REVIEW “GIẾT CHỈ HUY ĐỘI KỊ SĨ” (Haruki Murakami) – Hành trình khám phá dàn trải qua nhiều cung bậc

REVIEW “GIẾT CHỈ HUY ĐỘI KỊ SĨ” (Haruki Murakami) – Hành trình khám phá dàn trải qua nhiều cung bậc

“Chúng tôi đã sống cùng nhau dưới một mái nhà trong sáu năm trời, nhưng tôi chẳng biết gì về cô ấy cả”, nhân vật “tôi” trong Giết chỉ huy đội kị sĩ đã phải thốt lên như vậy hậu ly hôn. Vốn dĩ anh có một đời sống hôn nhân hạnh phúc với một người vợ xinh đẹp, một công việc đúng với đam mê, nhưng tất cả mọi thứ đều chấm hết khi người vợ đầu gối tay ấp quyết định ly hôn. Anh dứt áo ra đi, chỉ mang theo ít đồ cá nhân, rong ruổi từ Tokyo đến Kanagawa, Hokkaido rồi được một người bạn thân cho tá túc tại căn nhà biệt lập trên núi của cha anh ta, Amada Tomohiko, một họa sĩ nổi tiếng. Murakami qua hàng loạt tiểu thuyết của mình, đã xây dựng nên một motif nhân vật quen thuộc với độc giả. Một chàng trai sống nội tâm, biệt lập với xã hội, không có nhiều bạn bè, có những sở thích xoay quanh âm nhạc, sách vở, nấu ăn, một vài người tình vây quanh có sự kết nối tâm linh với một thế giới khác, một nơi chỉ tồn tại trong tưởng tượng. Giết chỉ huy đội kị sĩ không nằm ngoài quy luật như vậy thậm chí còn có nét tương đồng với Biên niên sử chim vặn dây cót hoặc Kafka bên bờ biển.

Sau khi chuyển đến căn hộ của họa sĩ Tomohiko, nhân vật “tôi” khám phá ra bức tranh Giết chỉ huy đội kị sĩ, một cảnh trong vở Don Giovanni của Mozart, tuy nhiên nhân vật trong bức tranh lại ăn mặc theo phong cách cổ xưa, giống như đang ở thời kỳ Asuka (538-710). Tomohiko vốn là một họa sĩ theo đuổi trường phái Tây hóa, nhưng sau vụ ám sát bất thành năm 1930 tại Vienna, ông bị dẫn độ về Nhật Bản, từ đó Tomohiko thay đổi hoàn toàn phong cách sáng tác, trở thành một người chuyên vẽ tranh Nhật. Nhân vật “tôi” nhanh chóng bị cuốn vào ma trận những câu hỏi tự đặt ra, tại sao họa sĩ Tomohiko lại che giấu một kiệt tác trên căn gác xép hay người hàng xóm tốt bụng Menshiki, một người có phong thái của Gatsby vĩ đại, vẫn thường sang giúp đỡ anh có mục đích gì? Nghi ngờ nối tiếp nghi ngờ, khi hàng đêm tầm 2h sáng, anh đều nghe thấy tiếng chuông đinh đang vọng từ khu rừng gần nhà, như một lời mời gọi, thúc giục, cần được giải thoát. Nhân vật “tôi” cùng Menshiki đào bới dưới căn hầm trong rừng, nơi âm thanh phát ra thì thấy một cái chuông cổ, như thể liên quan đến tập tục nhập niết bàn của các nhà sư cổ xưa. Căn hầm nhanh chóng trở thành một không gian đa chiều, là chốn giao cắt giữa các thế giới song song. Từ lúc đó, nhân vật “tôi” bắt đầu dấn thân vào hành trình sáng tạo điên cuồng, anh vẽ những bức chân dung trừu tượng, không chỉ là khuôn mặt và hình thể, mà dường như là cả linh hồn, những thứ luôn ám ảnh tâm trí anh.

Khi những bí mật và những ám ảnh tâm thức bắt đầu chất chồng vắt chéo qua nhau, độc giả có cảm giác Murakami đang cố vẽ một bức tranh trừu tượng với nhiều mảng màu đối chọi nhau, nhưng khởi đầu hay kết thúc đều quy về một mối. Như Paul Klee, họa sĩ tiêu biểu của trường phái biểu hiện, đã từng nói “một đường thẳng thì cũng chỉ là cuộc dạo chơi của dấu chấm tròn”. Murakami đã tự trao cho mình khả năng nhào nặn ý tưởng thành một cá thể riêng, có suy nghĩ độc lập, xuất hiện và quan sát nhân vật “tôi”. “Ý tưởng” sau khi được giải phóng khỏi căn hầm, vảng vất xung quanh nhân vật “tôi”, dưới hình dạng chỉ huy đội kị sĩ vì ông ta hiểu rằng, hình ảnh này có sức ám thị với anh. Ông như một người hướng đạo cho anh trong trạng thái mênh mông vô định mà Murakami đã dày công kiến tạo. Sự mơ hồ như làn sương mỏng, len lỏi trong từng trang giấy, thế nhưng, chỉ bằng chủ nghĩa hiện thực ma mị và điên rồ, Murakami mới có thể thực sự ẩn dụ về nỗi ám ảnh của mình, niềm khao khát khôn tả thúc đẩy một người làm nghệ thuật họa lên tác phẩm.

Sự thật là biểu tuợng và các biểu tượng chính là sự thật. Căn hầm trong rừng là cánh cửa thông đến thế giới ảo mộng, giống như Alice ở xứ sở diệu kỳ, nhân vật “tôi” hăm hở đi sâu khám phá. Một đường hầm dài vô tận dẫn anh đi sâu trong lòng đất, tới dòng sông Styx của âm phủ. Nhân vật “tôi” đã có ba ngày trải nghiệm về những góc khuất trong lòng, đối mặt với nỗi ám ảnh vẫn hàng ngày ám thị anh. Người đàn ông lái chiếc Subaru Forster trắng ở thị trấn ven biển, hình ảnh người vợ trẻ với đôi mắt cuốn hút anh ngay từ cái nhìn đầu tiên, gợi nhớ anh về người em gái đã mất năm 12 tuổi. Muốn giải thoát cho bản thân khỏi những ám ảnh, nhân vật “tôi” bắt buộc phải thực hiện một trao đổi đồng giá với “ý tưởng”, đang hiển hiện dưới hình hài chỉ huy đội kị sĩ.

Giết chỉ huy đội kị sĩ là chuyến du hành của tình yêu và sự cô độc, xen lẫn những nét vẽ nghệ thuật, độc giả như đang đọc một Gatsby vĩ đại của phương Đông, về một ái tình cuồng si. Câu chuyện của nhân vật phụ Menshiki, khi anh cố chấp mua căn villa sang trọng ở sườn núi, để ngày ngày quan sát cô bé nhà đối diện, vì nghĩ có thể đó là con gái của mình, sắp xếp cơ hội cho nhân vật “tôi” vẽ tranh chân dung của cô bé, cũng chỉ để được gần gũi trong gang tấc, phảng phất nét cuồng vọng của Gatsby dành cho Daisy Buchanan. Mở đầu và kết thúc của câu chuyện tạo thành một vòng tròn, đưa người đọc từ bí ẩn này sang bí ẩn khác, trải qua muôn vàn xúc cảm trong chuyến phiêu lưu kì ảo cùng nhân vật “tôi”. Nỗi sợ có thể chôn vùi con người, khiến họ bị hủy hoại từ bên trong nhưng cũng là động lực buộc họ đối mặt và vượt qua.

Review của độc giả Nguyễn Hồng Hạnh – Nhã Nam reading club

Bạn có thể tìm mua sách tại:

TÊN SÁCH NHÃ NAM TIKI FAHASA SHOPEE
GIẾT CHỈ HUY ĐỘI KỴ SĨ (TẬP 1) – Ý TƯỞNG XUẤT HIỆN http://bit.ly/gietchihuydoikysi1NhaNam http://bit.ly/gietchihuydoikysi1Tiki http://bit.ly/gietchihuydoikysi1FHS http://bit.ly/gietchihuydoikysi1Shopee

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *