Cuốn sách Đại dương đen của TS. Đặng Hoàng Giang ghi lại câu chuyện của những người trầm cảm, cùng các mô hình lý giải căn bệnh và các phương pháp trị liệu chính, sắp phát hành tháng 8.2021. Đường dây nóng Ngày mai chuyên dành cho những người trầm cảm đã đi vào hoạt động từ ngày 12.5.2021. Không gian chữa lành Vườn Xả tại Buôn Ma Thuột cũng đang đi vào giai đoạn hoàn thiện.
Từ nhật ký đường dây nóng Ngày mai
“Đúng hai phút sau một giờ chiều ngày 12.5.2021, thời điểm Ngày mai chính thức hoạt động, điện thoại đổ chuông, báo hiệu cuộc gọi đầu tiên. Liệu người gọi đã căn giờ, chờ đợi thời điểm đó, như cả team của dự án đã đợi?
Ở đầu dây bên kia là một người đàn ông trung niên, gọi tới từ Nam Trung bộ. Đây là một tín hiệu tốt, khi một người lớn tuổi và không ở thành phố lớn vượt qua kỳ thị để có thể nói về bệnh trầm cảm của mình. Chắc hẳn ông phải cảm thấy Ngày mai là một nơi an toàn, dù ông không quen biết người tiếp chuyện mình. Nhưng người cho đi không phải chỉ là người trực điện thoại của Ngày mai, và người nhận được không phải chỉ là người đàn ông kia.
Bạn trực của Ngày mai cũng nhận được rất nhiều. Đây là những chia sẻ của bạn vào cuối ca: “Mình thấy thật sự xúc động và biết ơn sau khi kết thúc ca trực đầu tiên. Xúc động vì thấy mình được tin tưởng để làm bạn và dạo chơi thật sâu trong tâm trí của những “người bạn” mình. Biết ơn, vì mình được ngồi đó lắng nghe, chiêm nghiệm về chính mình, dành thời gian cho mình và cho những “người bạn”.
Hãy gọi điện nếu bạn có nỗi niềm mà không biết kể cho ai, Ngày mai sẽ lắng nghe: 096.306.1414, từ 13g – 20g30 mỗi thứ Tư, Sáu, Bảy và Chủ nhật. Hãy gọi cho Ngày mai, nếu bạn có nỗi niềm muốn chia sẻ”. Lời kêu gọi để được chia sẻ của Ngày mai dành cho những người đang rơi vào khủng hoảng tâm lý, trầm cảm, khó có thể chia sẻ cùng ai, đã nhanh chóng được hồi đáp.
Đường dây nóng Ngày mai là dự án sáng lập từ ý tưởng của TS. Đặng Hoàng Giang, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu Phát triển cộng đồng (CECODES) và chuyên gia tâm lý Nguyễn Hà Thành. Dự án có thể được xem là chỗ dựa, là người bạn của những người đang mang trong mình tâm bệnh. Đây cũng là dự án song song với cuốn sách Đại dương đen và không gian chữa lành Vườn Xả.
TS. Đặng Hoàng Giang đã chia sẻ với Người Đô Thị về những dự án này.
TS. Đặng Hoàng Giang.
Lý do nào mà anh bắt đầu với đường dây nóng Ngày mai và cuốn sách Đại dương đen?
Tôi quan tâm tới chủ đề trầm cảm khi làm việc với các bạn trẻ trong cuốn sách Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ. Tôi nhận ra có những người bị khủng hoảng, rối loạn tâm lý, trầm cảm nhưng lại bị lãng quên, sống trong bóng tối, không được quan tâm, không được giúp đỡ, thậm chí bị kỳ thị. Sau cuốn sách đó, tôi mong muốn tìm hiểu rõ hơn, kỹ hơn về chủ đề trầm cảm, để phần nào giúp đỡ họ và cất lên tiếng nói hộ họ.
Từ mối quan tâm đó, tôi bàn bạc với chị Nguyễn Hà Thành về việc mình có thể làm gì để giúp những người trầm cảm. Sau đó, chúng tôi cùng lên ý tưởng cho đường dây nóng Ngày mai và một năm sau thì triển khai, bắt đầu hoạt động vào tháng 5.2021. Song song đó, tôi cũng gặp gỡ, trò chuyện với những người trầm cảm có hoàn cảnh, tuổi tác, nghề nghiệp khác nhau để hiểu hơn về thế giới của họ. Tôi cũng đọc nhiều sách chuyên môn để có kiến thức về lĩnh vực này. Kết quả là cuốn sách Đại dương đen sẽ ra mắt vào tháng 8.
Những người trầm cảm sẽ gọi điện thoại đến đường dây nóng gặp tình nguyện viên chứ không phải là bác sĩ tâm thần hay chuyên gia tâm lý. Anh có thể chia sẻ về đội ngũ tình nguyện viên của dự án?
Tất cả các đường dây nóng của mọi quốc gia đều không sử dụng bác sĩ tâm thần hay chuyên gia tâm lý cho việc trực điện thoại. Thông qua tập huấn, đào tạo, giám sát, hỗ trợ, chúng tôi xây dựng được đội ngũ các tình nguyện viên đáp ứng được nhu cầu của đường dây nóng. Các tình nguyện viên là sinh viên năm cuối hoặc đã tốt nghiệp 3 ngành học y tế công cộng, công tác xã hội, tâm lý học. Các bạn đã được huấn luyện về cách giúp đỡ, giao tiếp với người khác.
Linh hồn của đường dây nóng là các bạn tình nguyện viên này. Người gọi điện thoại đến có cảm thấy được quan tâm hay không phụ thuộc vào các bạn. Nhưng cũng nói thêm, các bạn không thay thế chuyên gia tâm lý hay bác sĩ tâm thần. Các bạn không chữa được bệnh cho người trầm cảm thông qua cuộc nói chuyện 30 phút. Cái mà các bạn đem lại là một sự an ủi, một sự quan tâm để người gọi điện thoại đi qua được thời điểm khủng hoảng của mình.
Đường dây nóng không thể thay thế cho bệnh viện tâm thần, các nhà trị liệu tâm lý. Đây có thể được hiểu là thuốc giảm đau chứ không phải là ca phẫu thuật phức tạp.
TS. Đặng Hoàng Giang và chuyên gia tâm lý Nguyễn Hà Thành, cùng các tình nguyện viên của đường dây nóng Ngày mai.
Hiện nay, nhu cầu về tình nguyện viên của chúng tôi đã đủ. Trong tương lai, nếu có nhu cầu mở rộng và thay người (do không ai trực điện thoại mãi mãi được) thì chúng tôi sẽ tuyển thêm. Đến bây giờ, hoạt động của chúng tôi đã khá ổn. Ban đầu, tất cả các bạn đều hồi hộp, nhưng dần dần, các bạn cũng quen với cảm giác bất lực, không thể giúp một cách rốt ráo những người đang có vấn đề quá lớn, dần biết rằng việc mình làm có vai trò rất nhỏ. Đó là những thử thách cá nhân mà các bạn tình nguyện viên phải vượt qua và trưởng thành từ đó. Về chất lượng, thông qua những cuộc gọi đến, chúng tôi nhận thấy hiện nay mọi thứ đang đi đúng hướng.
Một trong hai thành viên sáng lập của dự án là chị Nguyễn Hà Thành. Chị Hà Thành là chuyên gia tâm lý có nhiều năm kinh nghiệm. Chị kết nối một nhóm các đồng nghiệp để tham gia tư vấn, hỗ trợ, kết hợp đào tạo và kèm cặp cho các bạn tình nguyện viên của dự án.
Sau một thời gian ngắn hoạt động, đâu là khó khăn mà Ngày mai gặp phải?
Cái mà chúng tôi đang mong muốn là đường dây nóng Ngày mai được biết đến nhiều hơn, chạm đến cộng đồng nhiều hơn để người ta có thể tự tin gọi điện thoại đến dịch vụ của đường dây nóng.
Một số lý do để giải thích việc người ta không gọi đến, có thể người rất cần thì không biết đến sự hiện diện của Ngày mai, ví dụ trong thời điểm dịch bệnh này, công nhân thất nghiệp, người lao động khu cách ly, y bác sĩ… những người cần được quan tâm nhất thì họ không biết.
Trường hợp thứ hai là có những người trầm cảm, có tâm bệnh nhưng không vượt qua được những rào cản tâm lý, nghĩ rằng gọi điện thoại đến chỉ khóc lóc thôi thì xấu hổ lắm… Nhiều người trầm cảm tự cho rằng vấn đề của họ không xứng đáng được quan tâm vì nhiều người còn cần đường dây nóng hơn nên họ không dám gọi điện. Có nhiều lý do ngăn cản đường dây nóng được biết đến nhiều. Đây là một thách thức mà trong thời gian tới, chúng tôi phải nghĩ cách để lan tỏa dự án nhiều hơn, phải gỡ được những khúc mắc tâm lý của người trầm cảm.
Hoạt động gây quỹ của đường dây nóng Ngày Mai.
Việc lan tỏa dự án cũng không dễ dàng là bởi với sự kỳ thị và định kiến của xã hội, rào cản tâm lý, rất khó để một người, nhất là những người nổi tiếng, có tiếng nói trong xã hội đứng lên nói rằng “tôi đã từng trầm cảm”. Đó là thách thức chung của xã hội hiện nay, người ta có thể khẳng định mình bị ung thư, khẳng định mình là gay, mình có HIV nhưng để khẳng định tôi bị trầm cảm thì hiếm.
Dự án Ngày mai hoàn toàn phi lợi nhuận, vậy kinh phí nào để vận hành?
Khi gọi điện thoại đến đường dây nóng, người gọi chỉ mất chi phí viễn thông, ngoài ra không có chi phí phát sinh nào khác. Các chi phí cho dự án như văn phòng, internet, điện nước, và một thù lao nhỏ cho các bạn tình nguyện viên đến từ việc gây quỹ. Việc gây quỹ hiện nay khá suôn sẻ, thuận lợi, cho thấy sự quan tâm của cộng đồng trong vấn đề sức khỏe tâm thần rất lớn.
Hiện nay, tài chính không phải là vấn đề cấp thiết của Ngày mai. Tuy nhiên, nếu tài chính tốt hơn thì thù lao cho các bạn tình nguyện viên sẽ xứng đáng hơn…
Là thạc sĩ công nghệ thông tin, tiến sĩ kinh tế phát triển, nhà nghiên cứu về xã hội công dân và quản trị nhà nước, nhưng vài năm gần đây, anh viết những cuốn sách phi hư cấu đi sâu vào lĩnh vực tâm lý, xã hội học. Vì sao có sự chuyển hướng này?
Tôi quan tâm và muốn tìm hiểu về thế giới phong phú và khác lạ với mình. Tôi cũng muốn hiểu hơn về con người. Tôi quan tâm đến nhân quyền, nhân phẩm của những nhóm người bị bỏ rơi, những người yếu thế. Có thể đó là người trẻ trong gia đình, trong xã hội không có tiếng nói, bị bố mẹ ngược đãi, hắt hủi, sử dụng họ như một công cụ của bố mẹ, hoặc có thể là những người trầm cảm, bị kỳ thị, sống trong bóng tối và không cất được tiếng nói của mình.
Anh có bao giờ bị trầm cảm?
Trong quá khứ, tôi có nhiều giai đoạn trải qua những khủng hoảng tâm lý, khá là dữ dội, kéo dài và ảnh hưởng đến chính cuộc sống của cá nhân tôi. Hồi đấy, do chưa có hiểu biết nhiều và đúng về trầm cảm nên tôi cũng không rõ mình bị trầm cảm ở mức độ nào. Nếu như với sự hiểu biết của tôi bây giờ thì hồi đó tôi đã tìm đến các chuyên gia tâm lý để được giúp đỡ chứ không phải tự mình đi qua nó một cách vật vã như vậy.
Hiện nay, anh còn có một dự án phi lợi nhuận khác mang tên Vườn Xả ở Buôn Ma Thuột, ai là người có thể đến với Vườn Xả?
Khi làm việc với các bạn trẻ, các bệnh nhân ung thư, những người trầm cảm, tôi nhận thấy họ có nhu cầu có một không gian vật lý để được chữa lành. Họ có thể tới một nơi chốn, tách ra cuộc sống hằng ngày để được nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng, tiếp thêm năng lượng và sống trong một tập thể nhỏ, thân ái và thấu cảm. Họ được kết nối với thiên nhiên, có sự tĩnh lặng để quay lại với chính bản thân mình, đặt câu hỏi về ý nghĩa của cuộc sống và tìm đường đi cho tương lai. Tất cả điều đó đều rất cần thiết cho mọi người, đang khỏe mạnh hoặc có tâm bệnh.
Dự án Vườn Xả cũng nằm trong mối quan tâm về sức khỏe tinh thần của tôi.
Không gian chữa lành Vườn Xả tại Buôn Mê Thuột đang đi vào giai đoạn hoàn thiện.
Qua việc làm vườn, sửa nhà, đóng đồ gỗ, nấu ăn chay, qua các lớp yoga, các buổi thiền, các buổi trò chuyện, thảo luận sách và sáng tạo nghệ thuật, người ở Vườn Xả xây dựng sự vững chãi, yêu thương bản thân, khả năng tha thứ cho người khác và cho chính mình.
Vườn Xả cách Buôn Ma Thuột 10km, diện tích 4.000m2, có những phòng tập thể. Điều kiện ăn ở đầy đủ nhưng đạm bạc chứ không như một resort hay homestay. Hiện nay, mô hình của Vườn Xả là dự án phi lợi nhuận, đóng góp tùy tâm. Mọi người đến, sử dụng không gian và đóng góp tùy theo khả năng của mình. Nếu là sinh viên, người thất nghiệp, bạn có thể đóng góp rất ít hoặc không đóng góp gì cả; còn một người dân văn phòng hoặc kinh doanh, có thể đóng góp nhiều hơn.
Chúng tôi đang trong quá trình hoàn thiện thì dịch bệnh kéo đến, hy vọng khi dịch bệnh được kiểm soát thì Vườn Xả sẽ sớm hoạt động.
Trâm Anh thực hiện – Ảnh: NVCC
Đại dương đen – những câu chuyện từ thế giới của trầm cảm
Mức độ phổ biến của căn bệnh trầm cảm ở Việt Nam không hề nhỏ, nhưng điều đáng lo âu là, ở một đất nước đang phát triển như thế này, hầu hết những người trầm cảm lại không được trị liệu. Người ta nghĩ rằng đó là một trạng thái đau buồn chóng vánh, cứ cố lên nó sẽ qua, và nếu không qua thì tức là ta chưa cố gắng hết mình.
Bìa cuốn sách “Đại dương đen”.
Trong bối cảnh xã hội coi việc chăm sóc sức khỏe tinh thần là xa lạ, và nền y tế thiếu hụt cả về lượng lẫn chất để chữa trị cho người trầm cảm, thì cuốn sách Đại dương đen đóng vai trò giáo dục tâm lý (psychoeducation) quan trọng, cung cấp cho người mang bệnh và người thân của họ kiến thức đúng về bệnh, hiểu về các triệu chứng của nó, về nguồn cơn gây ra nó, nắm được các phương pháp trị liệu khác nhau với các mặt lợi và bất lợi, hiểu về vai trò và trách nhiệm của bản thân để hợp tác và tham gia vào quá trình trị liệu.
Những câu chuyện từ thế giới của những người trầm cảm được kể trong cuốn sách Đại dương đen của Đặng Hoàng Giang có thể gây ra một cú sốc cho những người bình thường chúng ta: không ai có thể hình dung thế giới ấy lại đen tối và đau đớn đến thế. Hằng ngày chúng ta đi làm, đi chơi, lướt mạng chém gió, càu nhàu về nạn tắc đường, bực tức vì trời quá nóng, và nhìn chung than thở rằng cuộc sống nhàm chán, không hề biết rằng cái nhàm chán đó là nỗi khát khao của biết bao con người.
Trong hầu hết những câu chuyện được kể trong cuốn sách, gia đình của người mang bệnh trầm cảm không chịu thừa nhận đó là một căn bệnh, họ cho con cái mình làm trò, thích gây chú ý; cá biệt có trường hợp chính người bị bệnh không chịu thừa nhận mình có bệnh – như Xuân Thủy: “Không, mình không thể bị cái bệnh đó, nó không liên quan gì tới mình. Nó là cái thứ mà chỉ những người kém cỏi, thô thiển, thường xuyên khóc lóc vật vã, mới bị. Mình lịch lãm, sạch sẽ, đẹp đẽ, ăn nói gãy gọn, IQ, EQ sáng láng, mình không bị trầm cảm được.”
Nhưng Đại dương đen không chỉ là lời chia sẻ quý giá hiếm hoi đối với những người trầm cảm, cũng không chỉ là cuộc giáo dục tâm lý, sâu sa hơn, cuốn sách này là tiếng nói vì nhân quyền, nhắc nhở chúng ta rằng: rất nhiều người, vì định kiến và sự thiếu hiểu biết của chính gia đình mình và xã hội, đã bị tước đi quyền được sống với nhân phẩm, được cống hiến, được yêu thương và hạnh phúc…
T.V.X