Bác sĩ Ngô Đức Hùng trong “bộ đồ nuôi ong” |
Viết từ tâm dịch…
“Nhật ký Covid và những chuyện chưa kể” mang đến cho người đọc những kiến thức cơ bản, ngắn gọn, dễ hiểu về gần 2 năm nhọc nhằn của Việt Nam và thế giới để chống lại đại dịch, những thông tin về nguồn gốc virus, cách xâm nhập cơ thể, lịch sử tồn tại của nhiều dịch bệnh khủng khiếp, đánh dấu những giai đoạn đau thương của loài người.
Bác sĩ Ngô Đức Hùng hay còn gọi là Hùng Ngô hoặc Húng Ngò nổi tiếng trên mạng xã hội với những bài viết mang định hướng y học và thường thì y học nói riêng và khoa học nói chung luôn có truyền thống đi ngược lại với kiến thức dân gian tồn tại qua hình thức truyền khẩu hoặc qua rỉ tai “các mẹ ơi, các mẹ biết gì chưa…”.
Đấu tranh thẳng thắn với những quan điểm “phi khoa học” nên thường xuyên bác sĩ Hùng nằm trong tầm ngắm của đám đông quá khích, chửi bới, lăng mạ cũng nhiều, đòi “đốt xác” cũng không hiếm. Đứng trước làn sóng chửi bới của các “anh hùng bàm phím”, bác sĩ Hùng bình thản: “Đốt xác tôi mà trời ấm được chút thì cũng đỡ”.
Ở cuốn sách này, bác sĩ Hùng viết trong tâm thế của một người trong cuộc – viết từ trong tâm dịch, đó là lần Bệnh viện Bạch Mai, nơi bác sĩ Hùng đang làm việc bị phong tỏa, đó cũng là lần bác sĩ Hùng được phân công tới Bệnh viện dã chiến số 2 – trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương trong đợt Hải Dương bùng phát dịch hồi đầu năm 2021 và hiện tại là Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 – Hà Nam, nơi đang điều trị cho cả trăm lượt bệnh nhân Covid-19 của làn sóng dịch thứ 4 này.
Bác sĩ Ngô Đức Hùng đã chọn lọc chi tiết và viết về những gì anh đã tận mắt thấy, những kinh nghiệm trong nghề và cả bằng trái tim rung cảm của một người thầy thuốc.
Anh có cái nhìn phẫn nộ với những người tạo ra và góp phần thổi bùng tin tức giả trên mạng xã hội. Anh thấy cay đắng với những kỳ thị không chỉ dành cho F0 mà còn dành cho cả nhân viên y tế. Truyền thông thì vẫn luôn: “vinh danh bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch” nhưng những người hàng xóm đó, nếu lỡ có gặp bác sĩ ngoài đường thì chẳng được một câu chào xã giao, nhanh nhanh mà tránh cho xa.
Đọc “Nhật ký Covid và những chuyện chưa kể” mới thấy rõ hơn, hiện thực cuộc sống trong bệnh viện vốn đã muôn phần muôn vẻ với đủ buồn bã, đớn đau và ở đó không dành cho người “tâm lý yếu”. Những người bác sĩ như Ngô Đức Hùng thi thoảng vẫn phải chứng kiến sự ra đi của bệnh nhân. Ám ảnh nhất là sự ra đi trong cô đơn của một sản phụ bị băng huyết nhập viện đúng đợt đầu dịch. Ngày đoàn tụ với gia đình chỉ còn là một lọ tro. Cái chết của cô gái trẻ, dù đã được báo trước nhưng lại rơi đúng thời điểm tất cả đều bối rối vì dịch bệnh. “Không biết hình ảnh này sẽ còn ám ảnh một người bác sĩ đến bao giờ?”, anh viết ra, chắc là để tự hỏi mình!
Cũng vì thấu hiểu giá trị của sinh mạng cùng niềm an ủi được ra đi trong vòng tay của gia đình, có bệnh nhân ung thư di căn giai đoạn cuối, các bác sĩ ở Bệnh viện Bạch Mai khi đó đã quyết tâm chữa khỏi Covid-19, để nếu bệnh nhân ra đi, thì cũng là ra đi trong thanh thản. Và đó cũng là câu hỏi cho câu trả lời “Điều trị để làm gì?”.
“Nhật ký Covid và những chuyện chưa kể” do NXB Thế giới và Công ty Nhã Nam ấn hành |
Những bác sĩ trong “bộ đồ nuôi ong”
Bác sĩ Ngô Đức Hùng hài hước gọi bộ đồ bảo hộ phòng dịch là “bộ đồ nuôi ong”. Tất nhiên, độc giả ít người để ý và cũng ít người có kiến thức về đồ bảo hộ. Đồ bảo hộ chuẩn thường là màu trắng, dày, chống nước và hóa chất, giá tiền cũng phải cả triệu đồng/bộ. Đồ bảo hộ chỉ dùng một lần, chính vì thế khi đã mặc thì các bác sĩ và nhân viên y tế phải tính toán tiết kiệm tối đa. Khi làm một ca 8 tiếng nghĩa là mặc từ lúc vào cho đến khi giao ca mới bỏ ra, trong khoảng thời gian này các bác sĩ và nhân viên y tế cố nhịn ăn, nhịn uống để tránh mất thêm bộ nữa, bởi lý do: “Dù đồ bảo hộ không thiếu nhưng thói quen này trở thành ý thức tự giác của mỗi người”.
Khi mặc đồ bảo hộ, trời nóng thì khổ kiểu nóng, trời lạnh thì khổ kiểu lạnh, có những lúc hơi nước qua hơi thở luồn lên, lọt qua khe khẩu trang N95 bám vào kính mờ tịt. Bác sĩ, y tá không làm sao mà lấy ven cho bệnh nhân được. Muốn hơi nước thoát nhanh chỉ có bật quạt từ sau hay thò đầu qua ban công để hong… cho khô. Mặc đồ bảo hộ phải theo đúng quy trình, cởi đồ bảo hộ cũng phải theo thứ tự và đúng cách.
Sở dĩ phải viết kỹ về đồ bảo hộ của các bác sĩ là bởi, riêng việc mặc bộ đồ này trong suốt những ngày tháng chống dịch đã là cả một sự “vượt lên khó khăn” của đội ngũ y bác sĩ và nhân viên y tế. Riêng chuyện mặc đồ bảo hộ mà nhỡ có ngứa thì cũng không thể gãi được, cảm giác ngứa mà không được gãi bác sĩ Hùng so sánh nó còn “dã man” hơn cả nóng nực, mồ hôi ra ướt hết áo trên quần dưới hoặc là phải nhịn đi vệ sinh.
Cuộc sống trong khu cách ly và bệnh viện dã chiến có nhiều chuyện buồn, song cũng không ít những niềm vui. Có những chi tiết hay khoảnh khắc thoáng qua của bệnh nhân nhưng cũng đủ để bác sĩ Hùng nhìn thấy và ghi nhớ. Có bác bệnh nhân sống độc thân, đi cách ly, ở nhà chỉ còn có 2 con lợn trong chuồng. Hàng xóm sợ hãi, không nhờ ai qua cho lợn ăn hộ. Ruột gan nóng như lửa đốt, lo lợn chết, chỉ mong có ai đó sang thả chúng ra cho chúng tự kiếm ăn. Có người vào khu cách ly thì hạch sách đủ thứ, dọa gọi cho ông nọ bà kia, kỷ luật bác sĩ này, bác sĩ kia vì khu cách ly không tiện nghi như ở nhà.
Cảnh một bà cụ ngày ngày ngồi đọc kinh bên cửa sổ trong khu cách ly cũng là một hình ảnh lay động lòng người nếu như ở một bối cảnh khác. Bà cụ nghễnh tai, bác sĩ đi qua, hỏi gì, nhắn gì cũng chỉ đáp lại: “haaaaaả?”.
Rồi còn có cả chuyện, nửa đêm có chị phụ nữ ngại ngùng vào hỏi xin bác sĩ… băng vệ sinh. Sau lời khẳng định: “Dồ ôi, để đấy tôi lo!”. Sáng hôm sau có ngay thứ “không thể thiếu” đúng chuẩn thương hiệu chị em tin dùng. Tưởng bác sĩ Hùng đang độc thân, thì sao biết được chuyện của chị em phụ nữ, hóa ra trong những chuyến đi phượt, Hùng học được kinh nghiệm, mua để lót giầy và bọc ống kính máy ảnh.
Trong cái “bộ đồ nuôi ong” kín mít đó, thi thoảng bác sĩ chống dịch cũng được tận hưởng mùi hoa bưởi, trên cây bưởi đầy hoa góc sân khu cách ly. Rồi cũng lãng mạn lắm, ước hết dịch thì hái cái thứ hoa kia vào ướp trà.
Không chỉ có mùi hoa bưởi mang lại niềm vui đâu. Dựa lưng vào khu nhà dành cho bác sĩ ngày ngày thay đồ còn có cả trại chăn nuôi. Mùi chất thải từ vịt, lợn theo gió thốc sang lộng cả óc. Thế mà bỗng dưng có hôm chẳng thấy mùi khó chịu ấy nữa thì lại nháo nhác lo hay là mất khứu giác rồi, hay là dính Covid-19. Xét nghiệm xong, âm tính rồi thì vừa hay biết tin, lứa lợn ấy người ta xuất chuồng và vệ sinh sạch sẽ chuồng trại, nên không còn ngửi thấy mùi gì nữa… Cứ thế đan xen, cả chuyện lo lắng, cả nặng nề, hài hước, nhẹ nhàng ấy cứ trôi đi trong tròn 200 trang viết.
Dịch bệnh nào rồi cũng sẽ qua, nhưng hiện thực thì vẫn phải đối diện và vượt qua. Vượt qua ở tâm thế nào là tùy thuộc vào mỗi cá nhân. Cách mà bác sĩ, trong đó có bác sĩ Ngô Đức Hùng nhìn nhận cuộc sống từ vô vàn những khó khăn nơi tâm dịch cũng vậy.
Như bộ phim “Chuyện tử tế” của đạo diễn Trần Văn Thủy từng có lời bình bất hủ: “cố gắng làm được những điều bình thường nhỏ bé chứ không quay lưng lại nỗi đau khổ của con người mà chăm lo riêng cho bộ da của mình…”.
Bác sỹ Ngô Đức Hùng (sinh năm 1981) là bác sĩ chuyên khoa Cấp cứu A9 – Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), Giảng viên Đại học Y Hà Nội. Tác giả của 3 tựa sách xuất bản trong thời gian gần đây: “Để yên cho bác sĩ “hiền” – 2018; 3 phút sơ cứu – 2020; “Nhật ký Covid và những chuyện chưa kể” – 2021.
An ninh thủ đô