REVIEW SÁCH “KIM CÁC TỰ” – Mishima Yukio

REVIEW SÁCH “KIM CÁC TỰ” – Mishima Yukio

Ngày 2 tháng 7 năm 1950 ngôi chùa Kinkakuji lừng danh chìm trong biển lửa, 5 năm sau đó tác phẩm mang dấu ấn để đời của Mishima Yukio cũng ra đời, cuốn sách chứa đựng biết bao ẩn ức về cái đẹp lộng lẫy, tinh tế và đầy rẫy cực đoan.

Để viết lên tác phẩm được coi là gắn liền với tên tuổi mình trong con đường văn nghiệp này Mishima đã cất công thu thập rất nhiều dữ liệu cũng như vào tận nhà tù tiếp xúc với hung thủ phóng hỏa để lấy chất liệu gây dựng lên một tòa Kim Các Tự của chính ông, một Kim Các Tự lấp lánh và bất biến trong cơn mộng ảo của nhân vật chính Mizoguchi.

Để nói về triết lý Phật giáo hay học trong văn chương Mishima Yukio trước nay vốn đã có rất nhiều bài viết phân tích tới từng chi tiết, với riêng tôi, Kim Các Tự ngoài những ý nghĩa lớn lao siêu hình đó còn là bài ca về ẩn ức tính người, trên hết là tính người của một thành phần yếm thế. Nhân vật chính Mizoguchi sinh ra vốn yếu ớt lại thêm tật nói lắp, hình hài xấu xí chẳng gây được chút thiện cảm nào từ những người xung quanh, cứ ngỡ như tất cả những gì xấu nhất tệ nhất đã hội tụ trong con người hắn. Cái xấu của Mizoguchi hoàn toàn đối lập với sự mỹ lệ tới huyền ảo của tòa Kim Các mà người cha quá cố đã vẽ lên trong ký ức hắn từ thuở thiếu thời. Trong tâm trí đứa trẻ non nớt đã tiếp nhận và mặc định tòa Kim Các là một “báu vật tuyệt thế” chẳng gì có thể sánh bằng, đó là biểu tượng cho Cái Đẹp vĩnh hằng bất biến duy nhất trên thế gian này. Để rồi bất cứ sự vật hay con người nào đẹp đẽ lại là đối tượng để hắn mang ra so sánh với Kim Các trong ký ức ấy. Rồi sau mỗi lần so sánh điều hắn nhận lại được có vẻ luôn là sự ê chề tan rã, chẳng có ai, chẳng có gì sánh được với Cái Đẹp cực đoan trong lòng hắn. Dẫu ấy có là cô thiếu nữ Uiko xinh đẹp nhưng kiêu kỳ hay người phụ nữ vắt sữa từ bầu ngực trong trắng tiễn tình lang ra trận dạo nọ.

Mizoguchi luôn mang mặc cảm bị ngăn cách với ngoại giới, hắn cho rằng bản thân bị thế giới chối từ nên chỉ tự sống trong thế giới riêng, một thế giới đặc quánh những suy nghĩ viển vông, kỳ lạ và đôi khi cả tàn ác. Bản thân hắn như thứ bóng tối đen ngòm vây quanh Kim Các, thứ bóng tối làm nổi bật lên sự mỹ lệ rực sáng của ngôi chùa vàng ấy. Cả cuộc đời mình dường như hắn luôn tự chia bản thân làm hai phần, một nửa hướng về cuộc sống trần tục với những vui thú như mọi người bình thường khác, một phần lại rúc mình sâu dưới bóng Cái Đẹp, tồn tại tách rời hoàn toàn với bản thể khai sinh của hắn. Phần người trong thế giới thực dù nhiều lần muốn tiếp cận với ngoại giới nhưng rồi lại tự mình khựng lại trong bẽ bàng bởi bản chất yếu đuối bất kham. Kẻ duy nhất hắn công nhận như đối lập dương bản của mình, cậu trai Tsurukawa trong sáng tựa ánh mặt trời, cũng chính là kẻ bị cuộc đời cướp khỏi hắn quá sớm, để lại mình hắn càng chìm càng sâu trong bóng tối cô độc sau cái chết của thiện ý duy nhất mà hắn công nhận. Hắn coi mình như phần âm bản đen đúa xấu xí bị khước từ khỏi thế giới thực, mà Tsurukawa là cây cầu nối với trái tim nhân hậu có thể diễn suy mọi điều dẫu chẳng cần hắn nói ra.

Theo từng lần sụp đổ niềm tin với thế giới bên ngoài Mizugochi lại càng lún sâu hơn trong chính tư tưởng nội tại có phần quái đản của mình, ở nơi đó Cái Đẹp mà đại diện là tòa Kim Các luôn hiện hữu và ám ảnh tâm trí hắn, ngăn cản hắn cảm nhận thế giới, sống với thế giới của một kẻ bình thường. Cuối cùng, Mizoguchi tự giải thoát mình bằng cách phá tan nỗi ám ảnh ấy, chỉ với một bao diêm và ba bó rơm, hắn đốt cháy biểu tượng của Cái Đẹp nơi trần thế, Cái Đẹp tưởng chừng vĩnh hằng bất biến nơi Kim Các Tự cháy rụi, hóa thành tro tàn trong biển lửa. Để rồi, ngược ngạo thay, từ biển lửa ấy Mizoguchi như thể tái sinh với niềm ham sống mãnh liệt hơn cả.

Kim Các Tự kết thúc ở chính nơi Cái Đẹp lụi tàn như thế đấy, nhưng đó cũng chỉ là một góc nhìn khác, góc nhìn được Mishima Yukio thiết lập trên trang giấy, còn thực tế, tòa Kim Các Tự dẫu bị thiêu rụi cũng lại một lần nữa tái sinh, kẻ hủy hoại nó đã nung nấu điều gì trong giây phút ấy ngoài chính hắn sẽ chẳng có một ai hiểu thấu được. Biết đâu chính hắn cũng coi mình là bóng tối ăn mòn Cái Đẹp hiện hữu trong đời sống như Mizoguchi, hoặc chỉ đơn giản lửa cháy là thứ chất liệu kết nối hắn với di vật trăm năm nọ theo một cách cực đoan nào đó, biết đâu đấy…

Review của độc giả Hán Bích Hạnh – Nhã Nam reading club

Bạn có thể tìm mua sách tại:

TÊN SÁCH NHÃ NAM TIKI FAHASA SHOPEE
KIM CÁC TỰ https://nhanam.vn/products/kim-cac-tu-bia-cung shorturl.at/mNW78 shorturl.at/FLPVZ shorturl.at/IOQX6

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *