Mỗi khi hai chữ nhân dân được viết ra trên trang giấy, người đọc như khựng lại mấy nhịp: có phải một tên quan tham nữa sắp lộ nguyên hình rồi không?
Tiểu thuyết Danh nghĩa nhân dân (Lục Hương dịch) của nhà văn Chu Mai Sâm ra đời trong bối cảnh chiến dịch chống tham nhũng “đả hổ diệt ruồi” dâng lên cao trào ở Trung Quốc.
Viết về một đề tài khó cả nghề văn lẫn nghề chính trị, Chu Mai Sâm đã lão luyện vẽ ra màn kịch đấu trí ở chốn quan trường tỉnh H, giữa một bên chống tham nhũng và bên kia là bè lũ đã bị danh lợi làm cho hủ bại.
Vào cái đêm lời khai của một viên trưởng phòng thuộc Bộ Xây dựng tuôn ra, chính trường tỉnh H đã không còn được trở về như cũ, từng thớ đất bị trốc lên để tìm kẻ tham nhũng, những vụ án mạng nhằm vào cán bộ điều tra được thi triển lạnh lùng. Trung tâm của cuộc chiến là Hầu Lượng Bình – cục trưởng Cục Chống tham nhũng tỉnh H.
Như Tôn Hành Giả trở mình phá ngọn núi tảng bằng ý chí sắt đá, Hầu Lượng Bình đã từng bước đưa bè phái hủ bại ra ánh sáng công lý, chỉ có điều sợi dây tham nhũng càng kéo càng dài, càng giật càng thấy người thân…
“Lượng Bình, cậu nhớ kỹ cho tôi, viện kiểm sát của chúng ta là viện kiểm sát nhân dân, tòa án của chúng ta là tòa án nhân dân, công an của chúng ta gọi là công an nhân dân.
Vì vậy chúng ta vĩnh viễn phải đặt lợi ích của nhân dân trong lòng mình, vĩnh viễn, vĩnh viễn” – những lời nói khiến người ta run run xúc động này là từ Cao Dục Lương, thầy giáo cũ của Hầu Lượng Bình và nay là bí thư ủy ban chính trị tỉnh H.
Khoảnh khắc nghe được lời khuyên nhủ, Hầu Lượng Bình thực sự đã bị kích động mãnh liệt, trong lòng tự nhủ sẽ đeo đuổi vụ án tham nhũng đến cùng. Cả anh cũng không ngờ người nói ra câu chữ hùng hồn kia lại chính là kẻ sừng sỏ nhất đứng đằng sau tấm màn trướng giăng biểu ngữ nhân dân.
Các nhân vật trong cuốn sách của Chu Mai Sâm ngoài mặt chữ thì được chia làm hai tuyến chính – tà nhưng tựu trung lại chỉ là một tuyến: chính trị gia. Nói như vậy có nghĩa là những mưu kế chính trị được rải lớp lang khắp các trang sách.
Người ngay thẳng cũng muốn leo lên địa vị cao hơn, kẻ dính chàm lại càng muốn cao hơn nữa, nếu chống tham nhũng mà không có nghề chính trị thì sớm muộn cũng bị người ủng hộ mình quay lưng lại.
Sự nghiệp tiểu thuyết của Chu Mai Sâm đều là về chốn quan trường, cách ông viết về thủ thuật Hầu Lượng Bình lách qua những cạm bẫy chính trị cũng khiến người đọc phải rùng mình vì sự liều lĩnh trong ngòi bút, sự sắc bén trong tư duy.
Nhân dân là tầng lớp ít xuất hiện nhất trong tập sách. Những quan chức đấu đá nhau, nhân dân chính là người chịu hậu quả sau rốt, nhưng trên mặt trận danh nghĩa, mặt trận phát biểu, mặt trận hội nghị… lúc nào cũng nghe bô bô hai chữ này.
Đương đầu với những kẻ giả nhân giả nghĩa, lại có quyền thế, có chỗ dựa (tài nguyên chính trị nói như lời tác giả Chu Mai Sâm), cục trưởng Hầu Lượng Bình như một người đi giữa bão lửa.
Dẫu đến cuối truyện, “củi ướt củi khô” từ địa phương đến trung ương đều bị cháy rụi nhưng mầm mống tham nhũng vẫn tiếp tục sinh sôi. Cuốn sách như một lời nhắc nhở đến những con người làm phòng tuyến chống tham nhũng: khi nào còn có người dựa vào quyền lực để mưu cầu hư vinh cho bản thân, ngày ấy tham nhũng còn cơ hội ngóc dậy từ tro tàn.
Cuốn sách đi sâu vào bản chất của con người, nơi lương tri phải đấu tranh với quyền lực để giành giật lại chính mình. Chỉ trong hoàn cảnh cam go, thử thách như vậy, chúng ta mới biết được chỗ đứng của nhân dân là ở đâu.
Tuổi trẻ