Nếu bạn đọc “Werther” bằng một cái đầu lạnh, một sự lý trí sắt đá, hẳn bạn sẽ không thể ưa được anh chàng này. Bạn sẽ phải tự hỏi vì sao một nhân vật như thế lại có thể trở thành nhân vật chính trong một tác phẩm văn học kinh điển, khi mà đáng lẽ ra nó phải truyền bá sự tốt đẹp và tích cực, chứ không phải là một người si mê “vợ người ta” đến điên cuồng để rồi kết thúc bằng một cái chết! Thế nhưng mà văn chương đâu phải chỉ có nhiệm vụ lan tỏa những gì đáng được gọi là nhân văn, nó còn soi tỏ cho ta thấy rất nhiều số phận khác nhau qua những lăng kính đa chiều – dẫu cho những thứ đó có đi ngược lại giá trị chung, có xấu xí, có gai góc như thế nào. Câu chuyện về Werther là câu chuyện có thể khiến cho nhiều người tôn sùng những giá trị đạo đức cao đẹp và đúng đắn cảm thấy khó chịu. Nhưng đối với tôi, đây là một câu chuyện đầy giá trị nhân văn khi nó bộc bạch và đề cao tính cá nhân, lên tiếng cho cái quyền được tự vỗ về bản ngã yếu đuối và trần trụi của mỗi con người – thứ mà ai ai cũng cần, nhưng ít ai dám nói.
Cốt truyện của “Werther” khá đơn giản, một chàng trai ở độ tuổi đôi mươi trúng tiếng sét ái tình với một cô gái, chỉ tiếc thay cô gái ấy đã có hôn ước với vị hôn phu của mình. Toàn bộ tác phẩm chủ yếu nói về sự dằn vặt, day dứt trong tâm hồn của Werther khi không thể có được thứ mà chàng muốn – một cuộc sống hạnh phúc vĩnh hằng bên cạnh nàng Lotte. Để rồi ở điểm cuối cùng của giới hạn chịu đựng, một phát súng vào hộp sọ đã kết thúc chuỗi ngày đầy “rối loạn, si mê, náo động nhiệt cuồng và ngao ngán cuộc sống” của Werther. Tuy câu chuyện chỉ có vậy, nhưng “Nỗi đau của chàng Werther” vẫn có thể vụt sáng thành một trong những cuốn sách best-seller đầu tiên của thế giới vào năm 1774 không gì khác chính là nhờ vào tài năng của tác giả Johann Wolfgang von Goethe, một tài năng sớm nở rộ khi ông chỉ mới 25 tuổi đầu. Sự ca tụng của người đời dành cho ông không sao kể xiết. Nhưng chỉ khi tự mình trải nghiệm qua, ta mới thấm thía được cái hay của nó cũng như nhận ra những yếu tố nào đã khiến cho nó trở nên thu hút và thành công đến như vậy.
Đầu tiên, xuất phát từ hình thức là tiểu thuyết được viết dưới dạng thư tín. Cấu trúc của cuốn sách được phân ra làm 3 phần gồm: 2 phần đầu là tập hợp những bức thư của Werther gửi cho người bạn của mình để kể về những chuyện hằng ngày hoặc tâm tình của chàng; phần cuối cùng có sự xuất hiện và lời kể chuyện của bên thứ ba là “nhà xuất bản” đã tập hợp, xuất bản những bức thư của Werther ở hai phần đầu. Giá trị mà hình thức và cấu trúc này mang lại ngoài sự độc đáo thì đó còn là sự bổ trợ đắc lực cho cốt truyện. Ở hai phần đầu với hình thức là những bức thư, ta được biết những gì nằm sâu trong tâm khảm và cảm nhận của Werther bởi những bức thư vốn là sự chắt lọc những sự kiện, những tâm tình mà vốn dĩ bề ngoài không thể biểu lộ được. Phần cuối đưa chúng ta theo chân của người kể chuyện – “người xuất bản gửi quý độc giả” để được giải mã vấn đề những bức thư ở hai phần đầu từ đâu mà có và được kể lại quá trình cũng như tâm trạng những ngày cuối đời của Werther.
Thứ nâng tầm cho tác phẩm này và cũng khiến cho bản thân tôi phải nghiền ngẫm 200 mấy trang sách trong thời gian dài hơn dự kiến đó chính là bút pháp điêu luyện của Goethe. Một cuốn sách viết về nỗi đau của chàng trai khi si mê một cô gái đến độ thà chết đi khi không có được cô, nếu thiếu đi ngòi bút đầy chất thơ và trình độ sử dụng ngôn ngữ một cách hiệu quả để khai thác nội tâm nhân vật của Goethe thì đã chẳng mang lại sức tác động lớn đến thế. Trong phần thứ nhất, những xúc cảm mãnh liệt của Werther đối với nàng Lotte được lột tả hết sức hoàn hảo, khiến tôi phải đọc đi đọc lại để thẩm thấu từng câu chữ và cực kỳ tâm đắc. Lời văn của Goethe đẹp nhưng không sến và hợp thời đại, nó hoa mỹ và cao cấp nhưng không quá lê thê hay thừa thải. Những sự kiện trong thực tại vốn bình thường nhưng qua ngòi bút của ông đã được chuyển hóa một cách tinh tế và sống động trong tâm trí của chàng Werther. Một trong những đoạn mà tôi đánh giá cao nhất đó là khi Werther gặp Lotte lần đầu tiên tại nhà cô. Theo đó, tác giả Goethe đã miêu tả những gì diễn ra trong tâm trí của Werther vào thời khắc đó như sau:
…khi xe dừng lại trước ngôi nhà của niềm vui, tôi đã bước xuống xe như một kẻ trong mơ, và đắm chìm vào mộng ảo giữa một thế giới vây quanh đang chạng vạng hoàng hôn…
Hay vào lúc chào tạm biệt Lotte sau lần gặp đầu tiên, Werther nghĩ:
Từ đó trở đi, mặt trời, mặt trăng, và các vì sao muốn vận hành ra sao tùy thích, tôi chẳng biết là ngày hay đêm nữa, cả thế giới quanh tôi đã tan biến mất rồi!
Bạn có thể không tin vào cái gọi là “tình yêu sét đánh” (tôi cũng vậy), nhưng đọc những dòng này, bạn khó mà có thể nghi ngờ cái tình cảm mãnh liệt của Werther dành cho Lotte. Bằng câu chữ, Goethe đã cuốn ta vào hành trình khai phá mảnh đất tâm hồn đầy nhạy cảm và phức tạp của Werther, giúp ta thấu hiểu và cảm thông hơn cho chàng trai lỡ rơi vào lưới tình.
Ngoài việc kể một câu chuyện tình yêu đầy đau đớn, hình ảnh chàng Werther còn được phân tích rất nhiều như một đại diện cho tầng lớp thanh niên trí thức đương thời bị xã hội kiềm kẹp trong sự cùng quẫn. Thế nhưng, ý nghĩa đó thì quá sâu sắc và to lớn nên tôi cũng không muốn nói nhiều về nó. Đọc và thấu hiểu Werther, thứ mà tôi nhận ra đó chính là một tiếng kêu thảm thiết hòng mong cầu sự chú ý và cái nhìn cảm thông cho những niềm khao khát cá nhân, cho cái bản ngã yếu đuối của con người. Bên cạnh sự nổi tiếng, cũng có không ít những quan điểm bài trừ “Nỗi đau của chàng Werther”. Họ cho rằng cái chết vì tình là cái chết không đáng; t.ự s.á.t là một biểu hiện của sự yếu đuối, hèn nhát, không kiềm chế được bản thân mình; hoặc quan điểm lên án việc “Werther” là tác phẩm cổ súy cho sự thông gian, ngoại tình, đi ngược lại các chuẩn mực đạo đức. Trong tác phẩm, không ít lần chúng ta được thấy ý định k.ế.t l.i.ễ.u cuộc đời luôn thường trực trong tâm trí Werther, cũng như những góc nhìn của chàng về chuyện t.ự t.ử. Werther yêu Lotte một cách cuồng nhiệt, si mê, đôi lúc lại như đứa trẻ chỉ khăng khăng muốn có được thứ mình muốn, ngây ngô khi vui sướng chỉ vì được Lotte tát mạnh hơn những người khác (chỉ là cái tát trong trò chơi tại vũ hội). Thế nhưng sâu thẳm trong tâm hồn, về chuyện tự kết thúc cuộc đời thì đó đều là những suy nghĩ, quan điểm hết sức nghiêm túc và trưởng thành của Werther. Goethe cho chúng ta thấy ý định của Werther không phải là chút bồng bột nông nổi của tuổi trẻ, mà là một quyết định được đánh giá, phân tích kỹ càng. Có thể bạn mãi mãi cũng sẽ không thể thông cảm hay hiểu được cho Werther, nhưng chẳng sao cả, hãy đọc để biết rằng chọn lựa của Werther là phương án tốt nhất cho chính-bản-thân-Werther, hãy đánh giá dựa trên góc nhìn của Werther chứ không phải là góc nhìn của bất kỳ ai khác. Kỳ thực, mỗi người có một giới hạn của sự chịu đựng riêng và một hệ giá trị riêng không hề giống nhau. Có người thì gia đình là giá trị lớn nhất mà họ muốn gìn giữ, có người là công danh sự nghiệp hay tiền tài, và cũng có người mà với họ tình yêu là thứ thiêng liêng nhất trên đời. Cũng như Werther đã cho biết trong tác phẩm: “không ở đâu tôi thấy mình hạnh phúc, và ở đâu tôi cũng thấy mình hạnh phúc. Tôi không đòi hỏi gì, tôi chẳng ước mong gì”. Chúng ta hãy tôn trọng hệ giá trị của riêng mỗi người, đừng phán xét quá nặng nề khi ta còn không sống cuộc sống của họ một ngày nào.
Như vậy, về mặt giá trị và thông điệp mà tác phẩm mang lại, tôi nghĩ đó là một sự thành công quá lớn của “Werther” và Goethe khi mà đến tận ngày nay cuốn sách vẫn có thể trả lời cho một vấn đề còn đang nhức nhối và có nhiều tranh cãi, đó là liệu chúng ta có quyền và có nên tự quyết định số mệnh của bản thân mình hay không? Tôi thực sự ngạc nhiên khi nhận ra rằng một tác phẩm tuy ra đời vào năm 1774 nhưng lại dám bộc bạch những vấn đề khá nhạy cảm như tính cá nhân của con người, đồng thời lại mang rất nhiều hơi thở của thời đại ngày nay, ẩn chứa nhiều tư tưởng mới tiến bộ. Việc “Werther” vụt sáng thành một hiện tượng ngay từ khi mới ra mắt đã chứng minh sức tác động của nó. Tuy đi ngược lại với hướng đi chung của xã hội nhưng nó lại chạm được tới tâm hồn của người đọc, giúp họ gián tiếp nói lên được khát vọng và tiếng lòng của mình.
Có lẽ rằng nhân vật Werther là một nhân vật không dễ nhận được sự cảm thông, nhưng chàng không hề và cũng không đáng để bị ghét. “Nỗi đau của chàng Werther” là một tác phẩm có thể dùng để xoa dịu những tâm hồn đang bị tổn thương, thông qua việc đọc vị chàng Werther, ta ít nhiều có thể nhìn thấy mình trong đó. Cũng như trong phần mở đầu của tác phẩm, tác giả đã viết:
“Còn bạn, hỡi tâm hồn nhân hậu, bạn vẫn hằng rung cảm những nỗi niềm khát vọng như Werther, xin bạn hãy tìm nguồn an ủi trong nỗi đau của chàng, và hãy coi cuốn sách nhỏ này như một người bạn đường, nếu như – vì định mệnh hay vì lầm lỗi của chính mình – bạn không thể tìm được ai gần gũi, thân thiết với bạn hơn.”
Review của độc giả Phát Nguyễn – Nhã Nam reading club
Bạn có thể tìm mua sách tại:
TÊN SÁCH | NHÃ NAM | TIKI | FAHASA | SHOPEE |
NỖI ĐAU CỦA CHÀNG WERTHER (BÌA CỨNG) | http://bit.ly/noidauchangwertherbiacungNhaNam | http://bit.ly/noidauchangwertherbiacungTiki | http://bit.ly/noidauchangwertherbiacungFHS | http://bit.ly/noidauchangwertherbiacungShopee |