừng cha làm cá ngoài biển

ăn ràu rìu rau éo rau trai

nuôi lớn người từ ngày mở đất

bốn ngàn năm nằm gai nếm mật

một tấc lòng cũng trứng Âu Cơ

một tiếng nói cũng đầy hồn Thánh Gióng

*

tôi yêu đất nước này chân thật

như yêu căn nhà nhỏ có mẹ của tôi

như yêu em nụ hôn ngọt trên môi

và yêu tôi đã biết làm người

cứ trông đất nước mình thống nhất.

Giọng thơ như lời nói thân thuộc này lại là mới mẻ trong thơ kháng chiến hồi đó đang rất vang rất mạnh giọng hùng ca, tráng ca. Bài thơ đề ngày tháng làm là 19.12.1967. Khi đó nhà thơ 26 tuổi. Lòng thương nhà yêu nước bình dị, chân thật, được nói lên bằng những lời thơ như lời thủ thỉ tâm tình tâm sự với điệp khúc “tôi yêu” đi từ mẹ cha xóm làng đến giống nòi dân tộc đã chạm đến cõi lòng của bao người. Bút danh Trần Vàng Sao càng nói lên một lòng yêu lòng tin của người làm thơ giữa ngày chia cắt đất nước mong ngày thống nhất hai miền “cho bên kia không gọi bên này là người miền Nam / cho bên này không gọi bên kia là người miền Bắc” để “lòng vui không thấy chật“.

Tác giả: Trần Vàng Sao

& Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2020

Số trang: 205

Số lượng: 2000

Giá bán: 130.000

Rồi ra cuộc đời Nguyễn Đính, tên thật của nhà thơ sinh ra ở thôn Vỹ Dạ (Huế) từng nổi tiếng trong thơ Hàn Mặc Tử, sẽ bị lao đao vì lòng tin lòng yêu này. Thơ ông càng về sau càng chất chứa tâm trạng, càng trĩu nặng buồn đau, càng day dứt thân phận. Nhưng dù trong hoàn cảnh nào, ở tâm thế nào, tiếng thơ ông vẫn luôn là tiếng nói thật của chính con người ông. Ông làm thơ như người thổi chai.

người thổi chai thổi cái chai qua lỗ trống

người thổi chai thổi từ cái không ra cái có

người thổi chai thổi cái không để đựng cái có

người thổi chai không thổi được chất chai chỉ thổi

được hình chai

 

người thổi chai thổi mình vào cái chai

(12.2012)

Thơ ông nói chuyện, kể chuyện mọi thứ trong cuộc đời thường nhật của ông mà đọc lên cuốn hút lạ thường. Ông khiến được người đọc khóc cười buồn vui cùng ông theo những bài thơ câu thơ miên man như mạch chuyện không thể dừng không thể ngắt mà chỉ có thể chìm vào đó để lắng đọng một niềm thương xót đớn đau. Trần Vàng Sao viết riêng một kiểu thơ của ông mà không ai viết được. Kiểu thơ nói tự do với cảm xúc, tình cảm và nhịp điệu làm nên thơ thứ thiệt. Ông viết về mình đã hay buốt ruột. Ông viết về cổ tích xưa Chử Đồng Tử, về đồng chí, về tìm xác đồng đội càng hay buốt tim. Ông viết thơ tự do dài quấn quít mà viết thơ lục bát ngắn cũng vướng vít.

cuối năm tôi kiểm thân tôi

thì tôi cũng vẫn là tôi thế này

không nhớ tháng không nhớ ngày

nửa đêm thức dậy chống tay ngó trời

bây giờ cho đến cuối đời

thì tôi cũng cứ như tôi thế này

(31.12.1986)

Thơ Trần Vàng Sao là chính cuộc đời ông, là chính con người ông, “một thi sĩ chân chính đến trầm luân, một người yêu nước đến đau đớn”, như Nguyễn Quang Thiều đã viết trong lời tựa.

Sinh thời thơ Trần Vàng Sao đã được in thành tập, nhưng đây là lần đầu tiên trong nước thơ ông được in trang trọng, đẹp đẽ, tuy chưa phải đã tập hợp đầy đủ các bài thơ của ông. Tập thơ do nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, người bạn thân cùng quê của Trần Vàng Sao tuyển chọn và đưa in. Họ, hai con người hai đường đời hai số phận khác nhau. Nhưng họ có chung nhau THƠ. Nguyễn Khoa Điềm đã có bài bài thơ về bạn mình mà tôi muốn dẫn ra đây để bạn có thể hiểu thêm Trần Vàng Sao khi đọc thơ ông.

Nhớ Nguyễn Đ.

Rồi có một ngày

Một người can đảm sẽ nói lên

Số phận một người tốt

Vinh quang một thời vàng son

Lẽ phải một cái chết

Rồi có một ngày

Có một người tốt

Bước ra từ

Nói về cái tốt bị lãng quên…

 

Chúng ta, kẻ không may mắn

Rồi cũng nhập vào dòng chảy của điều tốt đẹp

Dòng nước sẽ rửa sạch sự đớn hèn

Dẫu có khi đã nhường lời cho bọn khoác lác

 

Cuộc đời độ lượng

Có chỗ cho mọi vóc hình sự sống

Để sự sống phải mở đường đi

Qua bóng tối cái chết

(31.7.1985)

Bạn hãy đọc tập thơ này, đọc kỹ, đọc nhiều lần, đọc chậm, đọc thưởng thức và đọc suy ngẫm, bạn sẽ ngấm thơ Trần Vàng Sao với một cảm giác đau thấu tâm hồn. Khi đó bạn như được trò chuyện và tâm tình, đối thoại cùng ông, và được ông chia sẻ, giãi bày mọi khúc nhôi sự tình của một đời người “yêu đến đau thương tổ quốc của mình” (Chế Lan Viên).

Hẹn bạn lần tới với một cuốn sách mới khác.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *