Nhất Linh và câu chuyện chưa bao giờ cũ

Nhất Linh và câu chuyện chưa bao giờ cũ

Là trí thức tiến bộ, Nhất Linh không ngại viết về những chủ đề mà xã hội đương thời vẫn luôn e dè. Với ông, văn chương phải góp phần để xã hội tốt đẹp hơn.

Trong tiểu thuyết Lạnh lùng, Nhất Linh đã viết về vấn đề mà xã hội đương thời vẫn còn nhiều e ngại, đó là cuộc đời của góa phụ.

Tác giả của Đôi bạn muốn dùng ngòi bút của mình để đòi quyền mưu cầu hạnh phúc cho phụ nữ. Những con người luôn phải chịu sự gò ép của lễ giáo và cái nhìn khắt khe từ người đời.

Tieu thuyet Lanh lung anh 1
Tiểu thuyết Lạnh lùng của Nhất Linh. Ảnh: Netabooks.

Tâm tư của một góa phụ

Nhân vật chính của tiểu thuyết Lạnh lùng là Nhung, một phụ nữ xinh đẹp nhưng bất hạnh.

Năm hai mươi tuổi, cô đã rơi vào cảnh góa bụa. Suốt 3 năm kể từ khi chồng mất, Nhung lặng lẽ ôm con, trải qua những đêm dài tịch mịch trong cảnh chăn đơn gối chiếc. Sự xuất hiện của Nghĩa, một anh giáo hiền lành, điển trai, dạy học ở nhà bên đã thay đổi cuộc đời buồn tẻ của góa phụ.

Tình yêu đã trở lại trong con tim quạnh vắng bấy lâu của Nhung. Những xúc cảm rất bản năng dâng trào trong con người nàng. Nhưng đau khổ thay, Nhung là bà góa, cả đời cô nếu muốn giữ tiếng thơm thì không được thương nhớ ai ngoài người chồng đã mất. Người phụ nữ ấy luôn phải gồng mình lên để giấu những tâm tư thật sự của bản thân.

Viết về đời sống nội tâm của quả phụ, Nhất Linh không hề lảng tránh những yếu tố bản năng. Trong tiểu thuyết Lạnh lùng, điều mà các nhà văn thế hệ trước luôn tìm cách né tránh lại được Nhất Linh miêu tả một cách rất nồng nàn, da diết, nhưng không hề dung tục: “Nhung áp gối bông vào mặt để cho làn vải êm mát làm dịu đôi má nóng bừng”.

Có những đêm nằm ôm con trong buồng, cô khẽ thì thầm với con như nói với Nghĩa: “Ấm áp nhỉ!”.

Một người luôn khát khao hạnh phúc, nhưng lại phải tìm mọi cách để giấu giếm tình yêu đang lớn dần trong lòng. Khi Nhung nhớ về tình nhân là lúc người đọc thương cho số mệnh của cô hơn cả.

Trong tác phẩm, Nhung đã nhiều lần rơi nước mắt. Nhưng, lần nàng khóc trong đám giỗ của chồng là ấn tượng hơn cả. Họ hàng đều cho rằng góa phụ trẻ vì nhớ tới người chồng vắn số mà rơi lệ, nhưng không phải vậy.

Cô đã bộc bạch với chính mình, đó là người chồng “không còn để lại cho cô chút thương nhớ gì, mà chỉ để lại cái dư vị của một quãng đời ân ái chưa thỏa mãn”. Hóa ra, Nhung đang khóc cho số phận hẩm hiu của mình.

Tấm biển “Tiết hạnh khả phong” của bà tổ, được treo ở gian khách như một lời nhắc nhở với cô. Mẹ chồng mong con dâu thủ tiết, mẹ đẻ cũng mong con gái ở vậy “thờ chồng nuôi con”. Nếu không tái giá, cô sẽ được người đời trọng vọng, kính nể. Tình yêu và những giá trị cổ hủ ấy vô tình ép Nhung vào thế tiến thoái lưỡng nan.

Mỗi lần nhớ tới Nghĩa, cảm giác hổ thẹn đều trào lên trong lòng Nhung. Cô thấy “tự thẹn về những ý nghĩ bất chính dồn dập trong tâm trí mình lúc đó”. Lúc này, Nhung vẫn bị ảnh hưởng nặng nề bởi các tư tưởng của đạo Nho.

Tieu thuyet Lanh lung anh 2
Nhất Linh đã khắc họa rất tinh tế tâm trạng của góa phụ. Tranh minh họa: Thiếu nữ bên hoa cúc trắng của họa sĩ Dương Bích Liên.

Giành lấy hạnh phúc theo cách khác

Em gái của Nhung là Phương đã dũng cảm làm trái sự sắp đặt của cha mẹ để lấy người mình yêu. Bởi vì Phương biết cha mẹ có giận thì cũng chỉ là chuyện một sớm một chiều. Còn hôn nhân đại sự là chuyện cả đời, nếu không dũng cảm thì hết kiếp này, cô vẫn phải sống trong nuối tiếc. Đám cưới của Phương đã khiến cho Nhung như người đang mơ ngủ bỗng giật mình tỉnh dậy.

Nếu buông xuôi mối tình với Nghĩa, người phụ nữ ấy cũng sẽ hối hận suốt quãng đời còn lại. Em gái có thể dũng cảm đi tìm tình yêu, tại sao cô không thể?

Vì sợ dân làng và mẹ chồng Nhung phát hiện mối quan hệ của hai người, Nghĩa quyết định lên tỉnh. Khi đã hiểu được tầm quan trọng của cuộc tình này với bản thân mình, Nhung quyết định không buông xuôi.

Cô lén lên tỉnh để hẹn hò với Nghĩa. Không cần người đời cho phép, chỉ cần cả hai xem nhau là vợ chồng cũng đủ rồi. Trước kia, mỗi khi nghĩ đến Nghĩa, Nhưng lại sỉ vả bản thân vì không giữ trọn tiết hạnh. Thế nhưng, giờ đây, cô đã rủ bỏ những suy nghĩ ấy để tận hưởng tình yêu. Đây là một bước chuyển biến lớn trong của Nhung.

Những luân lý của xã hội cũ đã cản trở nàng, Nhung vẫn quyết tâm tự đấu tranh cho bản thân mình. Khi tháo bỏ những suy nghĩ cổ hủ như gông cùm ngự trị trong tư tưởng, cô mới thật sự hạnh phúc

Dẫu biết Nhung qua lại với Nghĩa, mẹ chồng cô chẳng dám vạch trần con dâu, vì bà vẫn cần giữ tiếng thơm cho gia đình. Hễ có khách tới chơi, người mẹ chồng tội nghiệp ấy vẫn khen con dâu đức hạnh nết na. Chi tiết này đã vạch trần sự giả dối của xã hội cũ, nơi mà ai cũng cố xây nên một vỏ bọc hoàn hảo để vừa lòng thế gian.

Cuối tác phẩm, hình ảnh Nhung lại nhìn lên bốn chữ vàng “Tiết hạnh khả phong” ở gian khách khiến người đọc không khỏi xót xa. Dù cố gắng đấu tranh, cô cũng không chiến thắng được số mệnh là sống đời quả phụ, hoặc vờ như quả phụ trung trinh, để giữ vẹn toàn tiếng thơm, dẫu cho đó là thứ giả dối, hão huyền.

Tiểu thuyết Lạnh lùng không chỉ là câu chuyện buồn về mối tình của góa phụ. Qua đó, nhà văn Nhất Linh đã cổ vũ những phụ nữ đứng lên giành hạnh phúc cho mình, cố gắng vượt thoát khỏi những tư tưởng cổ hủ đã làm khổ.

Ẩn chứa trong những lời văn nhịp nhàng, bay bổng đó, tác giả đã khéo léo lên án xã hội cũ, nơi người ta coi những danh vọng hão huyền đáng giá hơn hạnh phúc con người.

Nguyễn Tường Tam là nhà văn, nhà báo với bút danh Nhất Linh, Tam Linh, Bảo Sơn, Lãng du, Tân Việt, Đông Sơn. Ông là người thành lập Tự Lực văn đoàn và là cây bút chính của nhóm. Ông từng là chủ bút tuần báo Phong Hóa, Ngày Nay.

ZingNews

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *