Ở Việt Nam, Đặng Hoàng Giang có thể coi là tác giả mở đầu cho dòng sách phi hư cấu lấy người vô danh làm trung tâm. Ba cuốn gần đây của anh nói về người bệnh ung thư (Điểm đến cuộc đời), người trẻ gặp trục trặc với gia đình (Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ), người bệnh trầm cảm (Đại dương đen) đều được đón nhận tích cực.
Có thể thấy Đặng Hoàng Giang ưu tiên những người yếu thế và ở vị thế nạn nhân. Qua những cuốn sách của mình, anh muốn họ được thấu hiểu, nỗi đau của họ được xã hội chia sẻ và từ đó bệnh trạng cũng như số nạn nhân được giảm thiểu. Những cuốn sách như vậy ban đầu có thể làm độc giả choáng nhưng thực ra có tác dụng chữa lành.
Hấp dẫn của phi hư cấu
Để thực hiện bài viết này, tôi có một cuộc phỏng vấn gần 40 phút với anh. Để có được một câu chuyện cho mỗi cuốn sách, anh phải dành nhiều tháng có khi đến cả năm để phỏng vấn sâu và tiếp cận nhân vật qua nhiều kênh: nhật ký, Facebook, Instagram, người thân, bạn bè…
Tôi hình dung ra áp lực khủng khiếp của việc bóc băng. Nhưng Giang cho hay đã có người bóc thuê. Phần lớn chi phí để viết ra cuốn sách dồn cho việc đó. Tiếp theo, anh phải mua một lượng lớn sách chuyên ngành từ nước ngoài để tham khảo.
Tác giả Đặng Hoàng Giang và độc giả trong một buổi ra mắt sách
Một nửa số trang của Đại dương đen là kết quả của việc phân tích và tổng hợp những nghiên cứu mới nhất về trầm cảm.
Ngoài ra anh cũng phải bay từ Hà Nội vào TP.HCM để gặp một số nhân vật, để có thể tiếp cận sâu. “Trước tiên, phải gặp một số buổi trực tiếp để có kết nối cá nhân rồi về sau mới có thể chat hoặc gọi video”, Giang nói.
Đại dương đen đưa ra một thông tin đáng lưu ý: Trầm cảm có thể bị “lây” từ người bệnh sang những người yêu thương, gần gũi họ. Một cô gái đã “lây” cho người yêu, người bố cao tuổi cũng trầm cảm sau thời gian dài chăm sóc con trai…
Người đọc vẫn cảm thấy sự bức bối từ những trang sách của anh. Vậy bản thân anh khi tiếp xúc trực tiếp với nguồn tin trong thời gian dài, làm thế nào để không bị ảnh hưởng?
“Tôi luôn quan sát những cảm xúc của mình trong khi nói chuyện với nhân vật để có khoảng cách với chúng,” Giang cho hay.
“Mình biết chúng tồn tại, mình đứng cạnh chúng và không để chúng cuốn đi. Hơn nữa, đây là công việc, nên trong khi lắng nghe nhân vật, tôi luôn luôn có những suy nghĩ mang tính kỹ thuật: mình cần phải hỏi tiếp thế nào, chi tiết nào quan trọng, chi tiết nào phải được kiểm chứng hoặc đào sâu hơn.
“Điều đó cũng giúp tôi không bị cuốn theo cảm xúc và giữ khoảng cách nhất định với những gì đang xảy ra. Tương tự một nhiếp ảnh gia chiến trường thấy quanh mình bom rơi, đạn lạc, máu đổ, nhưng cùng lúc vẫn phải suy nghĩ xem xây dựng bố cục ảnh thế nào, căn sáng ra sao”.
Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ ngồn ngộn những câu chuyện của những người trẻ đầy ắp tâm sự chỉ chờ được hỏi là tuôn ào ạt. Cuốn hút nhưng cũng dễ làm người đọc bị rối, đôi khi phải lật lại xem mình đang ở trong chuyện của nhân vật nào.
Công việc hiện nay của anh là viết lách và hoạt động xã hội. Giang: “Nhìn lại, tôi thấy đấy là quá trình đi tìm bản thân, định hình con người mình, định hình việc mình là ai, muốn làm gì, đóng góp cho xã hội như thế nào”.
Ba mươi chín tuổi, anh quyết định đưa vợ con về Việt Nam. Chính thời gian làm việc trong nước đã thôi thúc anh phải viết tác phẩm đầu tay Bức xúc không làm ta vô can khi đã gần 50.
“Nếu cứ sống ở nước ngoài thì mình sẽ không viết sách hoặc nếu viết thì nội dung tất nhiên sẽ khác”, anh phỏng đoán.
Cuộc sống ở Áo êm ấm và an toàn nhưng lại không nhiều ý nghĩa với Giang, khiến anh thấy chán chường. “Vẫn cảm thấy thiếu cái gì đấy. Thiếu sự sôi động, thiếu cảm giác mình là một thành phần trong xã hội, mình không thuộc về văn hóa, cộng động, tập thể đấy.
Ở nước ngoài, dù mình có bằng cấp, đi làm đàng hoàng, mình vẫn có cảm giác ở ngoài lề”, anh cắt nghĩa. Và một thiếu thốn quan trọng anh nhận ra, chính là những yếu tố văn hóa Việt Nam, Á Đông: “Hồi trẻ, mình rất thích ra nước ngoài để học hỏi, tìm hiểu những cái mới. Khi đã trung niên, mình lại muốn tìm lại cội nguồn của mình”.
Tháng 5/2021, Đặng Hoàng Giang và chuyên gia tư vấn Nguyễn Hà Thành khởi động Ngày Mai- đường dây nóng duy nhất ở Việt Nam hướng đến đối tượng trầm cảm. Trực đường dây là các tình nguyện viên tốt nghiệp hoặc đang học năm cuối ngành Tâm lý học, Công tác Xã hội hoặc Y tế Công cộng. Đây là dự án cộng đồng phi lợi nhuận dài hơi được gây quỹ qua mạng.
“Ở các nước, những đường dây nóng như thế rất phổ biến. Với dân số tương tự Việt Nam, họ có đến hàng chục đường dây nóng cho các nhóm người khác nhau. Việt Nam mà không có Ngày Mai sẽ là một sự thiếu vắng đáng tiếc nên chúng tôi muốn duy trì dự án càng lâu càng tốt”, anh bày tỏ.
Ngoài việc an ủi chia sẻ qua điện thoại, Ngày Mai cũng sẽ giúp kết nối người gọi với các chuyên gia tâm lý, bác sĩ tâm thần để họ được trị liệu bài bản, lâu dài.
Dù sao khả năng này vẫn khá hạn chế vì nghề tư vấn tâm lý ở Việt Nam mới có mã ngành năm ngoái và các bệnh viện tâm thần thường ở tình trạng quá tải do thiếu bác sĩ. Chi phí sử dụng những dịch vụ này cũng khá cao so với thu nhập trung bình, một giờ tư vấn tâm lý hiện rơi vào khoảng từ trên dưới một triệu tới vài triệu.
Một dự án nữa là Ký ức Đại Dịch do anh đồng khởi xướng cùng các cây viết Võ Thiều Bảo Yên, Bùi Phương Thảo và Trần Thị Thanh Thảo. Trang Facebook của dự án đang kêu gọi mọi người đóng góp những câu chuyện của bản thân trong quá trình đối mặt với đại dịch.
Giang phân tích: “Truyền thông và ký ức chính thống vốn hay tập trung vào những anh hùng, những người có quyền lực, ngợi ca chiến thắng mà dễ bỏ qua những trải nghiệm của những cá nhân vô danh”. Một lần nữa, anh không muốn câu chuyện, số phận của những người vô danh bị chìm lấp trong ký ức chung của cộng đồng.
TS Đặng Hoàng Giang
“Vài năm gần đây, tôi cảm thấy may mắn vì được kết nối, làm quen với rất nhiều người, không phải nổi tiếng, giỏi giang theo đánh giá của xã hội. Được gần gũi, đi vào cuộc sống của những người vô danh, bình thường khiến cuộc sống của mình giàu có hơn. Rồi việc viết lách đem lại cho mình nhiều tương tác của bạn đọc. Qua phản hồi của họ, mình cảm thấy công việc của mình hữu ích.
Về nước, sống gần bố mẹ cũng là điểm rất tốt với tôi. Với gia đình tôi, quyết định về nước hoàn toàn đúng. Tất nhiên có những thiệt thòi nhất định vì cuộc sống ở Việt Nam không hoàn hảo, thiếu nhiều sinh hoạt văn hóa so với bên kia, y tế, hạ tầng, phúc lợi xã hội nói chung không thể bằng. Bù lại, mình có những điều mà bên kia không có. Tóm lại, không nơi ở nào hoàn hảo, quan trọng là mình ý thức được mình muốn gì”.
Bài viết thể hiện phong văn và quan điểm riêng của tác giả Nguyễn Mạnh Hà, hiện sống ở Hà Nội.