Và con trẻ, cũng chẳng phải cố tình hay ác ý, có thể buộc ra những lời như “Thật kinh khủng khi có một người cha nghèo”. Một gia đình sáu bảy miệng ăn. Một người cha thất nghiệp, một người mẹ bươn chải. Còn những đứa trẻ, “mỗi đứa lớn đều phải trông một đứa em”. Đó là gia đình của Zezé, ở một vùng ngoại ô Brazil cách đây hơn nửa thế kỷ. Cảnh nghèo đó, sao mà chẳng xa lạ gì với người đọc Việt Nam.
Cây cam ngọt của tôi là câu chuyện qua lời kể của chú bé 5 tuổi Zezé, về những ngày tháng phải vật lộn với cả cái nghèo lẫn sự cô đơn – người lớn ai cũng bận sinh nhai, đến mức em phải làm bạn với một cây cam ngọt, chia sẻ với nó mọi vui buồn và những bí mật. Zezé giàu trí tượng tượng, ham học hỏi – cả những từ vựng hay ho lẫn những lời khó nghe – nhưng đồng thời cũng là tác giả của những trò tinh nghịch, phá làng phá xóm.
Zéze sẽ chia sẻ mọi điều với cây cam, nhưng cần có những con người thật, xuất hiện đúng lúc và đối xử với em bằng lòng thấu cảm, em mới không đánh mất sự thiện lương vốn có của mình và có thể vượt qua những cơ cực mà cuộc đời mang đến cho em, ở tuổi quá sớm.
Sự nghèo khó nổi bần bật ở tên các chương của truyện (vd: Những ngón tay gầy guộc của nghèo túng). Đọc xong quyển sách mỏng rồi nhưng những cảnh tượng như Zezé dắt em trai đi sở thú trong tưởng tượng, mua vé, ngắm con này con kia như thật; chú bé 5 tuổi cố gắng đi đánh giày để mua quà giáng sinh cho cha; hay những đoạn em giận cha, được chị an ủi, khiến mẹ phiền lòng sẽ còn trở lại mãi trong tâm trí. Và nhất là phần cuối truyện mà mình sẽ không kể ra ở đây.
Nếu khép sách lại với nỗi buồn miên mải đó, người đọc có lẽ sẽ tự hỏi, một em bé mới 5 tuổi đã phải trải qua tất cả những điều đó, sau này sẽ thế nào? Câu trả lời, may thay, thật ấm áp – bởi biết rằng đây là tác phẩm mang màu sắc tự truyện, và tác giả của nó không chỉ là nhà văn có tác phẩm được đưa vào sách giáo khoa tiểu học (chính là truyện Cây cam này), mà còn thành công trong vai trò diễn viên điện ảnh và biên kịch.