-
Holocaust, một thảm họa diệt chủng, một tội ác phi nhân tính do Đức Quốc Xã và bè phái tiến hành đã dẫn đến cái chết của hàng triệu người Do Thái. Có rất nhiều tác giả đã viết những cuốn sách với chủ đề kinh hoàng này để nhắc nhở nhân loại rằng chúng ta không được phép quên những trang sử tăm tối nhất của loài người, và Heather Morris là một trong số những tác giả ấy với tác phẩm Thợ xăm ở Auschwitz.
Thợ xăm ở Auschwitz là một cuốn sách khó để đánh giá nội dung, vì bản thân câu chuyện được viết dựa theo lời kể của nhân chứng đã may mắn sống sót qua những tháng ngày khủng khiếp tại trại tập trung Auschwitz – Lale Sokolov – một người Do Thái Slovak, người đã tình nguyện lên đường tới Auschwitz để cứu sống gia đình mình.
Ở ngay những trang đầu tiên, Heather Morris đã khắc họa hình ảnh của những người Do Thái bị chở đi trên những toa tàu vận chuyển súc vật. Không ai biết điểm đến ở đâu, càng chẳng thể rõ chuyện gì sẽ xảy ra với mình. Những người Do Thái cứ thế trấn an nhau, rồi lại hoảng hốt cố gắng phá cửa tàu để thoát ra nhưng dẫu vậy, đau đớn làm sao chẳng ai có thể thoát khỏi cái chết nếu cứng đầu không tuân lệnh lính Đức. Trái với khẩu hiệu chăng ngay trên cổng vào trại “Lao động mang lại tự do”, Auschwizt là hiện thân của địa ngục trần gian nơi con người không được coi là con người. Họ bị tước đoạt mọi thứ ngay cả chính cái tên, chỉ duy nhất được xác định danh tính bằng một dãy số xăm trên tay. May mắn thay, ông Pepan, một thợ xăm của trại tập trung đã chọn Lale làm người phụ việc mình. “Chiếc vé” mang danh “Thợ xăm của Auschwitz” quả thật đã gần như cứu sống cuộc đời Lale trong quãng thời gian kinh hoàng tại nơi này, khi Lale được coi là “nhân tố quan trọng” và được phát cho chiếc cặp mang sức mạnh to lớn cứu anh thoát khỏi nòng súng của Tử thần. Trong một lần xăm số cho những tù nhân mới được chuyển tới, Lale đã phải lòng một cô gái ngay tại khoảnh khắc định mệnh ánh mắt hai người giao nhau. Dù không biết tên cũng chẳng biết thông tin nào ngoại trừ dãy số Lale tự mình xăm trên tay cô gái, anh quyết định phải tìm cô bằng mọi giá và cùng nhau sống sót thoát khỏi nơi này.
Điểm sáng của cuốn tiểu thuyết chính là tình yêu thương đồng loại giữa con người với con người, không chỉ là tình yêu của Lale và người con gái của đời anh mà còn là tình bạn và tình chiến hữu. Hàng triệu người chẳng biết ai với ai mà họ sẵn sàng liều mình giúp đỡ thậm chí cứu sống nhau, bảo vệ nhau khỏi cái chết chực chờ sẵn. Phải nói rằng đó là yếu tố làm tớ ấn tượng và cảm động nhất, những người Do Thái biết nếu bị lính Đức phát hiện họ sẽ chết ngay lập tức, nhưng họ vẫn làm, vẫn lén lút chia sẻ với nhau những khẩu phần ăn ít ỏi, cố gắng chăm sóc cho nhau lúc ốm đau trong hoàn cảnh đau đớn khắc nghiệt nhất, và gắn bó với nhau như thể gia đình. Bởi “cứu một người là cứu cả thế giới”, Lale đã nói với bản thân như vậy. Điểm ấn tượng thứ hai đó là phần Lời nói thêm và những thông tin ở cuối sách đã chứng minh được tác giả Heather Morris đã dành toàn bộ tâm huyết và nỗ lực của mình để viết ra tác phẩm này, đem đến cho người đọc “một tài liệu khác thường” nhưng chân thật vô cùng về trại tử thần Auschwitz.
Tuy nhiên lý do khiến tớ chưa thực sự “cảm” được ở Thợ xăm ở Auschwitz đó là ở cách viết của tác giả. Cách viết của bà Heather Morris mang đậm nét của cách viết của kịch bản phim nhiều hơn là một cuốn tiểu thuyết. Tác giả diễn giải mọi thứ chủ yếu bằng các cuộc đối thoại, chuyển cảnh nhanh và rất ít khai thác về suy nghĩ nội tâm của nhân vật trong cuốn sách này. Tớ mong mình được trải nghiệm những suy nghĩ sâu sắc hơn về mặt “bên trong” của nhân vật hay cách mà nhân vật phát triển qua từng chương, đặc biệt là Lale và Gita, nhưng rất tiếc theo quan điểm cá nhân thì tớ chưa “cảm” được điều đó. Cảm giác mình chỉ nhìn thấy bề nổi mà chưa thấy được bề chìm. Và đúng như suy nghĩ của tớ, sau khi search tên Heather Morris trên google thì bà đúng là người chuyên viết kịch bản phim, một trong những kịch bản bà chắp bút còn được lựa chọn bởi một nhà biên kịch từng đoạt giải Oscar ở Mỹ. Chắc hẳn đây là lý do mà cuốn tiểu thuyết này, phần nhiều, là đem lại cho tớ cảm giác như đọc một kịch bản phim chứ không hẳn giống với một cuốn sách văn học.Nhìn chung, Thợ xăm ở Auschwitz là một tác phẩm rất rất rất ổn về mặt nội dung, tiếc là bản thân tớ không phù hợp lắm với cách viết của tác giả thôi. Những bạn nào phù hợp với câu văn gãy gọn nhiều hội thoại có thể tham khảo cuốn này nhé, nhưng tớ nghĩ độc giả nào thích đọc chủ đề về Holocaust cũng không nên bỏ qua cuốn sách đâu. Nhã Nam dịch ổn, bìa đẹp, và nhớ đọc hết phần Thông tin cuối cuốn sách của tác giả nhé, cảm động cực kỳ!
Bởi vì sách là thế giới – Đọc thử, review các cuốn sách Nhã Nam xuất bản