Truyện về thành phố Leningrad trong những ngày bị quân Đức phong tỏa thì tôi đã đọc khá nhiều: bi thảm có, anh hùng có, vừa bi thảm lại anh hùng cũng có. Song vừa hài hước lại vừa bi thảm như Thành phố trộm thì quả thật là tôi chưa thấy ở tác phẩm nào.
2 người 1 đào ngũ, 1 hôi của bị bắt và kết án tử, để giữ lại sinh mạng của chính mình đã phải làm 1 nhiệm vụ “bất khả thi” trong một thành phố bị phong tỏa, cắt đứt nguồn tiếp tế lương thực, thực phẩm đã gần trăm ngày: tìm mua 1 tá trứng.
Họ đã trải qua một cuộc phiêu lưu kinh hoàng song qua một giọng văn hài hước đã kể cho ta những câu chuyện về sự thiếu đói đến tận cùng, có những kẻ không chịu được cái đói đã ăn thịt đồng loại, có những gia đình bị chết, vẫn còn đang cầm tay nhau mà đã bị xẻo thịt. Một ông già vì bảo vệ đàn gà mà đã chết rét bên cạnh chúng…
Họ còn gặp những người lính, những du kích Nga, những người lính ấy không còn được ca tụng như những người hùng nữa mà ở trong một môi trường khắc nghiệt, tính cách của họ trở nên dị thường, thô kệch, sống sượng. Ngay cái chết của họ không còn có vẻ bi tráng nữa ,lại làm tôi thấy nó lạ lùng, cái chết của đứng của người lính Nga trên tuyết như một câu hỏi xoáy vào lòng người đọc, có những cái chết như vậy ư? Có những người lính bị đông cứng trong giá rét, khi được cứu mí mắt và một số bộ phận bị hoại tử. Anh ngủ cũng như thức, con mắt vẫn mở trừng trừng… song chính những con người ấy đã góp phần chặn đứng bước tiến của quân Đức.
Chính ý thức hệ đã làm cho văn phong miêu tả của tác giả lệch lạc đôi chút. Tất nhiên tôi không thích sự đề cao, tung hô thái quá, nhưng những người Nga hiện lên trong cuốn sách có một chút gì đó không giống lắm. Cái tàn bạo, thô thiển của các nhân vật không đúng chất Nga. Người Nga họ có tàn bạo, có thô thiển nhưng không theo kiểu trong cuốn sách này. Song dù sao cái tổng thể câu chuyện là ổn. Nó cho ta thấy sự tàn bạo của chiến tranh. Những góc khuất tối tăm của những người trong cùng chiến tuyến…
Đọc cuốn sách tôi lại nhớ 1 câu chuyện nhỏ về thời Leningrad bị phong tỏa, một cặp vợ chồng họa sĩ có nuôi 1 con chó, họ không có con, chú chó bec re ấy như một phần không thể thiếu trong gia đình họ. Khi cô vợ bị bệnh gan nặng, thiếu chất trầm trọng, người chồng bằng cách nào đó đã xoay xỏa được 2kg thịt về để vợ ăn qua khỏi cơn bệnh nguy khốn, chỉ có điều từ khi ấy mãi vắng bóng chú chó thân yêu… Chiến tranh là phi lý, phi nghĩa và cả khi chiến thắng cũng phải chấp nhận những mất mát không hề nhỏ nhoi.
Tạm bỏ qua những lệch lạc do ý thức hệ khác nhau. Nhìn chung, “Thành phố trộm” đã khắc hoạ thành công được một Leningrad quằn quại, đổ vỡ, tan hoang, thiếu thốn mọi bề trong quãng thời gian bị quân Đức vây hãm. Trên nền bức tranh đau thương ấy, tác giả đã dựng lên 2 nhân vật cùng với một nhiệm vụ vô cùng “oái oăm”, kích thích sự tò mò của đọc giả.
Trong hành trình đi làm nhiệm vụ, dưới lăng kính của 2 nhân vật chính, từng mảng sáng tối, đổ vỡ, đau thương bên ngoài của Leningrad lẫn sâu trong bên trong của những người đang bám trụ ở nơi đây. Những cái chết đầy “man rợ” thiếu màu sắc của sự vinh quang, những cái giá phải trả vô cùng đắt để có thể tiếp tục duy trì sự sống. Có những mảnh đời phải đánh đổi phẩm giá của mình để lấy lại sự tự do, vinh quang cho tổ quốc.
Nhưng, “Thành phố trộm” cũng đồng thời lên án, phê phán, châm biết một cách đau đớn, sâu sắc một số thành viên trong tầng lớp lãnh đạo của Liên Xô. Những kẻ còn máu lạnh hơn những tên phát xít Đức đang chà đạp lên tổ quốc mình. Họ đã chà đạp lên chính sinh mạng của đồng bào mình để phục vụ cho mục đích cá nhân.
Chiến tranh là mất mát, là đau đớn cho cả bên thắng và bên thua. Nhưng đau đớn nhất vẫn là những người thấp cổ bé họng phải chịu những bất công, thiệt thòi do chính đồng bào mình gây ra.