Quyển sách bàn về căm ghét trên mạng của Đặng Hoàng Giang đọc lúc nào cũng hợp vì trên mạng luôn có những vụ cộng đồng mạng sục sôi tấn công ném đá một ai đó, vì như tác giả nói, đám đông trên mạng luôn lùng sục tìm kiếm nạn nhân tiếp theo. Tháng 11-2018, dường như nạn nhân mới nhất là cô giáo đã trừng phạt học trò bằng cách cho bạn cùng lớp tát vào mặt em 230 cái, trước khi tự tay mình tung cú tát cuối cùng.
Trong Thiện ác và smartphone, Đặng Hoàng Giang có vẻ như đứng về phe của những người bị ném đá, như Hà Hồ trong vụ “hóa đơn không Hà”, các bảo mẫu hành hạ trẻ em, và kêu gọi ta nhân từ với họ? Thoạt nhìn có thể là như vậy, song ý tác giả có thể chỉ muốn ta cân nhắc trước khi tham gia ném đá trên mạng, bởi “căm ghét phá huỷ cả người bị ghét lẫn người ghét”. Ta không cần thánh thiện đến mức ko nổi điên lên trước một vụ bức xúc nào đó bởi đó là phản ứng rất con người. Song, như lời bạt trên bìa gấp của cuốn sách, nếu bạn đọc hết quyển sách này, “bạn sẽ không like, share hay comment những câu chuyện trên mạng xã hội vội vã như trước nữa.”
Có một câu chuyện được nhắc đến một bài viết trong quyển này mà mình nhớ khá rõ và đã từng muốn nhắc lại nó khi review Thánh giá rỗng của Keigo Higashino. Đặng Hoàng Giang kể chuyện gia đình người Mỹ có con gái bị một thanh niên lái xe trong lúc say rượu đâm chết đưa ra yêu cầu bồi thường là mỗi thứ sáu hằng tuần trong vòng 18 năm, cậu ta gửi cho họ một cái séc trị giá 1 đôla, ghi tên người được hưởng là con gái họ. Việc này đồng nghĩa với mỗi tuần, bố mẹ nạn nhân lại xé miệng vết thương của kẻ làm chết người, và cùng lúc đó, tự xé miệng vết thương của chính mình. “Vì sao họ lại lựa chọn đắm chìm trong địa ngục của đau khổ? … Vì họ không thể nào tha thứ” – Đặng Hoàng Giang kết lại câu chuyện.
Thiện ác và smartphone nói rất nhiều về sự tôn trọng nhân phẩm con người, sự tha thứ, lòng bao dung và trắc ẩn. Mình cũng không cầu mong sẽ có lúc phải ở trong một cảnh huống buộc mình phải thấu cảm hay bao dung, vì mình hiểu cảm giác của người trong cuộc và ngoài cuộc là một trời một vực. Nhưng mình chép lại đây quan điểm của Đặng Hoàng Giang về tha thứ. “Tha thứ không phải là im lặng, bỏ qua, hay biện hộ cho cái sai và cho phép hành vi gây hại tiếp tục. Tha thứ không phải là ra vẻ “mọi thứ đều ổn”, không có vấn đề gì, hoặc có nhưng “chỉ là chuyện nhỏ thôi”. Tha thứ là giải phóng bản thân khỏi sự ám ảnh của cái bất công xảy ra với mình, và sống một cuộc sống độc lập, không bị bóng đen của kẻ gây hại phủ lên”.
xuxudocsach