Review Jane Eyre – Charlotte Bronte

Review Jane Eyre – Charlotte Bronte

I LOVE THISSSSSSSSSSSSSSS BOOK SO MUCH.
Sau Kiêu Hãnh và Định Kiến thì Jane Eyre chắc chắn có mặt trong top sách yêu thích nhất của tớ!

Charlotte Bronte đã mang cho độc giả góc nhìn mới mẻ của văn chương. Đó là hình tượng người phụ nữ độc lập, làm chủ cuộc đời mình mà không cần dựa dẫm vào bất kỳ người đàn ông nào qua việc khắc hoạ nhân vật Jane Eyre.
Nếu như ngày xưa, người ta xét “chuẩn mực” tối thiểu của phụ nữ là phải lấy được chồng giàu, cũng như đánh giá tài năng của họ qua vai trò của người vợ và người mẹ, thì Jane Eyre đã vượt qua khuôn khổ đó. Cô đi tìm kiếm một sự đấu tranh bình đẳng, mà sự “đấu tranh bình đẳng” ấy đã thể hiện rõ ở tính cách cũng như cá tính của Jane Eyre khi cô còn là một đứa trẻ, cô có khát vọng tự do và yêu lao động, muốn dùng sức lao động của mình để tự lập sinh sống chứ không chịu ngồi im xơi bát vàng hay tìm kiếm vị thế dựa vào tấm chồng.

Tác phẩm kinh điển này cũng tái hiện một tư tưởng nhân văn và nữ quyền mạnh mẽ qua mối tình của cô gia sư Jane Eyre và ông chủ Rochester. Charlotte Bronte đã xây dựng lên một hình ảnh ông Rochester chẳng đẹp trai hoàn hảo hay mang vẻ soái ca và giàu nứt đố đổ vách như ngài Darcy trong Kiêu Hãnh và Định Kiến, ngược lại ông còn mang vẻ thô kệch đến độ Jane Eyre còn thẳng thừng nhận xét là ông “không đẹp”, nhưng cô gia sư ấy vẫn yêu người đàn ông này bởi nhân cách “dở dở ương ương” và ánh mắt cháy bỏng khi Rochester nhìn cô. Thậm chí, Jane Eyre còn từ chối những bộ váy áo đẹp hay những chuỗi ngọc trai đắt tiền mà ông Rochester mua tặng, bởi cô không muốn trở thành một người phụ nữ dựa vào địa vị của ông chủ mình mà cô “chỉ muốn đầu óc được thanh thản, không phải nghĩa nhiều đến chuyện đền đáp”. Cô vẫn muốn tiếp tục “công việc gia sư để trả phí ăn ở” và tự mua sắm quần áo cho mình mà “không nhận gì” từ ông Rochester. Đó là tư tưởng của người phụ nữ tự làm chủ và cũng là điều mà tớ đánh giá cao ở Jane Eyre.

Điểm tớ ưng ở tác phẩm Jane Eyre nữa đó chính là ngòi bút miêu tả cảnh của Charlotte Bronte thật sự rất gợi cảm và giàu cảm xúc cũng như hình ảnh. Lần đầu tiên (ít nhất là cho tới thời điểm này) tớ đọc được một tác phẩm kinh điển mà có sự miêu tả cảnh chăm chút như thế, Jane Eyre đã khơi gợi ra trong tâm trí người đọc những bức phông nền đầy màu sắc của cỏ cây hoa lá vào mùa xuân, của những cơn gió mùa hè, bầu trời trong xanh của mùa thu và những đụn tuyết lạnh giá khi mùa đông tới.

Nhìn chung tớ thực sự ấn tượng với ngòi bút của Charlotte Bronte, cứ ngại ngần đọc kinh điển vì sợ khó hiểu, cơ mà đọc rồi lại thấy tiếc “biết thế đọc sớm hơn”. Tuy nhiên dù thích Jane Eyre cỡ nào thì đôi khi tớ cũng hơi khó chịu với nhân vật này, cô ấy quá độc lập và đôi khi sự độc lập và mạnh mẽ của Jane Eyre đã dẫn tới sự cứng nhắc vô cùng ở con người cô. Nhưng dù sao, để xét về mạch truyện và hình tượng của nữ chính, về tổng thể thì tớ rất ưng. Nhất là tư tưởng nữ quyền của tác giả nhà văn Charlotte Bronte.

Dịch ổn, ngôn từ chăm chút cẩn thận, tuy nhiên vẫn còn hai, ba chỗ sai chính tả thì phải. Mạch truyện của Jane Eyre chậm rãi nên những bạn thiếu kiên nhẫn cứ chuẩn bị tinh thần. Nhưng nhìn chung tớ đánh giá cao tác phẩm này, không nghĩ sẽ đọc hết trong một ngày đâu, mà đoán xemmmmmm, cuốn quá nên một mạch hết luôn 540 trang. Highly recommend cho bạn nào còn ngần ngại chưa đọc Jane Eyre nhé.

Ngoài lề một chút, nhiều bạn cứ hỏi nên đọc Kiêu Hãnh và Định Kiến trước hay Jane Eyre trước thì theo ý kiến (vô cùng) chủ quan thì tớ thấy đọc cuốn nào trước cũng được, vì đều hay cả. Tuy nhiên không thể so sánh hai câu chuyện này với nhau, bởi dù cùng mang mác “kinh điển” và cùng lấy nền chính là câu chuyện tình yêu , nhưng tư tưởng của Kiêu Hãnh và Định Kiến với Jane Eyre lại hoàn toàn khác nhau, giọng văn khác, ngôn từ khác mà nội dung thì đương nhiên quá khác rồi. Nhưng tóm gọn lại là nên đọc cả hai nhé, vì cuốn nào cũng có cái hay riêng của mình.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *