“Nó chứa đựng nỗi sầu ai, chứa đựng tình yêu,nên ngân vang và trong trẻo.”
Hồ, tác phẩm đầu tiên đưa mình đến với tác giả Kawabata Yasunari. Điều mình thực sự ngất ngây, tự thốt lên với chính bản thân khi chỉ đọc những trang đầu là ngôn từ quá đẹp, quá mượt, … như khúc nhạc du dương vang lên trong tâm trí.
Hồ, tái hiện bức tranh Nhật Bản những năm sau thế chiến thứ hai, ở đó mọi thứ dường như mơ hồ, mông lung, vô định. Nơi người ta cảm thấy mình lạc lối, muốn tìm một chốn dừng chân nhưng “anh không thích nói chuyện quê quán. Vì khác với em, anh đã đánh mất quê hương rồi…”
Hồ, khắc họa sự cô đơn, lạc lõng của các nhân vật. Gimpei, một anh chàng mang mặc cảm, đến nỗi ám ảnh bởi bàn chân xấu xí, phải chăng vì lẽ đó mà anh ta luôn tìm kiếm, khao khát cái đẹp. Kawabata vẽ nên bức tranh quá khứ hiện tại đan xen nhau, có lúc chồng chéo nhau, tưởng chừng các nhân vật không liên quan đến nhau …
Hồ, phản chiếu tâm hồn anh chàng Gimpei, anh ta luôn đi theo những cô gái trẻ đẹp, mơ mộng được kết đôi cùng họ, những cô gái ngang qua cuộc đời Gimpei … Điều đó khiến mình nghĩ anh ta thật bệnh hoạn, khiếm khuyết cả cơ thể lẫn nhân cách. Cuối tác phẩm, Gimpei cùng uống rượu, cùng say với một người phụ nữ xấu xí, đã có con, phải chăng đây mới chính là hiện thực mà tác giả muốn gửi gắm đến độc giả, một hiện thực mơ hồ, cay nghiệt và cô độc.
Hồ, một cuốn tiểu thuyết kỳ lạ đối với cá nhân mình, đọc xong không hiểu gì hết, nhưng cứ có một sự thôi thúc mãnh liệt nào đó khiến mình phải đọc lại ngay. Ngôn ngữ bậc thầy, mình như lạc lối trong ngôn từ của Kawabata, ngụp lặn trong sự cô đơn, chiệm nghiệm về cuộc sống, khao khát hạnh phúc và cái đẹp.
“Ánh sáng lập lòe của chiếc lồng đom đóm đung đưa bên hông người thiếu nữ, ngọn lửa từ đám cháy đêm ở bờ bên kia in bóng xuống hồ… Tất cả phản chiếu trong đôi mắt tràn đầy những vọng niệm của Momoi Gimpei, gã đàn ông kỳ quái. Một thế giới truyện ma mị mà rào cản của hiện thực đã hoàn toàn bị tước bỏ.”-Mishima Yukio