Review Sự cứu rỗi của thánh nữ – Higashino Keigo

Review Sự cứu rỗi của thánh nữ – Higashino Keigo

Truyện có hai loại, whodunit – giấu hung thủ đến tận phần cuối cùng và để người đọc cùng đi tìm sự thật theo suốt chiều dài quyển sách, và howdunit – cho ta biết kẻ thủ ác là ai ngay từ đầu, nhưng cách thức gây án thì đọc đến tận cùng mới biết. Những quyển đúng màu sắc trinh thám nhất của Higashino Keigo có đủ cả hai dạng này chứ không thiên về một cách kể nào, và Sự cứu rỗi của thánh nữ là một howdunit theo mình là rất hấp dẫn.

Khi đã để cho hung thủ lộ diện ngay từ đầu, tác giả phải có trong tay một tội ác hoàn hảo để mọi thứ không quá dễ đoán và phải để người đọc cùng suy nghĩ, vận trí như điều tra viên trong truyện, và cùng bế tắc như họ khi mọi manh mối đều dẫn về ngõ cụt. Tội ác trong Sự cứu rỗi của thánh nữ có vẻ là như thế. Một người đàn ông được phát hiện chết vì bị đầu độc khi ở nhà một mình, còn người vợ đang ở cách đó rất xa và có bằng chứng hoàn hảo. Vẫn còn một nghi phạm khác, vừa có động cơ giết người vừa có khả năng làm điều đó, chứng cứ ngoại phạm lại không thật hoàn hảo, nhưng vẫn không thể tìm ra bằng chứng kết tội người này. Một vụ án hoàn hảo khiến cảnh sát Kusanagi phải đau đầu, và chỉ khi có sự giúp sức của người bạn thân, “thám thử Galileo” Yukawa Manabu.

Nếu đã đọc Phía sau nghi can X, người đọc sẽ nhận ra bộ đôi Kusanagi và Yukawa, họ lại cùng nhau tìm lời giải cho một vụ án hóc búa. Câu chuyện đủ hấp dẫn để lật trang liên tục, hơn nữa không có quá nhiều nhân vật nên không gây ngán. Mình cho rằng tác giả đã thành công khi giấu câu trả lời cho câu hỏi “tội ác đã diễn ra như thế nào” đến cuối và cách thức gây án cũng đủ kỳ lạ và khiến người đọc bất ngờ.

Với “Thánh nữ”, người đọc cũng lại biết thêm một nhân và không phải là bánh bèo, liễu yếu đào tơ dễ coi thường, nữa trong truyện Keigo. Tác giả khéo léo gợi suy nghĩ ở người đọc từ chuyện một điều tra viên có vẻ như có cảm tình với nghi phạm, và sự tự tin của nghi phạm khiến ta đôi khi nghĩ có phải mình đang bị tác giả đánh lừa ngay từ đầu không? Băn khoăn là bởi Higashino Keigo chẳng lẽ lại có thể đơn giản đến thế sao? Những tình tiết như vậy khiến mình hài lòng với quyển này.

Truyện của Keigo thường sẽ luôn có một vấn đề xã hội nào đó và gắn với các kiến thức liên quan của một ngành nghề nào đó. Trong trường hợp này đó là nghệ thuật patchwork – kết các mảnh vải thành tác phẩm, và chuyện có con khi kết hôn. Có nhất định hôn nhân thì phải sinh con đẻ cái hay không? Người ta có thể mâu thuẫn đến mức nào trong chuyện này?

Một ý cuối cùng trước khi mình chuyển sang bàn về tựa sách có vẻ khó hiểu: mình vẫn cảm thấy may mắn vì nhất quyết không đọc các phần giới thiệu ở bìa 4 hay bìa gấp. Với quyển này có một chi tiết về Wakayama Hiromi bị đưa ra bìa 4 mà mình tin rằng độc giả có quyền được tự mình khám phá chi tiết đó, thay vì biết ngay từ đầu khi còn chưa đọc sách.

xuxudocsach

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *